Sau khi xuất hiện thông tin trên, đa phần các ý kiến đều cho rằng Myanmar đã đặt mua biến thể Su-30SME do Tổ hợp Irkut sản xuất.
Lý do chính nhận tới dự đoán này rất dễ hiểu khi đây là phiên bản Su-30 duy nhất còn được Nga sản xuất, còn dây chuyền lắp ráp Su-30MK tại Tổ hợp sản xuất máy bay Komsomolsk trên sông Amur mang tên Yu. A. Gagarin (KnAAPO - Komsomolsk on Amur) đã chính thức đóng cửa.
Hiện nay Su-30SME cùng với Su-35S được xem như hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, đang thu hút sự quan tâm đến từ rất nhiều đối tác trên khắp thế giới. Do vậy nếu Myanmar thực sự đặt mua Su-30SME thì đó cũng là điều dễ hiểu.
Mô hình tiêm kích đa năng Su-30SME được Nga trưng bày tại một cuộc triển lãm quân sự
Tuy nhiên thật bất ngờ khi mới đây trang Sina của Trung Quốc đã đưa ra thông tin trái ngược hẳn với các phương tiện truyền thông khác khi dự đoán phiên bản Su-30 mà Không quân Myanmar sẽ tiếp nhận là Su-30K.
Như đã biết, Không quân Ấn Độ trước khi được Nga giao cho những chiếc Su-30MKI hiện đại thì họ "nhận tạm" 18 tiêm kích Su-30K tính năng kém ưu việt hơn như giải pháp lấp khoảng trống.
Sau hơn 10 năm sử dụng, theo đúng hợp đồng, toàn bộ phi đội Su-30K trên được trao trả lại phía Nga và hiện nằm tại Nhà máy sửa chữa máy bay số 558 trên đất Belarus nhằm tránh thuế nhập khẩu.
Phía Nga đã rất tích cực trong việc tìm đối tác mua lại 18 chiếc Su-30K này, một trong những ứng viên sáng giá từng được nhắc tới chính là Việt Nam. Tuy nhiên sau khi đánh giá tình trạng kỹ thuật cũng như cân đối lại chi phí thì chúng ta đã từ bỏ thương vụ này để mua tiếp Su-30MK2 sản xuất mới.
Tiêm kích Su-30K được nâng cấp để bán cho Không quân Angola
Nỗ lực của Nga cuối cùng cũng đã có kết quả khi Tổng công ty Xuất nhập khẩu vũ khí nhà nước Rosoboronexport ký được hợp đồng với Angola vào cuối năm 2013, theo đó họ sẽ đại thu và nâng cấp 12 máy bay Su-30K lên chuẩn Su-30KN và bán lại cho quốc gia châu Phi này, đợt giao hàng đầu tiên đã diễn ra cuối năm 2017.
Nhưng lô hàng trên vẫn còn tồn lại 6 chiếc Su-30K khác chưa có người mang về. Đã từng xuất hiện thông tin cho rằng đích đến của chúng sẽ là Sri Lanka hay Iraq nhưng đến nay vẫn chưa có xác nhận chính thức.
Nếu như thông tin của tờ báo Trung Quốc là chính xác thì đây sẽ là thành công của Nga khi đẩy được món hàng tồn kho sau rất nhiều năm lưu giữ, số lượng 6 chiếc còn lại cũng trùng khớp với số lượng đặt mua của Myanmar. Mặc dù vậy, vẫn cần thêm thông tin xác nhận chính thức của các bên liên quan.
Tiêm kích Su-30 của Không quân Nga phóng tên lửa R-73 và bắn pháo GSh-30-1