Lý do Nga chuyển đổi vai trò của hệ thống S-300 trên chiến trường Ukraine

Hồng Anh |

Phía Ukraine thời gian gần đây cho biết, Nga đang sử dụng hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-300 để tấn công các mục tiêu trên mặt đất tại Ukraine.

Trong thông báo trên Twitter, thống đốc vùng Mykolaiv Oblast, ông Vitaly Kim nói rằng, quân đội Nga thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và sử dụng hệ thống phòng không S-300 nâng cấp trang bị hệ thống định vị GPS để tấn công các mục tiêu trên mặt đất.

Lý do Nga chuyển đổi vai trò của hệ thống S-300 trên chiến trường Ukraine - Ảnh 1.

Hệ thống S-300 của Nga trong một cuộc duyệt binh. Ảnh: Sputnik

Ông Vitaly Kim cho biết thêm, Nga đã sử dụng 12 tên lửa được phóng từ hệ thống S-300 để thực hiện vai trò tấn công trên bộ. Dù tên lửa được trang bị GPS nhưng chúng không nhắm trúng mục tiêu. Quan chức này không nêu rõ Nga đã sử dụng phiên bản nào của hệ thống S-300 để tiến hành cuộc tấn công nêu trên.

Cả Nga và Ukraine đều đang vận hành phiên bản S-300P đặt trên khung gầm bánh lốp 8 × 8 và phiên bản S-300V sử dụng khung gầm bánh xích trong cuộc xung đột hiện nay. Dù tuyên bố nói trên có thể gây bất ngờ, nhưng S-300 thực sự có khả năng đất đối đất – điều mà rất ít người biết đến.

Những lần Nga sử dụng S-300 thực hiện vai trò tấn công trên bộ

Trước đây, từng có một số lần quân đội Nga sử dụng S-300 để tấn công các mục tiêu trên bộ trong các cuộc tập trận. Quân đội Belarus cũng được cho là đã sử dụng hệ thống này để tấn công các mục tiêu tĩnh trên mặt đất.

Gần đây nhất, vào tháng 5/2017, Lực lượng Phòng không của Quân khu phía Đông của Nga (EMD) đã sử dụng S-300 trong cuộc tập trận ở Khabarovsk để phá hủy các mục tiêu giả định "xe thiết giáp của đối phương", Hãng Thông tấn Ria Novosti cho biết. "Trong trường hợp cần thiết, hệ thống phòng không S-300 có khả năng tiến hành các vụ phóng tên lửa vào những mục tiêu trên mặt đất, sau khi tiếp nhận tọa độ của chúng từ các đơn vị trinh sát của lực lượng bộ binh".

Quân khu phía Nam của Nga (SMD) cũng nhắc đến khả năng tấn công mặt đất của hệ thống S-300 trong một thông cáo báo chí về cuộc tập trận chiến thuật của Lữ đoàn Phòng không Vũ trụ (VKO) tại bãi tập Ashuluk ở vùng Astrakhan vào năm 2011.

"Các kíp chiến đấu của hệ thống phòng không S-300 đã thực hiện 14 vụ phóng tên lửa dẫn đường, bắn hạ các tên lửa Kaban-2 và Pishchal ở một khoảng cách đáng kể, cũng như các mục tiêu trên mặt đất trong tình huống chiến đấu giả định", thông báo của SMD cho biết.

2 tháng sau đó, trang tin Naviny của Belarus đã thông tin chi tiết hơn về vai trò tấn công mặt đất của hệ thống S-300. Một bài báo của Naviny cho biết, các nhà phát triển ban đầu đã kết hợp khả năng tấn công các mục tiêu cố định trên mặt đất vào trong thiết kế của hệ thống phòng không S-300 được đưa vào hoạt động năm 1979 cũng như tất cả các phiên bản cải tiến tiếp theo của nó.

Ở thời điểm đó, Belarus được cho là đang vận hành phiên bản S-300PS, ra mắt vào giữa những năm 1980, được tích hợp các tên lửa 5V55R có tầm bắn tối đa lên tới 90 km chống lại các mục tiêu trên không.

Trang tin Naviny cho biết, phạm vi tác chiến tối đa của S-300 chống lại các mục tiêu trên mặt đất là 120km. Trong phần lớn hành trình bay hướng tới mục tiêu, tên lửa của S-300 dựa vào hệ thống dẫn đường quán tính và cập nhật tham số mục tiêu qua đường truyền vô tuyến. Ở giai đoạn cuối tên lửa sử dụng radar dẫn đường bán chủ động. Theo Naviny, không chỉ S-300 mà hệ thống S-400 cũng có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất.

Hệ thống phòng không S-300 của Nga xuất hiện tại Lugansk (Ukraine). Nguồn: Twitter

Lý do Nga thay đổi vai trò của S-300 tại Ukraine

Vẫn chưa rõ điều gì khiến Nga chuyển đổi vai trò của hệ thống S-300 từ phòng không sang tấn công mặt đất ở Ukraine.

EurAsian Times dẫn phân tích của một chuyên gia quân sự cho rằng, S-300 là một trong những hệ thống phòng không lâu đời nhất trong kho vũ khí của Nga và Moscow có thể đang dư thừa những loại đạn cũ phù hợp cho việc tấn công các mục tiêu cố định trên mặt đất hơn là các mục tiêu trên không.

Ông David Shank, cựu chỉ huy Trường Pháo phòng không Lục quân Mỹ cho biết: "Nga đã xem S-300 là một hệ thống tên lửa đất đối không cũ và ít khả năng hơn kể từ khi S-400 được đưa vào sử dụng. Điều đó cho thấy, Moscow có thể có một số lượng lớn tên lửa dành cho S-300 trong kho vũ khí. Với giá thành thấp, những tên lửa này có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu ít quan trọng thay vì những mục tiêu trọng điểm".

Bên cạnh đó, quân đội Nga có thể đã cạn kiệt các loại vũ khí đất đối đất dẫn đường chính xác, vì thế họ buộc phải sử dụng S-300 để nhắm vào những mục tiêu nhỏ lẻ, dễ tấn công. Sử dụng S-300 để tấn công mục tiêu như vậy là điều hợp lý, thay vì huy động đòn đánh bằng tên lửa hành trình đắt tiền.

Một lý do khác khiến Moscow chuyển hướng vai trò của S-300 là Không quân Ukraine không đủ khả năng thực hiện các cuộc không kích ồ ạt, ông David Shank nhận định.

"Nga có thể chấp nhận rủi ro khi hoạt động của không quân Ukraine trên chiến trường khá hạn chế (cả với máy bay cánh cố định và máy bay cánh xoay). Hiện tần suất các cuộc không kích của Ukraine tương đối thấp, chỉ ở mức một con số mỗi ngày", chuyên gia này nhấn mạnh./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại