Nếu đã mắc bệnh nan y, "kêu trời thì liệu trời có thấu?"
Mọi người đều nói rằng tôi là một "anh hùng" trong quá trình điều trị và vượt qua ung thư. Thực tế thì điều này là do suy nghĩ mặc định rằng ung thư là căn bệnh chết người, vô phương cứu chữa. Nhưng bản thân tôi thì chưa bao giờ nghĩ như vậy.
Cụ bà Liêu Trạch Mỹ, 90 tuổi, sống ở Hứa Đán Tây, Thái Nguyên, Sơn Tây (Trung Quốc) hiện nổi tiếng vì những kỳ tích vượt qua bệnh tật một cách ngoạn mục khiến ai gặp cũng thán phục nhưng bản thân bà lại coi điều đó là hết sức bình thường.
Trong vòng 37 năm qua, kể từ khi bước qua tuổi 50 được ít năm, bà lần lượt bị mắc các bệnh như: Ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư tế bào, ung thư da và ung thư hạch. Nhiều người tự hỏi, làm sao mắc nhiều bệnh cùng lúc như vậy, bà vẫn "sống sót" đến lứa tuổi ấy?
Mỗi lần đi khám và phát hiện ra bệnh, bà Mỹ đều tìm đến bác sĩ và tích cực điều trị theo chỉ định. Cho đến nay, dù tuổi đã cao nhưng con đường chiến đấu với bệnh tật của bà vẫn đang kéo dài, dù sức khỏe đã hồi phục nhưng bà vẫn duy trì tinh thần, cứ hễ mà có bệnh thì chữa, không sao hết.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đại học Sơn Tây (TQ), kết quả xét nghiệm mới nhất cho thấy, các tế bào ung thư của bà Mỹ đã không còn được tìm thấy.
Đây thật sự không chỉ là kỳ tích đối với các bác sĩ, mà chính bà Mỹ cũng rất bất ngờ. Bà nói rằng, để chiến thắng bệnh tật, ngoài việc duy trì một trạng thái tinh thần thật tốt, điều quan trọng nhất vẫn là phải "quản thật chặt cái miệng" của mình.
Khi có bệnh, tự mình phải tìm cách chăm sóc và quan tâm đến bản thân mình, thay vì kêu trời hay than thở. Bởi dù bạn có dùng hết sức lực mà kêu lên thì liệu trời có thấu?
Cả đời vất vả quên cả bản thân, nghỉ hưu thì ngã bệnh
Năm 1980, là một giáo viên trung học ở Thôi Châu, vừa giỏi nghề lại có trách nhiệm cao với công việc, được cả đồng nghiệp và học sinh vô cùng yêu quý.
Sau khi tiễn một khóa học sinh tốt nghiệp ra trường thì cô giáo Mỹ ngã bệnh do làm việc quá sức dẫn đến kiệt sức phải nhập viện và phát hiện bị ung thư cổ tử cung. Tiến triển bệnh đã nặng nên ngay lập tức phải tiến hành phẫu thuật.
Bà Mỹ kể, lần đầu sau khi nghe tin rằng mình đã mắc bệnh nan y, tôi bỗng chốc choáng váng không đứng nổi. Cảm thấy bầu trời trước mắt mình trở nên xám xịt và đen tối. Nhưng vốn dĩ từ bé tôi đã là người mạnh mẽ, ít khi sợ hãi nên rất nhanh chóng sau đó tôi đã điều chỉnh được tâm trạng của mình.
Bệnh này vừa đỡ, bệnh khác lại xuất hiện
Năm 1995, ngay sau khi nghỉ hưu và đang chuẩn bị lên các kế hoạch và điều chỉnh cuộc sống phù hợp với một người về hưu thì một lần nữa, ung thư lại tìm đến bà một cách bất ngờ.
Lần này, các bác sĩ nói rằng bà bị ung thư vú. Bà Mỹ thêm một lần mắc bệnh, là thêm một lần rơi vào trầm tư. Nhưng đây đã lần thứ hai, nên bà không còn cảm thấy sốc nữa.
Sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u vú chưa lâu, thấy trong người không được khỏe, bà tiếp tục đi khám định kỳ. Thật không ngờ khi nghe các bác sĩ nói rằng, cơ thể bà đã xuất hiện tế bào ung thư da đang phát triển, sau đó là ung thư tiểu cầu (một dạng ung thư máu).
Năm 2003, chưa hết bệnh nọ đã "tòi" bệnh kia. Bà Mỹ tiếp tục đi khám định kỳ và bị phát hiện có tế bào ung thư hạch. Xem xong kết quả này, bà cảm giác chắc trong người mình có rất nhiều bệnh, khám ở đâu ra bệnh ở đó.
Do tuổi đã cao nên các bác sĩ khuyên bà chỉ nên chọn giải pháp điều trị duy trì thay vì can thiệp hóa xạ trị. Sợ bà không còn đủ sức khỏe để đáp ứng với liệu trình điều trị. Nhưng bà Mỹ nói rằng, hãy yên tâm dũng cảm mà "chiến đấu". Tôi đã nhiều lần chữa ung thư và lần này cũng không phải là chuyện gì ghê gớm.
Chẳng có bí quyết gì ngoài việc "quản lý tốt cái miệng của mình"
Các bác sĩ y tá bệnh viện ở thành phố Thái Nguyên (TQ) như Bệnh viện Ung bướu Sơn Tây, bệnh viện đại học Sơn Tây đều "quen mặt" bệnh nhân cao tuổi này.
Nhiều bệnh nhân trong viện gặp bà đều hỏi, liệu bà Mỹ có bí quyết gì không khi liên tiếp mắc nhiều bệnh như vậy vẫn chiến đấu kiên cường và khỏe mạnh được đến nay? Hay bà có bài thuốc gì đó đặc biệt?
Nghe đến đây, bà Mỹ cười giòn tan nói, thuốc bí truyền thì không có nhưng bí quyết chữa ung thư thì có 1 điều. Khi mọi người tò mò muốn biết ngay bí quyết kỳ diệu đó là gì, bà liền viết ra mấy chữ thư pháp rất đẹp, đó là "quản lý tốt cái miệng của mình".
Bà nói rằng cái gì không được ăn thì kiên quyết không ăn. Cái gì được khuyên là nên ăn thì bạn phải ăn nhiều hơn. Không chiều chuộng thái quá cái miệng của mình. Không tùy tiện ăn uống "thả phanh thả cửa".
Trong thời gian điều trị bệnh, bất kỳ lúc nào rảnh và cảm thấy ngồi dậy được, bà lại duy trì thói quen viết chữ, ghi chép lại quá trình điều trị bệnh như dạng nhật ký. Bà viết cả những điều nên lưu ý khi điều trị ung thư, rồi vẽ tranh.
Một số bí quyết khác mà bà rất chú trọng đó là không hút thuốc, kiêng bớt dầu mỡ. Nên ăn thêm mướp đắng và những thực phẩm có tác dụng phòng chống ung thư. Tất cả kinh nghiệm của bà đều được ghi chép lại cẩn thận. Đây không chỉ là cách để bà ghi nhớ các bước chữa bệnh, mà còn giúp bà luyện trí nhớ, duy trì trạng thái minh mẫn.
Bà vui vẻ trò chuyện với nhiều người gặp gỡ trên đường, coi đó là niềm vui mỗi ngày để đi qua tuổi già. Ngoài ra, bà dành khá nhiều thời gian để đọc sách, đọc báo hàng ngày. Bà có sở thích xem thời sự, tin tức trên truyền hình.
Việc nắm bắt và cập nhật thông tin thời sự hàng ngày giúp bà duy trì được cuộc sống vui vẻ và hiểu biết. Có những bài báo hay, bà còn đọc đi đọc lại nhiều lần.
Sau mỗi lần nhập viện và xuất viện, bà lại nói lời chào với các bác sĩ rằng, nếu như tiếp tục có bệnh, tôi sẽ lại tiếp tục vào đây điều trị. Tôi phải cố gắng sống trên trăm tuổi, để tận mắt chứng kiến đất nước chúng ta sẽ lớn mạnh ra sao. Tôi muốn biết thế giới này sẽ thay đổi như thế nào, và đó là mục tiêu để giúp tôi vượt qua bệnh tật.
*Theo Health/TT