Giá thành thực tế của tiêm kích Su-57: Nga có thể mua cả nghìn chiếc?

Bảo Lam |

Theo ước tính, đến năm 2031 Nga có thể sẽ sở hữu không dưới 14 phi đội máy bay tiêm kích Su-57, số lượng hoàn toàn đủ để thực hiện các nhiệm vụ phòng thủ quốc gia.

Bài viết này nhằm phân tích một vài khía cạnh kinh tế của việc triển khai chương trình phát triển máy bay thế hệ thứ 5 (PAK FA) - Sukhoi Su-57.

Sao phải "thương vay, khóc mướn" cho Su-57?

Thời gian gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều những bình luận "đầy tức tối" hoặc "tỏ lòng thương xót" cho lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Nga bởi họ đã không thể triển khai sản xuất hàng loạt máy bay Su-57 vì lý do không đủ ngân sách để thực hiện việc mua sắm cỗ máy này. Hay nói theo cách đơn giản hơn: "Không có tiền thì đừng nói chuyện!".

Trước hết cần phải thấy rằng, những người ủng hộ luồng ý kiến chỉ trích trên sẽ dẫn chứng các lý do không thể phủ nhận, chẳng hạn như "hiện trạng đáng báo động về kinh tế Nga" hay "các biện pháp trừng phạt kinh tế bóp nghẹt từ cộng đồng quốc tế".

Hãy khoan phân tích hiện trạng kinh tế Nga nói chung, bởi nó sẽ là một bản báo cáo dài lê thê hàng cây số với lời văn, biểu, bảng... mà hãy nhìn tới ngân sách quân sự của Nga, tới giá thành sản xuất các máy bay tiêm kích Su-57 và một vài các tình tiết mang tính chất tài chính.

Thứ nhất, cần mường tượng xem một chiếc tiêm kích Su-57 được sản xuất hàng loạt sẽ có chi phí là bao nhiêu? Tất nhiên, vấn đề không đơn giản bởi vì những thông tin tương tự tạm thời vẫn chưa được hé lộ công khai trên các mặt báo.

Hơn nữa, giá thành chiếc máy bay còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như giá trị hợp đồng, tốc độ sản xuất, khả năng làm chủ quá trình sản xuất máy bay và phụ tùng cho nó, mức độ thay thế nhập khẩu và hàng loạt các yếu tố khác.

Giá thành thực tế của tiêm kích Su-57: Nga có thể mua cả nghìn chiếc? - Ảnh 1.

Hai tiêm kích tàng hình Sukhoi Su-57 trình diễn khả năng chiến đấu năm 2017. Ảnh: BQP Nga

Để tiếp cận gần hơn với sự hiểu biết về giá thành sản xuất Su-57, chúng ta có thể lấy ví dụ từ giá thành sản xuất của Su-35S.

Để mua Su-35, đối với khách hàng nước ngoài đó là một sở thích đắt đỏ, bởi giá bàn giao đầy đủ một chiếc Su-35 ước tính gần 100 triệu USD.

Tuy nhiên, trong giá bàn giao đầy đủ, ngoài chiếc máy bay, còn cả một vài loại vũ khí đi kèm, các phụ tùng và đôi khi cả động cơ dự phòng và những bộ phận khác. Bởi vậy, giá thành xuất khẩu một chiếc Su-35 thông thường rơi vào khoảng 80 triệu USD.

Nhưng nếu khách hàng là Bộ Quốc phòng Nga thì mức giá bàn giao trung bình một chiếc máy bay Su-35 cho lực lượng không quân vũ trụ "máu mủ" là gần 1,4 tỷ rúp (tương đương 43 triệu USD cho bản hợp đồng đầu tiên và chỉ 20 triệu USD cho bản hợp đồng thứ hai, theo mức giá trung bình của 2 bản hợp đồng ký kết vào năm 2009 và 2015).

Đương nhiên, mua một chiếc máy bay - đó chưa phải là tất cả, cần phải sắm thêm cho nó thiết bị và vũ khí, phụ tùng, chuẩn bị bãi đỗ cho loại vũ khí mới, đào tạo lại nhân sự điều khiển và phục vụ kỹ thuật. Tất cả đều phải thêm chi phí và đẩy giá thành của một chiếc tiêm kích lên một cách đúng nghĩa.

Ước lượng những chi phí này tương đương 50% giá thành chiếc máy bay, và tổng cộng chúng ta phải bỏ ra 2 tỷ rúp cho mỗi chiếc Su-35S sẵn sàng chiến đấu.

Giá thành thực tế của tiêm kích Su-57: Nga có thể mua cả nghìn chiếc? - Ảnh 2.

Tiêm kích Su-57 Nga. Ảnh minh họa

Su-57 sản xuất hàng loạt sẽ có mức giá là bao nhiêu?

Đương nhiên, lô máy bay đầu tiên bao giờ cũng có đơn giá khá cao, sau đó sẽ giảm dần căn cứ vào tốc độ sản xuất (lấy ví dụ đơn giá của F-35A sản xuất đơn lẻ LRIP-3 so với bản sản xuất hàng loạt FRP, theo năm tài chính 2019, cao hơn gấp 2 lần).

Vì chúng ta đang đề cập tới quá trình sản xuất quy mô vừa phải, ít ra công suất và tốc độ sản xuất không kém hơn của Su-35S, thì chúng ta sẽ phải căn cứ từ mức giá dự kiến cho một chiếc máy bay trên cơ sở những điều kiện tương tự.

Để tránh phải nhận sự chỉ trích từ phía những người đầy hoài nghi, cũng như căn cứ vào mức độ khác biệt đáng kể về trình độ kỹ thuật của Su-57 so với Su-35S, dự đoán mức giá của chiếc máy bay này sẽ cao gấp 2 lần, có nghĩa là khoảng 4 tỷ rúp (mặc dù có vẻ hơi cao).

Nhưng bây giờ hãy sẽ chuyển sang điều thú vị nhất. Bằng những phép tính đơn giản, có thể ước lượng mức giá sản xuất và bàn giao cho quân đội, thậm chí của 100 chiếc tiêm kích Su-57, cũng không quá 400 tỷ rúp, có nghĩa là chỉ chiếm 15% ngân sách quốc phòng Nga, chỉ của riêng năm 2018!

Nhưng đương nhiên, không ai lại đi thanh toán số tiền này cùng một lúc. Bởi vậy sẽ thật thú vị nếu cùng tính toán chi phí hàng năm cho hoạt động chế tạo Su-57.

Đặt giả thiết, sản lượng xuất xưởng tối đa một năm của Su-57 để cung cấp cho không quân Nga tại nhà máy KnAAZ là 12 chiếc (tương đương với sản lượng xuất xưởng của Su-35S), thì nó chỉ chiếm khoảng 1,76% ngân sách quốc phòng hàng năm.

Như vậy, ý kiến phổ biến về việc dường như ngân sách thiếu tiền để mua hàng loạt máy bay Su-57, qua quá trình kiểm tra, hóa ra lại là ảo tưởng không hơn không kém, được "tiêm" vào đầu những đọc giả thiếu thông tin, nhưng lại cả tin.

Giá thành thực tế của tiêm kích Su-57: Nga có thể mua cả nghìn chiếc? - Ảnh 4.

Tiêm kích tàng hình Su-57 Nga cùng các loại vũ khí có thể được trang bị

Thông thường, những tín đồ của ảo tưởng này bám vào lý do ngân sách quốc phòng Nga tính bằng USD từ năm 2014 đến năm 2019 giảm xuống tận 35% - một con số đáng sợ!

Chỉ có điều, các hợp đồng mua sắm công quốc phòng được thanh toán bằng tiền rúp (do quá trình thay thế nhập khẩu trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Nga đúng là đã đạt được những thành tự đáng ghi nhận), còn ngân sách quốc phòng Nga tính bằng rúp trong cùng kỳ không hề giảm, ngược lại còn tăng 9%: 2,5 nghìn tỷ rúp vào năm 2014 và 2,73 nghìn tỷ rúp vào năm 2018.

Công suất tiềm năng để xuất xưởng các máy bay loại này của nhà máy KnAAZ cũng khiến một số người nghi ngại.

Nếu để ý tới bản hợp đồng hiện tại xuất xưởng 2 máy bay sản xuất hàng loạt đến năm 2021 và dự kiến ký kết bản hợp đồng 13 chiếc tiếp theo vào năm 2020, thì cùng với việc bàn giao cho lực lượng không quân hai chiếc T-50 tiền sản xuất hàng loạt, đến năm 2024 không quân Nga sẽ có 17 chiếc Su-57.

Nếu quá trình vận hành Su-57 cho thấy những kết quả tốt, thì một bản hợp đồng lớn hơn sẽ được ký kết, và mỗi năm tiếp theo sẽ xuất xưởng 12 chiếc như giả thiết ở trên.

Trong trường hợp này, đến năm 2031, dự kiến sẽ có tổng cộng 100 máy bay tiêm kích này trong đội hình. Vấn đề này có thể được giải quyết bằng việc tăng công suất tại KnAAZ hoặc (điều ít khả năng xảy ra) tổ chức thêm một dây chuyền lắp ráp Su-57 tại nhà máy thứ hai.

Với tình hình này, đến năm 2031 có thể sẽ có không dưới 14 phi đội máy bay tiêm kích chiến đấu này, số lượng hoàn toàn đủ để thực hiện các nhiệm vụ phòng thủ quốc gia.

Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, rào cản của việc nhanh chóng lấp đầy lực lượng không quân vũ trụ Nga bằng chiếc máy bay tiêm kích mới sẽ không phải là tài chính, mà là những vấn đề liên quan tới sản xuất.

Nhiều đọc giả hỏi: Nếu không phải là kinh tế thì đâu là những vấn đề khiến cho việc triển khai sản xuất hàng loạt quy mô lớn các máy bay Su-57 bị chậm trễ?

Câu trả lời nằm ở sự phức tạp và tính chất kéo dài không thể tránh khỏi của toàn bộ quá trình thử nghiệm một chiếc máy bay chiến đấu trình độ này. Đáng tiếc, không có bất cứ giải pháp hỗ trợ về ngân sách nào có thể cắt giảm một cách đột phá toàn bộ thời gian thực hiện quá trình thử nghiệm trên.

Phòng thử nghiệm các bộ phận của máy bay Su-57

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại