PAK-FA chính thức mang tên Su-57
Về tên gọi chính thức của cỗ máy do Nga nghiên cứu chế tạo được Tư lệnh Không quân Nga, ông Victor Bondarev, đưa ra hôm 11/8/2017. Theo lời chuyên gia Krasnoperov, việc các máy bay được đổi tên sau khi xuất xưởng là một truyền thống.
Với chiếc tiêm kích Su-57, như chúng ta thấy, thông lệ này vẫn được tuân thủ. Để chứng minh sự đúng đắn cho lý giải của mình, ông Krasnoperov đưa ra những nghiên cứu chế tạo khác làm điển hình.
Lấy ví dụ, chiếc Su-27 trong quá trình chế tạo được gọi là T-10S, còn chiếc MiG-29 – sản phẩm số 9. Điều này nhằm mục đích giữ bí mật cho toàn bộ các chi tiết của sản phẩm được nghiên cứu chế tạo.
Ông Krasnoperov cho biết rằng, việc đổi tên đóng vai trò rất quan trọng vì nó đánh dấu thời khắc khi dự án vượt qua tất cả các cuộc thử nghiệm và sẵn sàng được đưa vào sản xuất hàng loạt. Chuyên gia này lý giải rằng, trong quá trình sản xuất, nhiều chỉ số và hệ thống của khí tài quân sự phải hoàn thiện thêm để có thể thay đổi những tính năng kỹ thuật.
Các biện pháp tương tự được áp dụng trong trường hợp khi khách hàng có nhu cầu, hoặc nâng cấp những hệ thống hiện có để đáp ứng các công nghệ mới.
Theo Krasnoperov, Su-57 thậm chí sau khi có tên gọi chính thức vẫn được coi là "chú ngựa ô" vì cho tới nay vẫn chưa có các thông tin rõ ràng về tất cả những hệ thống mà nó được trang bị. Chỉ có những tính năng chung mới được công bố. Lấy ví dụ, Su-57 sẽ là chiếc máy bay siêu cơ động, khó bị phát hiện và có tổ hợp vũ khí hiện đại.
Bên cạnh đó, chuyên gia quân sự, nguyên tư lệnh Tên lửa-phòng không Nga (giai đoạn 2007-2009) và cựu lãnh đạo của lực lượng Không quân đặc nhiệm Nga, ông Sergei Khatylev, đã chia sẻ rằng dù PAK-FA có được gọi thế nào thì nó cũng không có ý nghĩa đối với việc ứng dụng chiến đấu.
Những chiếc máy bay này dường như đã được điều tới Syria. Người ta từng tuyên bố rằng chúng thuộc thành phần của lực lượng Không quân Syria, công tác thử nghiệm những cỗ máy chiến đấu trên đã diễn ra thành công. PAK-FA được sử dụng tại Syria, sự việc này đã được ghi nhận.
Ở Nga, người ta còn bàn tán rằng Su-57 sẽ được bàn giao cho quân đội và sẽ tham gia tuần tra chiến đấu. Tạm thời không có thông tin nào chi tiết hơn. Các thông tin cụ thể sẽ chỉ xuất hiện khi chiếc máy bay này được cấp có thẩm quyền thông qua. Hãng thông tấn "Al-Kabhab-News" đã từng đưa tin về cuộc tập trận của PAK-FA tại Syria.
Máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 PAK-FA.
Vẫn còn nhiều bí mật chưa được hé lộ
Được biết chiếc máy bay tiêm kích thế hệ 5 của Nga có thể mang theo 6 quả tên lửa "không đối không" ở khoang vũ khí trong thân. Hiện tại chưa có hình ảnh và băng ghi hình về thiết kế của hệ thống này.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Alexei Leonkov trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin "Economy Today" (Nga) đã chia sẻ về một vài tính năng "lớp giáp sức mạnh" của chiếc máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 PAK-FA.
Theo lời ông Leonkov, công nghệ tàng hình là một lớp phủ lên thân máy bay, giúp nó giảm khả năng bị phát hiện trước các hệ thống radar của đối phương.
Chuyên gia này chỉ rõ rằng, người ta không thể nghĩ ra chiếc máy bay tàng hình hoàn toàn, tuy nhiên có thể giảm đáng kể khả năng bị phát hiện nhờ các hệ thống tác chiến điện tử mà Nga đang tích cực nghiên cứu và nâng cấp.
Các hệ thống tác chiến điện tử trang bị trên những máy bay loại này được lắp đặt ở đầu cánh để tạo ra một khu vực được bảo vệ nhất định và sẽ phát ra những tín hiệu phá sóng đặc biệt khi các hệ thống radar của đối phương tìm cách sục sạo, tạo ra xung quanh mình "lớp giáp sức mạnh". Hệ thống này đặc biệt rất hiệu nghiệm trước các tên lửa không đối không hiện đại.
Ngoài ra, các máy bay của Nga còn được trang bị các tổ hợp áp chế điện tử "Khibini", phối hợp cùng các hệ thống khác có thể tạo ra "lớp giáp sức mạnh" thực sự.