Luật hóa dinh dưỡng học đường: Giải tỏa nỗi lo bữa ăn cho trẻ bán trú

thinga |

Nhiều phụ huynh hy vọng với việc quy chuẩn hóa toàn diện từ bữa ăn học đường đến rèn luyện thể chất, sức khỏe và tầm vóc của con em trong tương lai sẽ có những bước tiến lớn.

Ngoài học hành, một trong những lo lắng hàng đầu của cha mẹ khi con đến tuổi đi học là chuyện ăn, chuyện ngủ, chuyện chơi của con. Đặc biệt là chuyện ăn, không ít cha mẹ "nơm nớp" vì chỉ biết giao con cho nhà trường, không biết ngày hôm đó con được ăn những món gì, nấu nướng hương vị ra sao, thực phẩm có nguồn gốc từ đâu, có an toàn, đủ dinh dưỡng, phù hợp với thể trạng, sở thích của trẻ hay không?

Từ năm 2008, Bộ Y tế cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT/BYT-BGDĐT về việc hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Trong đó nêu các quy định về an toàn thực phẩm cho bữa ăn tại nhà trường, đặc biệt quan tâm tới khâu kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung cấp thực phẩm cho các cơ sở trong các cơ sở giáo dục.

Quy định là vậy nhưng mỗi địa phương, mỗi trường học sẽ có lựa chọn riêng về nguồn cung ứng nguyên liệu, hoặc đặt các suất ăn từ các cơ sở cung cấp bên ngoài. Vì thế, các bậc phụ huynh khó mà yên tâm 100%.

Phụ huynh "đau đầu" vì chuyện ăn uống của con

Anh Nguyễn Văn Chuẩn (phụ huynh có con đang học trường tiểu học Khương Chính, Nghệ An) cũng trăn trở khi gửi con học bán trú. Nỗi lo đầu tiên là con trai anh khá kén ăn. Dù ở nhà hay ở trường, suốt từ khi nhỏ đến năm lớp 3, cu cậu cũng lười ăn rau. Anh tâm sự, thời điểm đó, bé ít khi ăn hết phần cơm ở trường. Vì thế, cứ đến tối là cả nhà phải "nghĩ kế" để bé ăn rau. Từ xay nhuyễn cùng thịt cá, "độn" vào trứng, dụ dỗ đến ép uổng, miễn sao con ăn đủ món, đủ chất.

Anh Huy Cao (Hội trưởng Hội phụ huynh trường Tiểu học Phú Cát, Huế) thì đỡ đau đầu hơn một chút, vì con anh khá tự giác trong chuyện ăn rau củ. Ở nhà, gia đình cũng làm đồ ăn riêng cho con, mua hoa quả và rau củ thêm cho đa dạng. Nhưng anh cũng "thú nhận" rằng: "Gia đình bận việc nên cũng chỉ cố gắng lo chuyện ăn uống cho con bằng cách thay đổi món ăn cho khác vị, ngon miệng chứ không có thời gian tham khảo hay được tiếp cận nhiều kiến thức dinh dưỡng để cho con ăn đúng, ăn đủ".

Điểm chung nhất ở cả hai ông bố, cũng như nhiều phụ huynh khác là nỗi lo lắng về bữa ăn học đường của con nhưng chưa thật sự tìm được lời giải toàn diện nhất.

Anh Huy Cao cho biết, ở trường con anh, mỗi khối đều cử ra 3 người giám sát buổi sáng và trưa, thay phiên nhau giám sát đầu vào thực phẩm cũng như thành phẩm bữa ăn của các con.

Luật hóa dinh dưỡng học đường: Giải tỏa nỗi lo bữa ăn cho trẻ bán trú - Ảnh 1.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Chuẩn thường xuyên trò chuyện với cô giáo chủ nhiệm, hỏi thăm chuyện ăn nghỉ ở trường của con. Cô giáo của con anh cũng thường chụp bữa ăn quay clip gửi về cho phụ huynh, nên phần nào anh cũng yên tâm.

"Quẳng gánh lo" với Đề án dinh dưỡng học đường

Là 2 trong số hàng ngàn phụ huynh có con học tại 10 trường được chọn thực hiện "Mô hình điểm bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên" do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai với sự đồng hành của Tập đoàn TH, anh Huy và anh Chuẩn chia sẻ, nỗi lo âu về bữa ăn học đường của con như được trút bỏ.

Sau 1 năm thực hiện, Mô hình đã cung cấp 400 thực đơn được xây dựng cân đối, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn, tận dụng triệt để thực phẩm tự nhiên tại địa phương, phù hợp khẩu vị học sinh, đạt được sự yêu thích của cả học sinh và gia đình...

Luật hóa dinh dưỡng học đường: Giải tỏa nỗi lo bữa ăn cho trẻ bán trú - Ảnh 2.

Còn với những phụ huynh như anh Huy, anh Chuẩn, từng biểu hiện thay đổi của trẻ con trong năm học vừa qua là "thành tựu" lớn nhất. Anh Chuẩn khoe con trai từ năm lớp 4 đã có sự tiến bộ vượt bậc: ăn uống tự tin hơn, ăn đa dạng hơn, kể cả các loại canh rau. Về nhà, con cũng tự giác ăn các loại rau xanh, các loại củ, uống sữa tươi… kết hợp với vận động hợp lý nên thể lực chuyển biến rất tích cực.

Đặc biệt, bé như một "chuyên gia dinh dưỡng nhí" của gia đình. Đi học về là ríu rít khoe ở trường ăn gì, còn hướng dẫn bố mẹ làm đồ ăn giống như ở trường. Anh chị cũng chiều con, đổi món thường xuyên theo "order đặc biệt" để đảm bảo dinh dưỡng cũng như sự ngon miệng cho bé.

