Ở cách Triều Tiên hơn 6.000km, một kết cục thảm khốc đang chờ đợi tàu sân bay Mỹ?

Linh Lâm |

Suy nghĩ "phải đánh bại tàu sân bay Mỹ" có vẻ đã ăn sâu vào tư tưởng của lực lượng hải quân "hung hăng" nhất Trung Đông.

Kể từ cách mạng Iran năm 1979, Mỹ và Iran có mối quan hệ không mấy tốt đẹp, đôi lúc còn thể hiện thái độ thù địch công khai.

Một trong những phương tiện được Mỹ sử dụng để phô trương thanh thế tại Trung Đông là tàu sân bay. Tuy nhiên, "biểu tượng oai hùng của sức mạnh Mỹ" lại bị chính phủ Iran xem thường.

Điều này dẫn tới một câu hỏi: Nếu 2 phía xảy ra xụng đột, liệu Iran có đủ sức mạnh hỏa lực để đánh chìm tàu sân bay Mỹ hay không?

Theo các chuyên gia và giới quan sát bên ngoài, suy nghĩ "phải đánh bại tàu sân bay Mỹ" có vẻ đã ăn sâu vào tư tưởng của Iran.

Tháng 1/2015, Đô đốc hải quân Ali Fadavi của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố hải quân IRGC có đủ khả năng đánh chìm các tàu sân bay Mỹ nếu chiến tranh.

Một tháng sau, trong cuộc tập trận Noble Prophet 9 tại eo biển Hormuz, Iran đã dựng mô hình tàu sân bay Mỹ và thực hành tấn công nó bằng tên lửa chống hạm, thủy lôi.

Một cuộc đột kích giả định của lực lượng biệt kích cũng được tiến hành, trong đó toán lính biệt kích của Iran đổ bộ lên boong "tàu sân bay Mỹ" bằng trực thăng và tấn công vào thượng tầng của tàu.

Theo Văn phòng tình báo hải quân Mỹ (ONI), hải quân Iran bao gồm 2 lực lượng: Hải quân Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRIN) và Hải quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGCN).

IRIN là lực lượng hải quân truyền thống, vì thế, họ cũng được giao phó vai trò truyền thống là bảo vệ các lợi ích hải quân của Iran và triển khai sức mạnh ra bên ngoài Vịnh Ba Tư, cùng các khu vực ở Ấn Độ Dương bằng các tàu chiến có kích cỡ khinh hạm.

Trong khi đó, IRGCN đầu tư nhiều hơn vào các tàu cao tốc, vũ trang hạng nặng nhưng có kích cỡ nhỏ hơn để đảm nhiệm vai trò chống tiếp cận/chống xâm nhập trong khuôn khổ Vịnh Ba Tư, đối phó với những "người hàng xóm" khó ưa của Iran và Mỹ.

IRGCN cũng là lực lượng kiểm soát và vận hành các hệ thống tên lửa chống hạm - phòng thủ bờ biển của Iran.

5 vấn đề với Iran

Trước đó, trong một bài viết đăng trên tạp chí National Interest, chuyên gia Kyle Mizokami đánh giá hải quân Iran nói chung là một trong những lực lượng hải quân "hung hăng" nhất trong khu vực.

Tuy nhiên, theo ông Mizokami, có nhiều lý do để nghi ngờ tuyên bố của Đô đốc Fadavi.

Đầu tiên, các lực lượng Iran có vấn đề về tầm bắn.

Các lực lượng Mỹ, đặc biệt là những đơn vị triển khai trên tàu sân bay, có tầm tác chiến lớn hơn nhiều so với các lực lượng Iran.

Qader là tên lửa phòng thủ bờ biển có tầm bắn xa nhất của Iran hiện nay nhưng thực chất, tầm bắn 300km của nó chưa bằng một nửa bán kính chiến đấu của một tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet.

