Lực lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa Nga-Mỹ: Một trời một vực!

Hải Vy |

Theo nhà phân tích Leonid Nersisyan, các tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của Nga đang khiến Mỹ bị tụt lại rất xa phía sau.

Trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Leonid Nersisyan cho biết, mối quan hệ Nga-Mỹ (cũng như giữa Nga với NATO) đã tụt xuống mức thấp nguy hiểm trong hơn 2 năm qua - đây là mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh tới nay.

Kết quả là, vấn đề liên quan tới vũ khí hạt nhân giữa 2 phía một lần nữa trở nên nổi cộm.

Đã có những tuyên bố vô cùng nghiêm trọng được đưa ra, trong đó nhiều lần lặp lại rằng, cả 2 phía đang luyện tấn công hạt nhân đối phương.

Chẳng hạn, bản báo cáo thường niên gần đây của Tổng thư ký NATO - Tướng Jens Stoltenberg đề cập rằng, lực lượng không quân Nga đã thực hiện một nhiệm vụ huấn luyện vào năm 2013, với nội dung là "tấn công hạt nhân giả định" vào Thụy Điển.

Bản báo cáo cũng tiết lộ rằng, nhiệm vụ này có sự tham gia của các máy bay ném bom siêu thanh tầm xa Tu-22M3 Backfire và chúng được yểm trợ bởi các chiến đấu cơ Su-27.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên NATO - chỉ cách miệng hố chiến tranh với Nga vài bước, khiến tình hình càng trở nên phức tạp.

Trong bối cảnh ấy, cần đánh giá tình hình lực lượng hạt nhân của cả Nga và Mỹ. Tình hình này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sự cân bằng chiến lược và ngăn cản 2 phía bùng nổ xung đột bằng cách nào?

Ngoài ra, triển vọng phát triển lực lượng hạt nhân của cả 2 siêu cường sẽ ra sao?

Tình hình lực lượng 2 bên

Hiệp ước START mới, do Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Medvedev ký kết vào ngày 8/4/2010, đã cắt giảm số đầu đạn hạt nhân của mỗi nước xuống còn 1.500 đầu đạn.

Số lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và máy bay ném bom chiến lược hạng nặng được triển khai giới hạn ở con số 700.

Theo dữ liệu do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 1/4, cả 2 phía đều chạm ngưỡng hoặc gần chạm ngưỡng số đầu đạn quy định.

Mỹ có 741 phương tiện phóng được triển khai, với 1.481 đầu đạn hạt nhân, còn Nga có 521 phương tiện phóng với 1.735 đầu đạn.


Tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III.

Sự chênh lệch này không đáng kể và không ảnh hưởng đến mức cân bằng chiến lược.

Hiện tại, Nga triển khai ít phương tiện phóng hơn nhưng đó là do các ICBM có khả năng mang đầu đạn dẫn hướng độc lập (MIRV) nên có phạm vi ứng dụng rộng hơn - một ICBM có thể mang tới 10 đầu đạn.

Trong khi đó, ICBM trên bộ duy nhất còn trong biên chế quân đội Mỹ là LGM-30G Minuteman III. Mỗi tên lửa chỉ mang 1 đầu đạn W87 với đương lượng nổ 300 kiloton (mặc dù nó có thể mang tới 3 đầu đạn).

Tên lửa cuối cùng được sản xuất từ năm 1978, tức là thành viên "trẻ nhất" trong gia đình Minuteman cũng đã 38 tuổi.

Các tên lửa này đã trải qua nhiều lần nâng cấp và dự kiến sẽ được sử dụng tới năm 2030.

Hệ thống ICBM mới của Mỹ - GBSD (răn đe chiến lược trên bộ) - có vẻ đang gặp phải bế tắc trong quá trình bàn thảo.

Không quân Mỹ đang đề xuất khoản chi 62,3 tỷ USD để phát triển, sản xuất các tên lửa mới và hy vọng sẽ nhận được 113,9 triệu USD trong năm 2017.

Tuy nhiên, Nhà Trắng không ủng hộ đề nghị này. Trên thực tế, có rất nhiều ý kiến phản đối ý tưởng đó.

Chương trình phát triển hiện nay đã lùi lên 1 năm và triển vọng của nó có lẽ sẽ phụ thuộc vào kết quả bầu cử Tổng thống năm 2016.

Đáng chú ý là, chính phủ Mỹ đang có kế hoạch đầu tư một khoản tiền khổng lồ vào vũ khí hạt nhân: khoảng 324 tỷ USD vào năm 2024 nhưng chỉ có 26 tỷ USD dành cho ICBM.

26 tỷ USD là không đủ cho chương trình GBDS. Chi phí thực tế có thể cao hơn nhiều, do đã một thời gian dài Mỹ không sản xuất ICBM mới trên bộ.


Phóng thử nghiệm tên lửa LGM118A Peacekeeper.

Phóng thử nghiệm tên lửa LGM118A Peacekeeper.

Loại tên lửa "mới nhất" - LGM118A Peacekeeper được triển khai vào năm 1986 nhưng 50% trong số chúng đã bị loại biên vào năm 2005.

