Lựa chọn của Thổ Nhĩ Kỳ khi mất F-35, vì sao Ankara cần máy bay tàng hình Mỹ?

Nguyễn Thuận |

Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan đến việc Ankara quyết không hủy hợp đồng mua sắm hệ thống tên lửa phòng không S-400 Nga.

Tất cả mọi biện pháp đều nhằm buộc Ankara quay về quỹ đạo dưới quyền điều khiển của Washington. Ngược lại, chính phủ ông Erdogan cũng tỏ ra rất cứng rắn.

Trong bài viết ngày 17.04.2019, Military Watch Magazine đưa ra bình luận về những lựa chọn mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể thực hiện trong trường hợp không thể mua được F-35.

Washington đe dọa Ankara trên cả hai lĩnh vực, áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ theo Đạo luật trừng phạt đối thủ của Mỹ (CAATSA), và chấm dứt tư cách thành viên trong chương trình máy bay tàng hình thế hệ 5, đáp trả việc mua hệ thống tên lửa phòng không S-400.

Ngược lại, Ankara tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tìm kiếm những lựa chọn khác để hiện đại hóa lực lượng máy bay chiến đấu của Không quân.

Bộ trưởng Ngoại giao Mevlut Cavusoglu trong một tuyên bố chính thức cho biết, có những lựa chọn tiềm năng khác:

"Có F-35, nhưng cũng có những máy bay thế hệ 5 được sản xuất tại Nga. Nếu chúng tôi không thể mua F-35, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mua máy bay tương tự từ các quốc gia khác. Lựa chọn này sẽ tiếp tục cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ có thể sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của riêng mình".

Các nhà công nghiệp hàng không Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 theo chương trình TF-X, dự kiến sẽ là máy bay chiến đấu tăng cường cho số lượng ít ỏi F-35.

Nhiều nhà phân tích cho rằng chương trình này quá tham vọng và sẽ không thể đuổi kịp các máy bay thế hệ thứ năm của Mỹ , Nga hoặc Trung Quốc và những máy bay thế hệ thứ tư cao cấp do những hạn chế trong ngành hàng không quân sự Thổ Nhĩ Kỳ.

Nền công nghiệp quốc phòng của quốc gia hầu như không có kinh nghiệm trong công nghệ chế tạo và sản xuất máy bay chiến đấu cơ bản.

Trong khi máy bay chiến đấu nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ rất khó có thể hoàn thành nhiệm vụ của F-35, một công nghệ không quân mà nền quốc phòng Mỹ đầu tư khoảng tiền tương đương với khoảng ba thập kỷ ngân sách quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ để phát triển, đứng hàng đầu trong công nghệ hàng không quân sự phương Tây cùng với các máy bay tàng hình siêu hiện đại F-22 Raptor và B-21 Raider, hiện Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có lựa chọn là các máy bay chiến đấu có công nghệ tinh vi tương tự có sẵn từ các nhà cung cấp khác như Nga và Trung Quốc .

Nhưng máy bay chiến đấu nào phù hợp để thay thế F-35, phụ thuộc rất nhiều vào sứ mệnh mà Thổ Nhĩ Kỳ dành cho máy bay. Các nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ từng nêu khả năng mua Su-57 của Nga, nhưng máy bay này rất khác so với F-35 về thông số kỹ chiến thuật và các nhiệm vụ trọng tâm, mặc dù cả hai đều là thế hệ thứ năm.

F-35 được thiết kế dưới dạng một máy bay đa nhiệm đơn động cơ hạng nhẹ, không chuyên môn hóa sâu, có những hạn chế đáng kể về khả năng không chiến đấu do tốc độ thấp, trần bay giới hạn, khả năng cơ động không cao và tải trọng vũ khí thấp.

Trong khi đó Su-57 là tiêm kích hạng nặng, được trang bị động cơ đôi, có thể có các tính năng kỹ chiến thuật tương đương F-22 Raptor Mỹ.

Đây là máy bay tiêm kích tàng hình chiếm ưu thế trên không tầm xa, mạnh vượt trội trong không chiến do khả năng siêu cơ động, có thể đạt đến độ cao cực lớn, đây cũng là một máy bay tiêm kích đa nhiệm mạnh nhất từng được phát triển, mang theo một số lượng tên lửa không đối không đa dạng lớn nhất nếu so với tất cả các máy bay thế hệ 5 và 4++.