Không quân Iran cũng có tình trạng tương tự, các máy bay chiến đấu và vũ khí của họ có tầm bắn ngắn hơn các hệ thống phòng thủ của Mỹ. Phần lớn tàu chiến Mỹ, chẳng hạn như tàu sân bay, có thể nằm hoàn toàn bên ngoài tầm bắn của các lực lượng Iran và vô tư hoạt động.

Ở cách Triều Tiên hơn 6.000km, một kết cục thảm khốc đang chờ đợi tàu sân bay Mỹ? - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa Qader khai hỏa trong cuộc tập trận hải quân Velayat-90. Ảnh: Wiki

Vấn đề thứ hai đối với Iran là sức mạnh hỏa lực. Mặc dù Iran có nhiều tàu chiến trang bị tên lửa chống hạm nhưng chỉ một ít trong số chúng có đầu đạn đủ mạnh để gây hư hại nghiêm trọng cho tàu sân bay Mỹ.

Tên lửa hành trình chống tàu C-802 (do Trung Quốc sản xuất và sau đó được Iran dựa vào để phát triển một số tên lửa chống hạm), có đầu đạn nặng chưa đầy 180kg.

Trong Chiến tranh Lạnh, hải quân và không quân Liên Xô được giao phó nhiệm vụ chống tàu sân bay, loại đầu đạn đặc trưng của họ có khối lượng từ 700kg – gần 1 tấn.

Hầu hết các tên lửa Liên Xô được thiết kế để chống tàu sân bay, như AS-4 Kitchen, sẽ trang bị đầu đạn hạt nhân. Điều này cho thấy Liên Xô đánh giá nhiệm vụ đánh chìm tàu sân bay Mỹ khó khăn tới mức độ nào.

Một điều may mắn cho Mỹ là Iran hiện chưa có vũ khí hạt nhân.

Iran luyện tấn công mô hình tàu sân bay Mỹ

Vấn đề thứ ba là "cơ hội". Ngay cả nếu Iran, bằng cách nào đó, có được các nguồn lực để đánh chìm tàu sân bay thì Mỹ chỉ cần tránh đi và chọn phương tiện tấn công khác là được.

Mỹ sẽ không bao giờ triển khai tàu sân bay mang theo 5.500 quân nhân vào khu vực nằm trong tầm bắn của đối phương, trừ phi không có lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ có hàng đống phương tiện để thay thế hỏa lực tàu sân bay, trong đó có các tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến và máy bay ném bom chiến lược tầm xa.

Vấn đề thứ tư là ưu thế vượt trội về phòng thủ của các lực lượng Mỹ. Các tàu sân bay Mỹ thường được hộ tống bởi một tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga và 1-2 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke. Tất cả các tàu này lại được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis.

Chúng được thiết kế chuyên cho nhiệm vụ bảo vệ tàu sân bay trước các cuộc tấn công dồn dập bằng đường không và tên lửa.

Bên cạnh đó, các đợt tuần tra chiến đấu do lực lượng F/A-18E/F Super Hornet đảm nhiệm hoàn toàn có thể tiêu diệt máy bay và tàu chiến của đối phương ở tầm xa.

Cuối cùng, hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx và pháo hạm trên các tàu trong nhóm tác chiến tàu sân bay có tiểu tiêu diệt máy bay không người lái, trực thăng hoặc tàu tấn công nhanh ở tầm gần.

Ở cách Triều Tiên hơn 6.000km, một kết cục thảm khốc đang chờ đợi tàu sân bay Mỹ? - Ảnh 3.

Tàu sân bay Mỹ thường có các tàu hộ tống đi kèm. Nguồn: Your News Wire

Vấn đề thứ năm (và có lẽ cũng là vấn đề cuối cùng?) là ưu thế vượt trội về khả năng tấn công của các lực lượng Mỹ.

Trong bất cứ chiến dịch nào nhằm chống lại Iran, gần như chắc chắn Mỹ sẽ là bên tấn công trước và họ sẽ tấn công dữ dội vào bất cứ (hoặc toàn bộ) tàu chiến, cũng như máy bay Iran đang mang mối đe dọa tiềm tàng đối với lực lượng Mỹ.