Còn anh Huy thì nhận định: "Khác biệt lớn nhất trong bữa ăn học đường theo đề án là phác đồ ăn của trẻ có sự điều tiết hài hòa, quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cân bằng. Ngoài chế độ ăn còn là chế độ sinh hoạt bán trú, rèn luyện thể chất... tôi rất hài lòng".

Điều khiến anh đặc biệt tâm đắc là việc trẻ được dạy kiến thức về dinh dưỡng, đa dạng món ăn, cách chế biến cũng như việc trân quý thực phẩm. Nói cách khác, trẻ được giáo dục về mặt tinh thần thông qua việc ăn ở trường.

Năm học vừa qua, các bé được nhận diện thực phẩm qua các buổi học trực quan, sinh động, được hiểu về các món ăn và tác dụng của từng loại thực phẩm, nên trong ý thức của các bé đã háo hức chờ đợi để được ăn. Đặc biệt, tại trường Tiểu học Phú Cát, các bé được ăn theo dạng buffet, mỗi bạn tự cầm theo khay, tự lấy thức ăn theo nhu cầu của mình, nếu thiếu có thể ăn thêm. Từ đó, các bé ăn có "trách nhiệm" hơn, ăn hết phần thức ăn mình đã chọn.

Đặc biệt mô hình có bổ sung sữa tươi trong bữa ăn chính hoặc bữa phụ, là một thành tố trong thực đơn, có tính toán calo trong khẩu phần để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng và bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Điều khá thú vị là uống sữa tươi đúng theo khẩu phần khuyến nghị kết hợp rèn luyện thể lực, tỷ lệ trẻ em béo phì có xu hướng giảm dần.

Anh Huy đánh giá, một phần do cách ăn, một phần do thực đơn hấp dẫn, các bữa ăn phong phú hơn, nên các học sinh và phụ huynh đều rất hài lòng. Trẻ biết ăn đa dạng nhiều món, biết gợi ý thực đơn cho bố mẹ để thay đổi dinh dưỡng gia đình, chủ động, tự tin bày tỏ ý muốn, đó là sự khác biệt rất lớn so với thời gian trước.

Luật hóa dinh dưỡng học đường: Giải tỏa nỗi lo bữa ăn cho trẻ bán trú - Ảnh 3.

Bố mẹ thay đổi để đồng hành cùng con

Sau 1 năm con tham gia Mô hình điểm, điều thú vị là không chỉ con, mà bản thân phụ huynh cũng có sự thay đổi tư duy về thực phẩm và cân đối dinh dưỡng.

Anh Chuẩn tâm sự: "Gia đình tôi ngày trước chỉ biết sơ qua đến việc cho con ăn đủ món, đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng. Nhưng giờ, nhà lại càng chú ý hơn đến việc chọn thức ăn theo sở thích của con cũng như và điều hòa các loại thức ăn để hỗ trợ con phát triển tốt thể chất, tâm lý và trí tuệ. Ăn ngon, ăn no chưa đủ, còn phải cho con ăn đúng nữa. Đúng ở trường mà ở nhà sai lệch thì cũng không ổn".

Còn anh Huy thì lưu tâm hơn đến phát triển cân bằng ăn - học - chơi - rèn luyện thể chất của con. Nhờ Mô hình điểm, con của anh Huy trở nên rất năng nổ, tự giác thể thao. Bé cũng có thể lực tốt, tầm vóc vượt trội khiến anh rất hài lòng.

Nhìn thấy những tiến bộ của con, anh Huy tin rằng: "Nếu có nhiều hơn nữa trẻ em được nuôi dưỡng chuẩn bằng dinh dưỡng tốt kết hợp vận động chuẩn, tôi nghĩ sẽ rất tốt cho thế hệ tương lai. Chúng tôi có nguyện vọng muốn được tiếp tục chương trình Bữa ăn học đường vào những năm tới".

Còn anh Chuẩn đánh giá Mô hình điểm là một chương trình đầy nhân văn và ý nghĩa: "Nếu Mô hình được luật hóa, điều đó còn tốt cho cả phụ huynh nữa. Nhìn về tương lai, đó là cơ hội để trẻ em nào cũng có cơ hội phát triển tốt hơn, công bằng hơn. Còn trước mắt, luật hóa nghĩa là có bộ tiêu chuẩn đánh giá được áp dụng đồng bộ, phụ huynh sẽ có công cụ để giám sát việc thực hiện bữa ăn học đường tốt hơn. Phụ huynh nào cũng muốn con em mình được ăn uống tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm, nhưng khi không có "thước đo" chuẩn, sao có thể giám sát việc thực hiện một cách công bằng và lý tính?".

Từ tháng 8/2020 đến tháng 5/2021, "Mô hình điểm Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên" đã được thực hiện tại 10 tỉnh/ thành phố (đại diện cho 5 vùng sinh thái khác nhau) gồm: trẻ Mầm non (TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, tỉnh Thái Bình và tỉnh Quảng Nam), học sinh Tiểu học (Sơn La, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, An Giang).

Luật hóa dinh dưỡng học đường: Giải tỏa nỗi lo bữa ăn cho trẻ bán trú - Ảnh 4.

Trước những kết quả tích cực từ Mô hình điểm Bữa ăn học đường, Bà Thái Hương và Tập đoàn TH cam kết tiếp tục đồng hành với Đề án để có thể triển khai tại 20 tỉnh, thành phố trong cả nước ở giai đoạn tiếp theo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại