Hãng thông tấn TASS ngày 19/1 dẫn thông cáo báo chí của Cơ quan Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật Quân sự (FSMTC) cho biết, một phần thiết bị hỗ trợ trong chuyến hải trình đầu tiên chở hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 mà Nga chuyển giao cho Trung Quốc theo hợp đồng ký kết năm 2014 đã bị bão đánh hỏng và buộc phải quay trở lại bờ.
"Thực hiện hợp đồng cung cấp hệ thống S-400 cho Trung Quốc, cuối tháng 12/2017 một chiếc tàu chở thiết bị đã rời cảng Ust Luga, vùng Leningrad. Tuy nhiên, khi đang trên hành trình tới Trung Quốc, chiếc tàu đã gặp phải một cơn bão lớn khiến một phần thiết bị hư hại. Do đó, chiếc tàu đã được quyết định quay trở lại cảng xuất phát", thông báo của FSMTC viết.
Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga hiện đang đánh giá thiệt hại để đền bù theo chương trình bảo hiểm. Sau khi công việc hoàn tất, những thiết bị không bị hư hại sẽ tiếp tục được chuyển tới khách hàng.
Theo FSMTC, thiệt hại sẽ không ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện hợp đồng cung cấp S-400 cho Trung Quốc.
S-400 khai hỏa tại trường bắn Ashuluk trong cuộc tập trận chiến thuật của Lực lượng phòng thủ Vũ trụ Nga.
Tháng 11/2014, các phương tiện truyền thông đưa tin Trung Quốc và Nga đã ký hợp đồng mua bán S-400. Thông tin này sau đó cũng được ông Vladimir Kozhin, Trợ lý Tổng thống Nga về hợp tác quân sự chính thức xác nhận vào tháng 11/2015.
Trung Quốc là quốc gia nước ngoài đầu tiên mua các hệ thống phòng thủ S-400 của Nga, tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ. Hợp đồng ký với Ankara ngày 12/9/2017 đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nước thành viên NATO đầu tiên mua S-400 của Nga.
S-400 Triumph (hay SA-21 Growler theo định danh của NATO) là hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến nhất được Nga đưa vào sử dụng từ năm 2007. S-400 được thiết kế để tấn công các máy bay, tên lửa đạn đạo và hành trình. Nó cũng có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu mặt đất.
Tổ hợp phòng không này có khả năng tấn công các mục tiêu từ khoảng cách 400 km và ở tầm cao lên tới 30 km. Hiện tại, Quân đội Nga là lực lượng duy nhất trang bị S-400. Theo kế hoạch, 4 nước khác tiếp theo sẽ sở hữu hệ thống này gồm: Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Saudi Arabia.