Nếu mua sắm Su-57, không quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sở hữu một loại máy bay tiêm kích chiếm ưu thế trên không có năng lực tác chiến mạnh nhất châu Âu và Trung Đông, đặc biệt trong điều kiện Hoa Kỳ không xuất khẩu máy bay phản lực ưu thế trên không cao cấp như F-22 và F-15X.

Trong điều kiện hiện nay, ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ chọn Su-35, tiêm kích xuất khẩu chiếm ưu thế trên không Nga thế hệ 4++ cũ hơn nhưng có nhiều tính năng kỹ chiến thuật tương đương Su-57 ngoại trừ khả năng tàng hình, dòng máy bay này sẽ tăng cường khả năng chiếm ưu thế trên không của Thổ Nhĩ Kỳ mạnh hơn hẳn so với các nước láng giềng.

Tuy nhiên, nếu Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt yêu cầu một máy bay chiến trường tầm trung hạng nhẹ để thay thế F-16 thì Su-57 và Su-35 được coi là lựa chọn không phù hợp. Các máy bay tiêm kích đa năng thế hệ tiếp theo khác có trọng lượng nhẹ hơn có thể phù hợp hơn để thay thế F-35, trong đó có MiG-35 của Nga , J-10C và J-31 Trung Quốc.

Cả MiG-35 và J-10C đều tích hợp hệ thống động cơ vectơ lực đẩy ba chiều, sử dụng các tên lửa không đối không tầm xa tiên tiến - K-77 và PL-15 tương ứng, được trang bị radar mảng pha quét điện AESA siêu mạnh kết hợp với hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại.

Cả hai máy bay này đều mang nhiều tên lửa và có khả năng bay nhanh hơn, tính cơ động cao, có trần bay hơn hẳn F-35. Đặc biệt, quy trình bảo trì bảo dưỡng đòi hỏi thấp hơn, hệ thống điều khiển máy bay thân thuộc và dễ hơn nhiều so với F-35. Điểm yếu duy nhất, đó là máy bay không có khả năng tàng hình (không được ứng dụng chông nghệ mặt cắt radar - stealth).

Trong tình huống mua sắm F-35 bị hủy bỏ, vẫn có khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị kiềm chế hoàn toàn để mua máy bay mới từ nước ngoài. Trong tình huống này, Ankara có thể tăng đầu tư vào chương trình hiện đại hóa máy bay chiến đấu nội địa và nâng cấp các máy bay F-16 lên chuẩn F -16V – Tiêu chuẩn thế hệ 4+ bằng giải pháp hiện đại hóa hệ thống điện tử máy bay, radar và hệ thống tác chiến điện tử lên mức tương đương với F-35.

F-16V sẽ tích hợp radar mảng pha quét điện tử AESA thế hệ mới nhất, tăng cường các tên lửa không đối không cao cấp như AIM-120D hoặc AIM-120C-8. Giải pháp này sẽ khiến cho F-16V có được tính năng không chiến rất mạnh - dù vẫn kém hơn Su-35 và thiếu khả năng tàng hình của F-35.

Sự lựa chọn của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc thay thế F-35 vẫn còn nhiều vấn đề, hiện tại Ankara đang giữ khả năng mở như là đòn bẩy ngăn chặn Mỹ cắt đứt chương trình hơn là phải chọn Nga hoặc Trung Quốc thay thế.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đầu tư tài chính để hưởng lợi nhiều từ chương trình F-35, thông qua việc sản xuất các bộ phận cho máy bay, được các nước khai thác F-35 trên toàn thế giới tin tưởng, mang lại doanh thu và công nghệ cao cấp đáng kể cho lĩnh vực quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng đời vài thập kỷ phục vụ của tiêm kích tàng hình.

Khả năng của F-35 Thổ Nhĩ Kỳ có thể hơi yếu hơn so với các nhà sản xuất đối thủ trong một số lĩnh vực chính, máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trang bị phần mềm yếu hơn do yêu cầu của Israel, nhằm đảm bảo F-35 của Tel Aviv giữ được lợi thế chiến đấu.

Uy tín liên quan đến việc mua máy bay và lợi ích kinh tế có được từ hiệp ước tham gia chương trình F35 trở thành một lựa chọn hấp dẫn. Mặc dù khả năng của Su-57 về nhiều mặt vượt trội hơn so với F-35, nhưng lợi ích chung giữa Ankara và Washington trong việc phát triển và sản xuất F-35 khiến nguy cơ suy giảm quan hệ và các đòn trừng phạt kinh tế có thể sẽ được giải quyết dưới một hình thức nào đó, có lợi cho cả hai bên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại