Trưa 6/5, trao đổi với PV, luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP HCM, luật sư bào chữa cho tử tù Hồ Duy Hải) cho biết, sáng nay, ông đã được mời tham dự phiên giám đốc thẩm đối với bị cáo Hồ Duy Hải (SN 1985, trú tại huyện Thủ Thừa, Long An) về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản” tại trụ sở TANDTC.
Theo luật sư Phong, tham dự phiên tòa giám đốc thẩm có đại diện các cơ quan gồm: Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Nội chính Trung ương; lãnh đạo Ủy ban Tư pháp Quốc hội; lãnh đạo VKSNDTC, TANDTC; lãnh đạo đơn vị chức năng của Bộ Công an; TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh; các cơ quan tố tụng của tỉnh Long An.
Cũng theo ông Phong, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội không có mặt trong phiên tòa sáng nay mà cử lãnh đạo Ủy ban thay mặt tham dự.
"Thẩm phán xử sơ thẩm của vụ án ở Long An là ông Lê Quang Hùng và các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An cũng có mặt khá đầy đủ nhưng chưa trình bày gì", luật sư Phong nói.
Hội đồng Thẩm phán TANDTC gồm 17 thành viên và do Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa.
Luật sư Phong cho hay, mở đầu phiên tòa, Chủ tọa Nguyễn Hòa Bình đã khẳng định, sẽ xem xét một cách công khai và khách quan, không để oan sai nhưng không bỏ lọt tội phạm.
Luật sư thông tin, trong sáng nay, ông đã được chủ tọa cho phát biểu khoảng hơn 20 phút trình bày về các chứng cứ mới liên quan vụ án.
"Chủ tọa Nguyễn Hòa Bình có thông báo, trong phiên xử sáng nay, luật sư đã được mời tham dự, tạo điều kiện cho trình bày các chứng cứ mới.
Sau đó, tôi có được làm việc với thư ký tòa án nhân dân tối cao và từ chiều nay, phiên tòa sẽ tiến hành làm việc nội bộ xem xét đánh giá các chứng cứ, tài liệu liên quan, do đó, luật sư không cần thiết phải tham dự phiên tòa nữa", luật sư Phong nói.
Vị luật sư này cho biết thêm, sau đó, ông đã làm đơn đề nghị tiếp tục tham dự đủ 3 ngày của phiên tòa giám đốc thẩm, tuy nhiên, chủ tọa sau đó có thông báo đã trao đổi với Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao của phiên tòa này.
"Chủ tọa có thông báo là sau khi trao đổi xét thấy rằng, không cần thiết phải có mặt luật sư và luật sư đã được mời trình bày 20 - 30 phút là rất ghi nhận.
Tôi cũng có trao đổi thêm với bên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và nộp một số tài liệu, chứng cứ cho cơ quan này", luật sư Phong nói thêm.
Nam luật sư thông tin thêm, trong phiên tòa hôm nay, phía Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trình bày nội dung kháng nghị vụ án.
"Dù là làm việc nội bộ nhưng tôi hy vọng, Hội đồng giám đốc thẩm sẽ xem xét thận trọng, có phán quyết hợp lý", ông Phong mong muốn.
Theo thông tin của Tòa án nhân dân tối cáo, nhiệm vụ của phiên xét xử giám đốc thẩm là Hội đồng Thẩm phán sẽ tiến hành kiểm tra, thẩm định đánh giá tính hợp pháp có căn cứ của các tài liệu đã có trong hồ sơ. Chủ yếu tập trung vào những tài liệu chứng cứ đã nêu trong kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC.
Ngoài ra, Hội đồng cũng xem xét và làm rõ những chứng cứ và tài liệu mới có thể được các cơ quan tố tụng, VKS, luật sư trình bày với Hội đồng thẩm phán.
Yêu cầu đặt ra là cần xem xét cẩn trọng, khách quan, toàn diện, đúng thủ tục. Không cho phép làm oan người có tội, cũng như bỏ lọt người phạm tội.