Toàn bộ căn cứ không quân, hải quân, phòng không, các tàu chiến của IRIN và IRGCN trên biển, các cảng biển, căn cứ/tổ hợp tên lửa chống tàu của Iran sẽ hứng chịu các cuộc tấn công của máy bay chiến đấu Mỹ triển khai từ căn cứ trên bộ/tàu sân bay, các máy bay ném bom chiến lược tầm xa cất cánh từ Diego Garcia, tàu chiến/tàu ngầm Mỹ bắn tên lửa hành trình.

Lực lượng hải quân Iran sẽ tiêu hao sinh lực nặng nề từ các cuộc tấn công này và họ sẽ còn tiếp tục chịu thiệt hại cho tới khi lực lượng tình báo Mỹ thông báo phía Iran không còn là mối đe dọa đối với Mỹ.

Với lực lượng còn sót lại sau cuộc tấn công dữ dội này, Iran không thể tiến hành được một cuộc phản công đáng kể.

"Điểm sáng" trong kho vũ khí

Tuy nhiên, ngoài những vấn đề nêu trên, cũng cần thừa nhận rằng trong kho vũ khí Iran có một số vũ khí mà Mỹ cần phải dừ chừng.

"Học" theo Trung Quốc và tên lửa đạn đạo chống tàu (ASBM) DF-21D của nước này, Iran gần đây tuyên bố đã thử nghiệm một loại ASBM nội địa.

Tên lửa đạn đạo chống tàu dẫn đường bằng radar Hormuz 1 và 2 được cho là có tầm bắn lên tới 250km. Mặc dù tầm bắn này chưa đủ xa so với tàu sân bay nhưng nó cho thấy Iran đang đi đúng hướng.

Ở cách Triều Tiên hơn 6.000km, một kết cục thảm khốc đang chờ đợi tàu sân bay Mỹ? - Ảnh 4.

Tên lửa Hormuz 1 và 2 (phía sau) của Iran được tiết lộ vào ngày 11/5/2014. Ảnh: leader.ir

Một mối đe dọa lớn khác từ Iran là 3 tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Kilo mua từ Nga đầu những năm 1990.

Được thiết kế để hoạt động ven biển và tại các vùng nước nông, trên lý thuyết, Kilo là lớp tàu ngầm rất mạnh.

Theo tài liệu Combat Fleet of the World, các tàu của Iran đang gặp nhiều vấn đề với hệ thống pin và không được bảo dưỡng đầy đủ, trong khi chương trình đào tạo kíp vận hành lại nghèo nàn. Tuy nhiên, nếu được đào tạo và trang bị chuẩn, các tàu ngầm Kilo và ngư lôi của chúng có thể gây tổn hại lớn cho tàu sân bay.

Ở cách Triều Tiên hơn 6.000km, một kết cục thảm khốc đang chờ đợi tàu sân bay Mỹ? - Ảnh 5.

Tàu ngầm Kilo của Iran có thể trở thành mối đe dọa đối với Mỹ. Ảnh: Wiki

Trong bối cảnh hiện nay, Triều Tiên (quốc gia cách Iran gần 6.500km đường chim bay) là minh chứng cho thấy một đối thủ, nếu được thúc đẩy, sẽ dần dần nâng cao năng lực phòng vệ trước Mỹ. Iran cũng sẽ như vậy, thậm chí nước này còn có nhiều nguồn lực hơn Triều Tiên.

Sự đột phá trong năng lực tấn công, dù là với tên lửa đạn đạo chống tàu, vũ khí hạt nhân hay một công nghệ quân sự nào đó tương tự, cũng sẽ cho phép Iran nhanh chóng bắt kịp và đặt ra được thách thức lớn cho sức mạnh quân sự Mỹ.

Hiện Iran chưa đủ khả năng đánh chìm tàu sân bay Mỹ nhưng đó sẽ không phải là lợi thế mà Lầu Năm Góc có thể duy trì mãi mãi.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Kyle Mizokami

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại