So với một bát cơm 110g thì một chiếc bánh trung thu chứa lượng bột đường bằng 2-3 bát cơm. Bánh trung thu chứa nhiều chất béo phần lớn từ thịt mỡ động vật, hạt dưa, hạt điều, vừng… Một chiếc bánh trung thu chứa lượng chất béo bằng 1-2 lần lượng chất béo của một bát phở bò.
Dưới đây là những gợi ý để sử dụng bánh trung thu đúng cách:
Nên ăn bánh trung thu vào ban ngày
Tốt nhất nên ăn bánh trung thu vào buổi sáng hoặc trưa, nên ăn ít hoặc cố gắng không ăn vào buổi tối, nhất là đối với người cao tuổi. Nếu không, nó có thể gây đông máu, huyết khối và các bệnh tim mạch khác. Đồng thời, việc ăn bánh trung thu vào ban ngày sẽ tạo ra một khoảng thời gian thích hợp để cơ thể xử lý phần năng lượng được nạp vào.
Không nên ăn với cháo
Bánh trung thu và cháo là những thực phẩm có chỉ số đường huyết cao làm tăng nhanh lượng đường trong máu. Khi ăn chung với nhau sẽ khiến đường huyết trong cơ thể tăng nhanh, không chỉ gây khó chịu cho bệnh nhân tiểu đường mà còn ảnh hưởng xấu đến tế bào não của con người, giảm chuyển hóa chất béo.
Không nên sử dụng bánh để lâu, quá hạn sử dụng hoặc nhiều chất bảo quản
Vì bánh trung thu chứa nhiều chất béo nên nếu bảo quản quá lâu sẽ dễ khiến nhân bánh bị biến chất. Bánh trung thu nên ăn khi mua về hoặc bảo quản đúng cách để tránh bị hư hỏng.
Người thân nhiệt cao không ăn nhiều
Những người cơ thể quá nóng không nên ăn nhiều bánh trung thu, dễ gây khó tiêu. Đồng thời, có thể dẫn đến nội hỏa tăng cao, gây nổi mụn, táo bón, sưng lợi và các triệu chứng khác.
Nên ăn mặn trước ăn ngọt
Nếu bạn có hai hương vị bánh trung thu là ngọt và mặn thì nên sử dụng theo thứ tự mặn rồi đến ngọt để có thể thưởng thức trọn vẹn vị ngon, nếu không sẽ không cảm nhận được vị ngon.
Không ăn quá nhiều bánh
Bánh trung thu chứa nhiều chất béo, đường sucrose và tinh bột, ăn quá nhiều sẽ sinh ra cảm giác béo ngậy, đồng thời dễ dẫn đến đầy bụng và gây khó tiêu, chán ăn, tăng đường huyết và các vấn đề khác. Người già và trẻ em không nên ăn nhiều, nếu không sẽ gây đau bụng, tiêu chảy hoặc nôn mửa.