Vậy khi xảy ra chia ly thì tính cách của con người có thay đổi đi một cách cơ bản không? Và loại tính cách của con người có ảnh hưởng đến cách mà họ đối phó với việc ly dị không, cho dù họ ở vậy hay lao ngày vào mối quan hệ mãnh liệt khác?
Câu trả lời cho các câu hỏi trên phần nào tùy thuộc vào giới. Một nghiên cứu xuất bản năm 2000 ở Mỹ cho thấy có sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà.
Nhà tâm lý học Paul Costa và đồng nghiệp ở Anh có làm thử nghiệm về tính cách của 2000 người tuổi khoảng 40, rồi tiếp tục gặp lại họ 6-9 năm sau, hỏi họ về những sự kiện chính đã xảy ra và thử nghiệm xem tính cách họ có thay đổi không.
Có lẽ điều ngạc nhiên là phụ nữ sau ly dị có biểu hiện có tính hướng ngoại tăng, mức sẵn sàng trải nghiệm tăng, mà các nhà nghiên cứu coi là tác động giải phóng của việc ly dị. Ngược lại, đàn ông thể hiện kém chu đáo hơn và có cảm xúc bất ổn định hơn mà các nhà nghiên cứu coi là sự thoái chí do ly dị.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nghiên cứu đều thấy như vậy. Một nhóm nghiên cứu của Đức đã đo tính cách của hơn 500 đàn ông và đàn bà đứng tuổi, vào 3 đợt trong 12 năm (1994-2006). Họ thấy rằng đàn ông và đàn bà sau ly dị trở nên kém hướng ngoại hơn.
Có thể vì họ mất đi nhiều bạn và quan hệ có chung với người bạn đời, nghĩa là kém cơ hội xã giao và hướng ngoại. Độ tin cậy (một tính cách lớn của sự tận tâm ngay thẳng) ở họ cũng giảm, có lẽ vì họ không còn nhu cầu hỗ trợ người bạn đời lâu dài nữa.
Tuy rằng tác động lên độ hướng ngoại là ít nhưng ly hôn có thể đem lại hậu quả đáng kể vì việc hướng ngoại kém thường làm tăng rủi ro cô đơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng không nên quá lo lắng về hậu quả này. “Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng là sự thay đổi này nhất thiết dẫn tới ‘sự suy thoái’ lâu dài và đa diện đối với cá nhân”, nhà khoa học Paul Costa cho hay.
Không chỉ việc ly hôn có tác động đến tính cách của con người, mà tính cách riêng biệt của mỗi người cũng ảnh hưởng đến cách mà họ đối phó với ly dị.
Một nghiên cứu xuất bản năm nay đã đo tính cách của 2000 người ở Flandre, Hà Lan sau ly dị để xem họ đã có những quan hệ mới nào sau đó 7 năm (Flandre là một trong những vùng có tỷ lệ ly dị cao ở châu Âu và cung cấp nhiều số liệu cho các nghiên cứu loại này).
An Katrien Sodermans và đồng nghiệp thấy rằng những người hướng ngoại đã ly dị thì thường dễ kết hôn lại một cách nhanh chóng.
Những người thần kinh bất ổn thì dễ, hoặc ở vậy sau 7 năm ly dị, hoặc có một loạt các quan hệ ngắn hạn, cả hai việc này cho thấy họ không muốn có lại một sự cam kết. Trong khi đó, những người tận tâm ngay thẳng thường dễ có một quan hệ mới nghiêm túc trong một thời gian dài rồi cuối cùng đi đến kết hôn.
Một trong những nguyên nhân mà ly dị gây đau khổ là nó khiến con người tự hỏi mình là ai. Đặc biệt sau quan hệ cam kết chặt chẽ và kéo dài, bản tính cá nhân đã lồng ghép khăng khít nên khi mất nó ta mất đi một phần của bản thân. Có thể coi đó là sự giảm sút “mức hiểu biết về bản thân”, do vậy, nhiều người suy sụp sau ly dị.
Điều lạ là một nghiên cứu xuất bản năm nay cho hay sự đối phó của con người có thể được điều hòa bởi lòng tin ở tính cách bản thân được thể hiện trong câu “bản thân con người mình căn bản đã là như thế và không thể thay đổi được gì nhiều”.
Các nhà khoa học Lauren Howe và Carol Dweck ở đại học Stanford thấy rằng những người có quan điểm cứng nhắc như vậy về bản thân có xu thế cho sự gạt bỏ là lỗi của mình, có cảm giác nó thể hiện điều xấu trong tính cách họ, và vì vậy họ thấy càng đau khổ hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thấy những quan điểm như vậy có thể sửa được, khi được hỏi (thí dụ từ một tạp chí) về lập luận rằng tính cách con người là cố định thì những người tham gia thử nghiệm dễ cho sự gạt bỏ là do lỗi của mình, không như những người khác coi tính cách con người có thể thay đổi được.
Theo các nhà tâm lý học, để tránh được những tác động xấu từ ly hôn, những người trong cuộc cần phải thấy trước những tác động này và sau khi ly dị, cần cố gắng tạo quan hệ bạn bè mới, nhóm sinh hoạt xã hội, và như vậy tránh được sự cô đơn.
Dù biết sự kết thúc một mối quan hệ lâu năm chắc hẳn không dễ dàng gì, song phải nên nhớ rằng ta không cần thiết tự đánh giá mình. Và nếu như quan hệ này là tù túng thì có những bằng chứng cho thấy ta có thể tiếp tục trải nghiệm cảm giác hy vọng và vui thú của cuộc sống.
(Theo BBC)