Có thể nói LGM118A Peacekeeper là một bước cải tiến so với Minuteman III, bởi các tên lửa Peacekeeper có thể mang tới 10 đầu đạn.

Bất chấp thất bại của Hiệp ước START III, trong đó nghiêm cấm sử dụng đầu đạn MIRV, Mỹ vẫn tự nguyện từ bỏ các đầu đạn này.

Với Mỹ, ICBM đã không còn đáng tin cậy do giá thành cao và vụ bê bối bị phanh phui vào cuối năm 1987, trong đó, các tên lửa Peacekeeper không được trang bị hệ thống dẫn đường AIRS trong gần 4 năm (từ 1984 - gần 1988).

Và điều quan trọng là, phía nhà sản xuất tên lửa đã tìm cách giấu giếm sự chậm trễ trong quá trình chuyển giao, khi Chiến tranh Lạnh đang tới hồi kết thúc.

ICBM của Nga thách thức hệ thống phòng thủ tên lửa

Hiện nay, Nga đang có trong tay một loạt ICBM trên bộ, trong đó có các xe phóng di động.

Năm 2015, lực lượng tên lửa chiến lược của Nga đã trang bị 24 tổ hợp tên lửa RS-24 Yars mới (NATO định danh là SS-27 Mod 2), gồm cả phiên bản bắn từ hầm phóng và phiên bản di động.

Tên lửa Yars mang được 3 hoặc 4 đầu đạn độc lập, có khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa.


Tên lửa RS-24 Yars.

Tên lửa RS-24 Yars.

Có thể dự đoán, số tên lửa được chuyển giao trong năm 2016 chí ít sẽ ngang bằng với số lượng năm 2015.

Như vậy, vào năm 2020, Nga có thể thay thế tên lửa Topol (về cơ bản tương đương với Minuteman III) bằng các tên lửa mới nhất, được thiết kế đặc biệt để thâm nhập vào hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.

Ngoài ra, Nga còn sở hữu nhiều ICBM hạng nặng trên bộ, sử dụng nhiên liệu lỏng.

R-36M2 Voevoda (NATO định danh là SS-18 Mod 5, Satan) là loại tên lửa rất nổi tiếng, được Nga đưa vào phục vụ từ năm 1988.

Tên lửa có thể mang tới 10 đầu đạn, với đương lượng nổ 750 kiloton mỗi đầu đạn. Năm nay, Nga sẽ tiến hành thử nghiệm trên tên lửa RS-28 (còn được gọi là "Sarmat") - mẫu tên lửa mới nhất dự kiến sẽ thay thế Satan vào năm 2020.

Nó được trang bị đầy đủ để có thể đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa.


Phóng tên lửa R-36M2 Voevoda (Satan).

Phóng tên lửa R-36M2 Voevoda (Satan).

Trước hết, trên lý thuyết, tên lửa sẽ có khả năng đưa đầu đạn vào quỹ đạo thấp và tấn công từ bất cứ vị trí nào, thậm chí từ Nam Cực.

Điều này buộc đối phương phải xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tích hợp vô cùng đắt đỏ, thậm chí đối với cả Mỹ.

Ngoài ra, các đầu đạn sẽ bay vào khí quyển với vận tốc siêu vượt âm và di chuyển dọc theo một quỹ đạo lớn hơn, cơ động ở vận tốc 7 -7.5 km/s.

Thời gian chuẩn bị trước khi phóng được hạn chế ở mức tối thiểu: chưa đầy 1 phút sau khi nhận lệnh.

Nga còn có RS-26 Rubezh - loại tên lửa bí ẩn. Không có nhiều thông tin về RS-26 nhưng có vẻ nó là phiên bản cải tiến của RS-24 Yars, với khả năng tấn công tầm trung và liên lục địa.

Tầm bắn tối thiểu của RS-26 được cho là 12.000km, đủ để đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu.

Mỹ đã kịch liệt phản đối loại tên lửa này, trên cơ sở là việc triển khai RS-26 vi phạm Hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung.

Tuy nhiên, tuyên bố trên của Mỹ được cho là không thỏa đáng, do tầm bắn tối đa của RS-26 đã vượt quá 6.000km, đồng nghĩa trên thực tế, nó là ICBM chứ không phải IRBM (tên lửa đạn đạo tầm trung).

Tên lửa đạn đạo Topol-M và Yars RS-24 vượt sông

Những bằng chứng trên đã cho thấy Mỹ đang tụt sau Nga rất xa trong lĩnh vực phát triển ICBM trên bộ.

Washington có một loại ICBM, nhưng nói công bằng thì nó đã rất lạc hậu: Tên lửa Minuteman III chỉ mang duy nhất 1 đầu đạn và triển vọng phát triển ICBM thay thế cũng rất mơ hồ.

Tại Nga, các ICBM trên bộ được cải tiến thường xuyên. Trên thực tế, quá trình phát triển các loại tên lửa mới chưa bao giờ thực sự kết thúc.

Mỗi ICBM mới đều được thiết kế để xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa, khiến dự án EuroPRO và GBMD (hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo dùng để đánh chặn các đầu đạn đang bay đến) trở nên không hiệu quả trước Nga trong tương lai gần.

***Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Leonid Nersisyan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại