Trẻ nghẹt mũi có thể do viêm mũi, vẩy mũi, khô mũi, do dị ứng khi nằm điều hoà. Ngoài ra, các bệnh lý như vẹo vách ngăn, phù nề cuốn mũi...
Nếu bé không ho, không khó thở, bú mẹ bình thường, ngủ và chơi ngoan thì bạn cần tra thuốc mũi như nước muối natriclorua 0,9% cho trẻ 2-3 lần/ngày để hạn chế khô mũi.
Trường hợp bé có khó thở, thở nhanh nông, mỗi lần bắt vú mẹ lại khó thở không bú được phải nhả vú ra để thở thì đó là biểu hiện của viêm đường hô hấp. Biểu hiện ban đầu thường là ngạt mũi, sau đó có thể sốt, ho...
Nếu không phát hiện kịp thời, nhất là trẻ nhỏ thường bị viêm phế quản phổi sau viêm mũi họng.
Đặc biệt khi thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh và ngược lại thì cơ thể trẻ nhỏ, người cao tuổi, người bệnh mạn tính, đặc biệt những người có viêm mũi xoang mạn tính rất nhạy cảm nên cũng hay bị ngạt mũi khi trong điều hoà lạnh quá.
Vì vậy, khi cho bé trong phòng điều hoà cần chú ý một số điểm sau: để nhiệt độ 29-30 độ và nên có máy phun ẩm hoặc chậu nước để không khí trong phòng không bị khô; Không nên bật liên tục cả ngày đêm, khi mát cần mở cửa cho thoáng; vệ sinh điều hòa thường xuyên...
Nếu đã làm như trên mà tình trạng nghẹt mũi của bé không cải thiện hoặc có biểu hiện của viêm đường hô hấp như đã nói thì cần đưa bé đi khám chuyên khoa Tai mũi họng.