Đã 10 ngày trôi qua, sau sự ra đi của con gái đến hôm nay chị Trà mới có thể bình tĩnh kể câu chuyện đau lòng liên quan tới cái chết thương tâm của con chị.
Bé Ỉn giẫm phải vật gì đó ở chân. Chị Trà chủ quan nên không cho bé đi chích ngừa vắc xin và cũng không vệ sinh sạch.
Sau đó, bé bị sốt nhẹ, đau họng chị Trà cho con đi khám bác sĩ bảo bé bị viêm amidan. Chị Trà có nói bé từng bị giẫm phải gai nhưng bác sĩ bảo không sao.
Về nhà, bé vẫn sốt uống thuốc đỡ nhưng bé kêu đau chân. Tình trạng ngày càng nặng hơn khi bé sốt cao và không có dấu hiệu giảm, người lả đi. Bé được đưa vào Bệnh viện huyện Đông Anh và bác sĩ truyền dịch, sử dụng thuốc hạ sốt, nhưng vẫn không tiến triển. Hai ngày ở bệnh viện huyện tình trạng không tiến triển nên chuyển bé xuống Bệnh viện Xanh pôn, Hà Nội.
Bé Ỉn vào phòng cấp cứu nhi, sau khi khám và xét nghiệm bác sĩ cho biết bé bị nhiễm trùng nặng. Bé nhanh chóng được thở ôxy và tình hình càng ngày càng xấu khi nhiễm trùng máu gia tăng. Dù được lọc máu bằng ECMO nhưng tiên lượng xấu. Chị Trà không ngờ vết thương nhỏ xíu ở chân đã khiến con gái bị hôn mê bất tỉnh.
Tình trạng bệnh của bé Ỉn ngày càng xấu khi bé hôn mê, chỉ số nhiễm trùng vẫn rất cao. Bé được đưa sang Bệnh viện Nhi trung ương. Dù bé cách ly và dùng đủ máy móc, thuốc men hỗ trợ vẫn không thể cứu được. Bé Ỉn qua đời vào ngày 25/6 trong sự xót thương của cả gia đình.
Cái mụn của bé Mít con chị Quỳnh Anh
Chị Trà cho biết vào viện mới thấy có quá nhiều bé cũng giống con chị bị nhiễm trùng máu từ một vài vết thương nhỏ như mụn hay cái gai đâm vào chân. Các mẹ đều chủ quan và khi bé vào viện thì đã nhiễm trùng máu rất nặng.
Chị Nguyễn Quỳnh Anh ở Hà Nội cũng chia sẻ câu chuyện con chị bị nhiễm trùng huyết chỉ vì cái mụn nhỏ. Chị Quỳnh anh kể bé Mít nhà mình tự nhiên mọc 1 cái nhọt ở đùi, mới đầu cũng rất nhỏ.
Mấy hôm sau cái mụn sưng, sờ cứng cứng xung quanh, hai vợ chồng đè ra nặn thì ra mủ xanh, nặn xong cũng cẩn thận sát trùng nhưng hôm sau vẫn không thấy cái mụn lặn đi, sờ vẫn thấy cứng xung quanh. Cho bé đi khám bác sĩ kê kháng sinh để bảo vệ nhọt, hẹn 2 ngày nữa nó chín thì vào chích ra.
Về nhà thì bé Mít kêu đau và không chịu uống thuốc kháng sinh. Bố mẹ cho uống thuốc, nhưng cái nhọt rỉ máu ra. Thấy thế, bố Mít đã nặn luôn mụn và đến đêm bé lên cơn sốt, uống hạ sốt không đỡ, người phát ban toàn thân.
Bé cho vào viện cấp cứu bác sĩ cho biết bé bị bội nhiễm và độc nhiễm vào máu gây ban toàn thân, phải truyền kháng sinh.
Nhiễm trùng huyết nguy hiểm thế nào
PGS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiễm khuẩn huyết là một trong những bệnh lý nguy hiểm ở trẻ em và cả người lớn. Đa số các trường hợp nhiễm bệnh phải điều trị tích cực, nguy hiểm nhất là sốc nhiễm khuẩn.
Các vi khuẩn gây ra nhiễm khuẩn huyết là tụ cầu khuẩn, vi khuẩn gây viêm đường hô hấp, vi khuẩn viêm màng não mủ, vi khuẩn đường ruột…
Mất con vì cái nhọt
Ở trẻ nhỏ, những tổn thương ngoài da như viêm da, mụn nhọt, các ổ áp-xe, viêm phổi, tiêu chảy do vi khuẩn đường ruột, viêm màng não mủ… là con đường để vi khuẩn xâm nhập vào và đi vào máu gây nhiễm trùng huyết.
Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng huyết đó là trẻ sốt cao, sử dụng thuốc hạ sốt cũng không có tác dụng, kèm theo li bì, viêm phổi đi kèm… Nhiễm khuẩn huyết gây nên biến chứng sốc nhiễm trùng người bệnh có thể tử vong nhanh chóng do suy đa phủ tạng.
Nhiễm trùng huyết làm tăng chi phí điều trị và thời gian nằm viện của bệnh nhân, đồng thời làm xuất hiện những chủng vi khuẩn kháng kháng sinh trong bệnh viện.
Khi trẻ có dấu hiệu sốt, nhịp tim nhanh cần nghĩ ngay tới nhiễm khuẩn huyết. Để chẩn đoán chính xác cần cấy máu là phương pháp phổ biến và vẫn được coi là ‘tiêu chuẩn vàng’ trong xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng huyết như vi khuẩn và nấm.
Tuy nhiên, một số trường hợp nặng bác sĩ có kinh nghiệm có thể chẩn đoán ngay nhiễm trùng huyết thay vì chờ đợi kết quả để có thời gian cứu người bệnh.
Để phòng nhiễm khuẩn huyết, PGS Dũng cho biết khi trẻ có các ổ nhiễm trùng da cũng cần phải điều trị dứt điểm các ổ viêm nhiễm này bởi một ổ viêm trên da cũng có thể dẫn đến hậu quả lớn.