Mâu thuẫn về động cơ cặp tàu Gepard Việt Nam thứ 2

Tuấn Hưng |

Nga đã ấn định thời điểm bàn giao cặp tàu Gepard thứ 2 cho Việt Nam nhưng nguồn gốc động cơ trang bị vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Giao tàu sớm

Trả lời Tạp chí quốc phòng IHS Jane’s tại Triển lãm Quốc phòng DSA 2016, Tổng Giám đốc nhà máy đóng tàu Zelenodolsk của Nga, ông Renat Mistakhov cho biết Moskva sẽ giao cặp tàu Gepard 3.9 thứ 2 cho Hải quân Việt Nam vào Quý III năm 2016.

Đây là thông tin hết sức bất ngờ vì chính ông này, trước đó tháng 12/2015 đã tuyên bố rằng, Việt Nam sẽ nhận đủ hai tàu Gepard 3.9 trong giai đoạn 2017-2018.

"Cả hai tàu được trang bị khả năng tác chiến chống ngầm sẽ được hạ thủy trong tháng 4 và tháng 5/2016. Sau đó, chúng tôi sẽ bắt đầu các thử nghiệm ban đầu", ông Mistakhov nói thêm. "Các tàu sẽ được cung cấp cho Việt Nam trong quý III năm 2016.

Ông Mistakhov cũng cho biết là, hệ thống động cơ đẩy của cả hai tàu đã được gắn bên trong, cũng đã hoàn thành hệ thống điện.


Tàu hộ vệ tên lửa Gepard thứ 3 của Việt Nam vừa được hạ thủy.

Tàu hộ vệ tên lửa Gepard thứ 3 của Việt Nam vừa được hạ thủy.

Động cơ Ukraine hay Đức?

Nếu đúng như tuyên bố thì ngay trong năm 2016 này, Hải quân Việt Nam sẽ được tiếp nhận cặp tàu Gepard 3.9 thứ 2, tuy nhiên đến thời điểm này, nguồn gốc động cơ trang bị cho cặp tàu mới vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Trong Báo cáo tài chính năm 2015 do Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk (Cộng hoà Tatarstan, Nga) công bố ngày 15/4/2016 cho biết vấn đề quan trọng trong tiến trình đóng tàu Gepard 3.9 thứ 3 và 4 cho Việt Nam là động cơ turbin khí.

Trước đây hầu hết tàu chiến của Hải quân Nga và tàu chiến Nga xuất khẩu gần như sử dụng động cơ turbin khí của hãng Zorya - Mashproekt ở Nikolaev, Ukraine.

Sau khi Nga sáp nhập Crimea vào Nga năm 2014, các giao dịch cung ứng động cơ từ Ukraine chấm dứt, gây ảnh hưởng lớn đến ngành đóng tàu chiến của Nga và ảnh hưởng đến khách hàng nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Theo hợp đồng, động cơ của 2 tàu Gepard của Việt Nam trang bị loại turbin khí M44E của Zorya - Mashproekt.

Sau khi Ukraine không giao hàng cho Nga, phía Việt Nam đã đàm phán với Ukraine về vấn đề động cơ này.

Cuối cùng Ukraine và Việt Nam ký kết thoả thuận để Ukraine giao động cơ cho Việt Nam rồi Việt Nam chuyển cho Nhà máy.

Các thủ tục hoàn tất vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015, và đến ngày 17/10/2015 động cơ M44E đã được giao cho Nhà máy Zelenodolsk để lắp ráp cho 2 tàu Gepard của Việt Nam.

Thông tin này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố do chính công ty đóng tàu Nga tuyên bố.

Cụ thể, hồi đầu tháng 1/2016, ông Alexander Karpov, Phó tổng giám đốc thứ nhất Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk tuyên bố với tờ VPK (Nga) rằng cặp tàu Gepard thứ 2 của Việt Nam được trang bị động cơ do Đức sản xuất.

Theo ông Alexander Karpov, 2 con tàu này được sử dụng động cơ và bộ truyền động của Đức. Trong phát biểu của mình, ông Karpov cho biết, việc đóng 2 tàu Gepard cho Việt Nam sẽ được tiến hành theo đúng kế hoạch và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sẽ không ảnh hưởng đến hợp đồng.

Ông này nhấn mạnh: "Không có bất kỳ vấn đề nào với châu Âu. Các công ty MAN và RENK của Đức sẽ cung cấp động cơ và thiết bị truyền động cho 2 tàu Gepard. Họ đã được cho phép xuất khẩu các sản phẩm này sang Nga thông qua một đối tác khác (Việt Nam)".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại