Bản lĩnh đàn ông bị đe doạ
Bé trai Đỗ Quốc H (6 tuổi, trú tại Văn Lâm, Hưng Yên) được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội trong tình trạng sưng đau vùng bẹn bìu trái. Qua siêu âm, các bác sĩ phát hiện bé bị xoắn tinh hoàn.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật để tháo xoắn tinh hoàn nhưng bên tinh hoàn trái đã hoại tử tím đen không còn khả năng bảo tồn nên phải cắt bỏ một bên tinh hoàn cho bé.
Tương tự, bé trai 9 tuổi quê ở Ninh Thuận được bố mẹ đưa tới Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM thăm khám do bị đau bìu trái 5 ngày và được điều trị ở bệnh viện tuyến dưới nhưng tình trạng không thuyên giảm.
Qua thăm khám, bác sĩ nghi ngờ bé bị xoắn tinh hoàn. Bệnh nhi được chỉ định mổ cấp cứu. Kết quả phẫu thuật tinh hoàn trái xoắn 2 vòng, hoại tử. Bác sĩ đã buộc phải cắt bỏ tinh hoàn hoại tử và phẫu thuật cố định tinh hoàn còn lại.
Xót xa hơn, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội vừa phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn cho 2 bé trai mới 13 tuổi do các bác sĩ tuyến dưới chẩn đoán nhầm bệnh.
Giữa tháng 12.2018, Trung tâm Nam Học (Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) tiếp nhận 2 bệnh nhi được chẩn đoán xoắn tinh hoàn trái ngày thứ 3 đều phải cắt tinh hoàn. Điều đáng chú ý cả 2 bệnh nhân trên đều được tuyến dưới chẩn đoán nhầm là viêm tinh hoàn.
Trường hợp thứ nhất là Nguyễn Thành K, 13 tuổi, đột ngột sưng đau tinh hoàn trái vào bệnh viện tuyến dưới đã được chẩn đoán: Viêm tinh hoàn trái và điều trị kháng sinh 3 ngày không đỡ.
Bệnh nhi Nguyễn Văn Kh, 13 tuổi, có những triệu chứng tương tự. Khi đi khám tại phòng khám tư, em được chẩn đoán viêm tinh hoàn và cho thuốc tự điều trị ở nhà.
Qua khai thác tiền sử bệnh, các bác sĩ cho biết, cả hai bệnh nhi đều điều trị ở tuyến dưới không đỡ. Sau khi chuyển vào Bệnh viện Việt Đức đã được các bác sĩ ở Trung tâm Nam học chẩn đoán xoắn tinh hoàn trái ngày thứ 3 và chỉ định và tiến hành mổ cấp cứu.
Tuy nhiên, khi mở ra tinh hoàn đã hoại tử tím đen do xoắn không có khả năng bảo tồn. Các bác sĩ Trung tâm Nam học đã tiến hành cắt tinh hoàn xoắn hoại tử và cố định tinh hoàn còn lại.
“Thời gian vàng” điều trị chứng bệnh xoắn tinh hoàn
Theo các bác sĩ, xoắn tinh hoàn là hiện tượng thừng tinh bị xoắn quanh trục của nó làm tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu niệu khoa khẩn cấp thường gặp ở trẻ em, đặc biệt tuổi sơ sinh và tuổi dậy thì, chiếm tỉ lệ khoảng 1/4.000 nam giới dưới 25 tuổi.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang - Giám đốc Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức): Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam khoa thường gặp chiếm khoảng 17% các trường hợp đau bìu cấp tính, 90% thường gặp ở lứa tuổi từ 13 đến 21.
PGS.TS Nguyễn Quang cho biết thêm, triệu chứng của xoắn tinh hoàn thường khiến các bệnh nhân bị đánh thức trong giấc ngủ bởi một cơn đau ở bìu. Bệnh thường biểu hiện với đau bìu, sưng tấy bìu, có thể kèm nôn ói, đau bụng, tiểu lắt nhắt.
Xoắn tinh hoàn là một trong những nguyên nhân thường gặp trong các nguyên nhân gây mất tinh hoàn ở nam giới. Xoắn tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn di động quá mức quanh thừng tinh dẫn đến tắc nghẽn hệ thống mạch máu.
Hậu quả dẫn đến tắc mạch máu cấp tính nếu không giải phóng kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử tinh hoàn. Đây là một cấp cứu nam học cần được điều trị phẫu thuật cấp cứu sớm đặc biệt trong 6 giờ đầu.
Với bệnh xoắn tinh hoàn, "thời gian vàng" điều trị bệnh là 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau. Nếu đến trước 6h, 100% bệnh nhân được cứu tinh hoàn. Đến trong khoảng 6-12h thì khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50% và trong khoảng 12-24h thì chỉ còn 20% được cứu. Trên 24h sẽ không cứu được tinh hoàn.
Điều đáng lưu ý là có nhiều trẻ đến bệnh viện khi tinh hoàn đã bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ. Trẻ bị cắt bỏ một tinh hoàn sẽ giảm 50% khả năng sinh con. Đặc biệt khi lớn, chuyện chỉ còn một tinh hoàn trong bìu sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ.
Hiện vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh mà chỉ tìm ra được những yếu tố gây thuận lợi như chuyển đổi nồng độ nội tiết tố đột ngột (thường diễn ra ở tuổi dậy thì) và tinh hoàn bẩm sinh quá di động.
"Khi khám lâm sàng tinh hoàn bên xoắn treo cao hơn bên đối diện. Siêu âm Doppler đánh giá phổ mạch tinh hoàn rất có giá trị để chẩn đoán xoắn tinh hoàn với dấu hiệu xoáy nước điển hình. Bệnh thường hay chẩn đoán nhầm với viêm tinh hoàn, đó là nguyên nhân dẫn đến sự chẩn đoán chậm trễ và phải cắt tinh hoàn", PGS.TS Nguyễn Quang cho biết rõ hơn khi khám lâm sàng.
Bác sĩ khuyến cáo, để tránh cho trẻ bị xoắn tinh hoàn, cha mẹ phải chú ý nhiều đến yếu tố nguy cơ. Với những trẻ có tinh hoàn di động (lúc sờ thấy có, lúc lại không thấy tinh hoàn trong bìu) thì cần đưa trẻ đến bệnh viện khám xem có nguy cơ xoắn hay không. Nếu có, các bác sĩ sẽ cố định tinh hoàn bằng một phẫu thuật nhỏ, nhẹ nhàng để tránh nguy cơ xoắn tinh hoàn về sau.
Ngoài ra, khi phát hiện trẻ đau vùng bìu đột ngột cần đưa đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
Biểu hiện của bệnh xoắn tinh hoàn:
- Đau đột ngột dữ dội vùng bẹn, bìu. Đau khu trú hay lan dọc theo ống bẹn lên hố chậu cùng bên. Đau làm trẻ có xu hướng gấp đùi lại và ít cử động. Trẻ lớn thường tự xác định được vị trí đau. Với trẻ sơ sinh và bú mẹ thì có biểu hiện quấy khóc nhiều.
- Bìu và ống bẹn sưng to, nề, đau. Nếu thời gian bị bệnh lâu thì da có thể có màu đỏ.
- Tinh hoàn bị kéo lên cao phía lỗ bẹn nông, nắn vào tinh hoàn bệnh nhân đau và đau khi nắn dọc theo ống bẹn. Đây là một triệu chứng quan trọng để chẩn đoán.
- Sốt có thể xảy ra sau khi tinh hoàn bị xoắn vài giờ.
- Nôn.
- Tiền sử và bệnh khác phối hợp: cần phải khám và khai thác kỹ như tình trạng mơ hồ giới tính, có thoát vị bẹn cùng bên, có tinh hoàn chưa xuống bìu ở cùng bên, đã có những đợt đau ở vùng ống bẹn và vùng bìu nhưng tự khỏi.