Mang khối bướu khổng lồ, bà lão 64 tuổi tưởng mình đang tăng cân

Mộc Lê |

Khối bướu liên tục phát triển nhưng nghĩ mình đang tăng cân, người phụ nữ không điều trị ngay, đến khi phát hiện thì bướu đã khổng lồ, đe dọa tính mạng.

Các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện (BV) Bình Dân (TP.HCM) vừa cắt lọc thành công khối u lạ.

Ca phẫu thuật đã giúp người bệnh thoát khỏi nguy cơ khối u phát triển lớn gây suy kiệt, chèn ép các cơ quan lân cận và đặc biệt đang dọa vỡ gây xuất huyết, nguy hiểm tính mạng.

Trước đó do lầm tưởng đang tăng cân, bà N.T.L. (64 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) không để ý rằng vùng bụng đang lớn một cách bất thường.

Chỉ đến khi sờ thấy một khối tròn gồ lên ở vùng bụng dưới bên trái và thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, ăn uống khó tiêu, bà L. mới lo lắng và tìm đến một trung tâm chuyên chẩn đoán y khoa để khám bệnh.

Tại đây cả thăm khám lâm sàng và siêu âm, các bác sĩ đều ghi nhận một khối u lớn khu trú ở vùng hạ sườn trái. Bên cạnh đó, kết quả CT scan khảo sát vùng bụng phát hiện khối u mô đệm thành dạ dày, đường kính lớn nhất lên tới 20 cm.

Bệnh nhân được chuyển đến BV Bình Dân để nội soi dạ dày - tá tràng. Kết quả cho thấy một khối u dưới niêm mạc dạ dày dạng u mô đệm đường tiêu hóa.

“Đây là một trường hợp khó với khối u có kích thước khổng lồ, lan dính nhiều cơ quan trong ổ bụng và trong tình trạng dọa vỡ nên bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật tức thời” - Các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa, BV Bình Dân đánh giá.

Mang khối bướu khổng lồ, bà lão 64 tuổi tưởng mình đang tăng cân - Ảnh 1.

Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân.

Quá trình phẫu thuật, ekip điều trị quan sát trong ổ bụng người bệnh có máu cũ và khối bướu có cuống khoảng 2 cm trên thành dạ dày, xâm lấn tụy tạng và một số cơ quan khác.

Vì khối u “mềm như sương sa” nên toàn bộ ê kíp phải tập trung cao độ trong từng thao tác bóc tách, gỡ dính, đồng thời đảm bảo không tổn thương các tĩnh mạch quan trọng.

Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt trọn khối bướu và một phần rất nhỏ (khoảng 2 cm) của thành dạ dày và đặt dẫn lưu ổ bụng.

Bác sĩ Nguyễn Phú Hữu, khoa Ngoại tiêu hóa, Bình Dân cho biết thời điểm diễn ra phẫu thuật, quá trình cầm máu cũng phải đảm bảo nhanh chóng, linh hoạt để tránh nguy cơ bướu vỡ bất ngờ gây xuất huyết ồ ạt và đe dọa tính mạng người bệnh.

Khối u của bệnh nhân L. là một loại u mô đệm đường tiêu hóa (GIST), có thể xuất hiện ở mọi vị trí trên đường tiêu hóa như thực quản, dạ dày, ruột… Loại u này có tỷ lệ gặp ít hơn 5% các khối u ở vùng dạ dày.

Khối u sẽ phát triển lớn, bám dính và làm ảnh hưởng nhiều cơ quan trong ổ bụng, di căn khiến cơ thể suy mòn nếu không được điều trị.

“Mỗi năm, tại khoa Ngoại tiêu hóa thực hiện phẫu thuật cho khoảng 20 trường hợp u mô đệm đường tiêu hóa (GIST).

Người bệnh L. đã rất may mắn khi được phẫu thuật kịp thời khi u đã có kích thước rất lớn, có thể vỡ bất cứ lúc nào với nếu xảy ra va chạm trong sinh hoạt như té ngã, chấn thương vào vùng bụng vì khối u rất mềm và thành mỏng” – bác sĩ phân tích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại