Tại sao Triều Tiên lại chọn Guam là nơi đánh đòn phủ đầu?
Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên tiếp tục một lần nữa đe dọa sẽ tấn công đảo Guam sau khi hai máy bay ném bom chiến lược B-1B của Không quân Mỹ đã được tăng cường tới hòn đảo ở tây Thái Bình Dương này; nhằm sẵn sàng đối phó với tình hình bất ổn trên bán đảo Triều Tiên.
Tại sao Triều Tiên luôn lấy Guam là mục tiêu đánh đòn phủ đầu để đe dọa một nước Mỹ hùng mạnh như vậy? Câu trả lời trước hết vì đây là một phần của lãnh thổ nước Mỹ và nó có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng.
Nơi đây là trung tâm chỉ huy của quân đội Mỹ khi có tình huống chiến tranh xảy ra ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và trên bán đảo Triều Tiên nói riêng.
Để đáp lại việc triển khai máy bay ném bom B-1B trên quần đảo này để răn đe Triều Tiên thử tên lửa gần đây; Thông tấn xã Triều Tiên KCNA dẫn lời người phát ngôn Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) tuyên bố:
"Lực lượng Chiến lược của KPA hiện đang xây dựng các phương án chiến đấu để có thể thực hiện một cuộc tiến công bằng vũ khí tầm xa vào khu vực đảo Guam. Mục tiêu chủ yếu là phá hủy căn cứ không quân Anderson trên đảo này".
Lực lượng Chiến lược KPA là một phần của Quân đội Nhân dân Triều Tiên được biên chế, trang bị các loại tên lửa đạn đạo; trong đó có một số tên lửa trên lý thuyết có tầm bắn có thể tấn công Guam.
Guam là một hòn đảo nhỏ trong chuỗi đảo Marianas nằm phía Tây Thái Bình Dương, có diện tích khoảng 544 km2. Quần đảo này có dân số 162.000 người, phần lớn là công dân Mỹ (do Guam là lãnh thổ của Hoa Kỳ).
Căn cứ hải quân Mỹ ở Guam.
Nước xa không cứu được lửa gần
Do khoảng cách địa lý tính từ bờ Tây của nước Mỹ là San Francisco đến quần đảo này là 10.964km; nhưng khoảng cách từ Bình Nhưỡng, thủ đô của Triều Tiên tới Guam chỉ là 3500 km.
Điều đó dẫn đến lý do tại sao Guam thường xuyên được đặt trong tầm ngắm của các tên lửa tầm trung, tầm ngắn của Triều Tiên như Nodong-B, KN-08, KN-14; trong khi đó, những phần lãnh thổ khác của nước Mỹ thì các loại tên lửa hiện tại của Triều Tiên chưa thể vươn tới.
Bên cạnh đó, Triều Tiên đã làm chủ kỹ thuật chế tạo các loại tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Đối với các loại tên lửa liên lục địa (ICBM) thì hiện nay Triều Tiên vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm. Tuy nhiên, khi Triều Tiên nghiên cứu thành công các loại ICBM thì chắc chắn rằng, các phần lãnh thổ còn lại của Mỹ cũng sẽ bị uy hiếp.
Lý do thứ hai tại sao Bắc Triều Tiên luôn bị ám ảnh bởi căn cứ Guam? Do nơi đây là trung tâm chỉ huy quân sự lớn nhất của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Là trung tâm chỉ huy chính nếu chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên bùng nổ.
Căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam là một trong những căn cứ then chốt, có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược quân sự của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Ở đây có sân bay cho các loại máy bay ném bom chiến lược như B-1B, B-2 và B-52 cất và hạ cánh.
Căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam.
Những máy bay ném bom chiến lược đồn trú ở đây đều có thể mang vũ khí thông thường hoặc vũ khí hạt nhân; có nhiệm vụ răn đe chiến lược đối với Triều Tiên và sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống chiến tranh bùng nổ.
Andersen cũng là căn cứ hậu cần quan trọng, là nơi tiếp liệu cho những những máy bay chiến đấu và các tàu chiến nếu có tình huống xung đột. Là điểm trung chuyển cho các phương tiện vận tải quân sự đi từ bờ Tây nước Mỹ sang bán đảo Triều Tiên.
Một căn cứ then chốt khác ở Guam là căn cứ tàu ngầm của Hải quân Mỹ tại cảng Apra.
Bốn tàu ngầm tấn công hạt nhân của Hải quân Mỹ lớp Los Angeles là USS Topeka, USS Chicago, USS Oklahoma City và USS Key West; đều được trang bị tên lửa hành trình tầm xa thông thường (và có thể mang đầu đạn hạt nhân); có nhiệm vụ thường xuyên tuần tra xung quanh khu vực Đông Bắc Á, trọng điểm là biển đông và biển tây của bán đảo Triều Tiên.
Nếu tình huống chiến tranh bùng nổ, những tàu ngầm này sẽ là lực lượng tiên phong phóng tên lửa hành trình Tomahawk vào lãnh thổ Triều Tiên.
Guam cũng là nơi neo đậu các đội tàu chiến của hải quân Mỹ và các đơn vị chiến tranh đặc biệt khác. Tàu chiến và tàu ngầm xuất phát từ bờ biển phía Tây của lục địa Mỹ thường xuyên ghé thăm Guam như một phần của các chuyến hành trình dài đi đến phía Tây Thái Bình Dương.
Trong một động thái nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho hòn đảo này, tháng 4/2013, quân đội Mỹ quyết định triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD với khoảng 48 tên lửa và hệ thống radar AN/TPY-2 trên các căn cứ quân sự tại đây sau những lời đe dọa tiến công của Triều Tiên.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD có khả năng tiêu diệt những tên lửa đạo đạo ở tầm cao từ 40 km đến 150 km; khả năng tạo ra bán kính bảo vệ đến 200 km. Trong tháng 7/2017 vừa qua, hệ thống này đã tiến hành đánh chặn thành công một tên lửa đường đạn trong một cuộc thử nghiệm của quân đội Mỹ.
Như tất cả những gì đã được đánh giá ở trên, Guam là căn cứ quân sự quan trọng bậc nhất của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; trong khi đó khoảng cách địa lý với lãnh thổ Mỹ lại tương đối xa, do vậy "nước xa khó cứu được lửa gần" nếu trong tình huống Guam bị Triều Tiên tiến công.
Trong khi đó, khoảng cách địa lý gần cho phép Triều Tiên đưa ra nhiều phương án tiến công đối với các căn cứ quân sự tại đây.
Do vậy, trong các tuyên bố của mình, Triều Tiên thường xuyên đưa ra những đe dọa tiến công căn cứ này để đáp trả những hành động quân sự của Mỹ. Điều này đã làm cho tình hình khu vực Đông Bắc Á luôn ở trong trạng thái đối đầu và căng thẳng.