Ngày 29/11/1987, chiếc Boeing 707 của hãng Hàng không Hàn Quốc trong chuyến bay 858 từ Thủ đô Baghdad, Iraq đến Seoul đã bất ngờ nổ tung trên bầu trời ngoài khơi bờ biển Andaman của Myanmar, cướp đi sinh mạng của 115 hành khách và phi hành đoàn.
Tác nhân của vụ nổ kinh hoàng này là nữ điệp viên Triều Tiên Kim Hyon Hui, người đã nhận được mệnh lệnh phải làm gián đoạn cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc và Olympic Seoul năm 1988.
Để trở thành điệp viên, Kim đã trả qua 7 năm học tập và rèn luyện khắc khổ, bí mật. Kim được dạy võ thuật, bắn súng, liên lạc vô tuyến và học cách sống sót trong những tình huống khó khăn nhất.
Tháng 11/1987, trong khi đang theo học khóa tiếng Trung tại Quảng Châu, Kim đột ngột bị triệu hồi về Bình Nhưỡng. Tại đây, cơ quan tình báo Triều Tiên đã giao cho Kim một nhiệm vụ tuyệt mật: đánh bom máy bay Hàn Quốc.
Nữ điệp viên Triều Tiên Kim Hyon Hui trong một cuộc họp báo tháng 3/2009
Theo kế hoạch định sẵn, Kim và cộng sự nam Kim Seung Il sẽ bay sang Thủ đô Vienna của Áo dưới vỏ bọc một cặp đôi người Nhật và nhận bom tại đây.
"Quả bom là một chiếc radio nhỏ hiệu Panasonic. Phía sau nó là các cục pin. Triều Tiên đã thiết kế để một nửa chiếc radio đựng thuốc nổ chứa hóa chất còn nửa kia vẫn sử dụng như một chiếc radio bình thường" - Kim kể lại.
Cặp đôi "Nhật Bản" mang bom đến Baghdad. Khi họ làm thủ tục lên chuyến bay 858 tới Seoul, lực lượng an ninh sân bay đã yêu cầu để các cục pin trong chiếc radio lại.
"Lúc đó tôi rất hồi hộp. Không có chúng, quả bom vô tác dụng", Kim Hyon Hui kể lại, "Tôi lấy các cục pin, lắp vào chiếc radio. Khi tôi bật lên, chiếc radio phát ra âm thanh rất to và tôi ca thán với họ rằng, họ đang lo lắng thái quá".
Lực lượng an ninh sân bay sau đó đã cho Kim qua cửa kiểm soát, lên máy bay với chiếc radio còn nguyên vẹn.
"Ý nghĩ "những hành khách này sẽ chết" chạy thoáng qua đầu tôi. Tôi đã rất ngạc nhiên khi nghĩ về hình ảnh đó. Tôi cảm thấy mình đang yếu đuối. Mình làm việc vì sự thống nhất cơ mà".
Kim cài quả bom lên khoang chứa hành lý phía trên ghế ngồi rồi uống vài viên thuốc để giảm bớt căng thẳng. Kim và đồng nghiệp nam sau đó xuống máy bay tại một cảng trung chuyển ở Abu Dhabi.
Chiếc Boeing 707 chở theo 115 người và một quả bom Triều Tiên tiếp tục lên đường tới Seoul nhưng nó đã không bao giờ về tới sân bay cuối.
Kế hoạch chạy trốn qua đường Rome và Vienna đã không thành công khi hai điệp viên Triều Tiên bị bắt giữa tại Bahrain. Họ lên kế hoạch B, sử dụng thuốc độc giấu trong đầu lọc thuốc lá để tự sát.
"Chúng tôi được dạy rằng, nếu một điệp viên không hoàn thành nhiệm vụ, anh hoặc chị ta cần phải tự sát. Chúng tôi phải uống thuốc độc để bảo vệ bí mật. Khi đó tôi đã nghĩ, cuộc sống 25 tuổi của mình kết thúc tại đây".
Ngấm chất độc xyanua, Kim bất tỉnh nhưng vẫn sống sót còn đồng nghiệp nam thì tử vong.
Bị trục xuất về Seoul để thẩm vấn, trong suốt 8 ngày đầu Kim từ chối khai mọi thứ vì lo sợ gia đình sẽ bị báo thù. Tuy nhiên, sau đó, Kim đã chấp nhận khai ra sự thật.
Kim bị xét xử và kết án tử hình nhưng sau đó được Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là Roh Tae-woo ân xá bất chấp chỉ trích và phản đối từ phe đối lập.
Sau này, Kim làm việc cho Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc và kết hôn với chính một trong những vệ sĩ của mình. Kim có 2 con và đang bắt đầu viết hồi ký về những trải nghiệm đã qua trong cuộc đời mình.
Kênh truyền hình CNN tường thuật về điệp vụ của Kim Hyon Hui