Lương KPI có phải đóng BHXH, thuế TNCN không?

Hà Trần |

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện việc trả lương cho người lao động theo lương cứng và KPI khi hoàn thành công việc nhằm thúc đẩy hiệu quả làm việc của nhân viên. Như vậy, liệu tiền lương KPI có phải đóng bảo hiểm xã hội và thuế thu nhập cá nhân?

KPI (Key Performance Indicator) là chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của một bộ phận trong một công ty hoặc sự vận hành của cả công ty.

Lương KPI sẽ được tính vào mức lương đóng bảo hiểm xã hội

Theo khoản 2 Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014:

Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động.

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động ghi trong hợp đồng lao động.

Trong đó, khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định về phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác như sau:

- Phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên, bao gồm:

+ Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ;

+ Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.

- Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên, bao gồm:

+ Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể, cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương;

+ Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Thêm vào đó, tiền lương KPI được trả theo hiệu suất công việc mà người lao động làm việc nên không phải tháng nào người lao động cũng được nhận và số tiền được trả theo KPI của mỗi tháng cũng có thể là khác nhau.

Như vậy, có thể xác định tiền lương KPI chính là khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của các bên. Do đó, tiền lương KPI sẽ được tính vào mức lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Lương KPI có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?

Khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi năm 2012 quy định, tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp, trợ cấp được tính là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.

Trong đó, điểm b khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi năm 2012 cũng nêu rõ các khoản phụ cấp, trợ cấp thuộc tiền lương tiền công mà không bị tính thuế thu nhập cá nhân, bao gồm:

- Phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công;

- Phụ cấp quốc phòng, an ninh;

- Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm;

- Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật;

- Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

- Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm;

- Trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định.

Theo đó, lương KPI hưởng theo hiệu quả công việc không thuộc các khoản trợ cấp, phụ cấp được miễn thuế thu nhập cá nhân. Vì vậy, tiền lương KPI cũng sẽ được cộng vào tổng thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập cá nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại