Tướng Lloyd Austin, người được ông Biden đề cử là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Ảnh: AFP
Vì sao ông Biden chọn ông Austin vào thời điểm này?
Tổng thống đắc cử Joe Biden đã công bố đề cử của ông cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, đó là Tướng về hưu Lloyd Austin, người từng là chỉ huy Bộ Chỉ huy Trung tâm, một người được cho là "nhà lãnh đạo tiên phong" với "kinh nghiệm sâu sắc" tại những vị trí quan trọng của Lầu Năm Góc.
Qua thông báo của đội ngũ chuyển giao quyền lực và một bài bình luận trên tạp chí Atlantic hôm 8/12, ông Biden đã giải thích lý do vì sao ông chọn ông Austin - người sẽ trở thành Bộ trưởng Quốc phòng gốc Phi đầu tiên của nước Mỹ.
"Trong suốt quãng thời gian ông ấy tận tụy trong quân ngũ và chúng tôi dành nhiều thời gian trao đổi với nhau ở Phòng Tình huống Nhà Trắng cũng như với quân đội của chúng tôi ở nước ngoài, Tướng Austin đã thể hiện được khả năng lãnh đạo, tính cách và sự chỉ huy mẫu mực. Ông ấy có các phẩm chất để đối phó với những thách thức và các cuộc khủng hoảng mà chúng ta đối mặt hiện nay".
Với ông Biden, thách thức cấp bách nhất hiện nay là sự phản ứng trong nước với Covid-19, đại dịch khiến gần 300.000 người Mỹ thiệt mạng.
Do đó, Tổng thống đắc cử dường như ưu tiên một người đứng đầu Lầu Năm Góc có khả năng điều hành các chiến dịch hậu cần quy mô lớn để phân phối vaccine Covid-19 rộng rãi và công bằng. "Ông Austin đã giám sát chiến dịch hậu cần lớn nhất của Lục quân Mỹ trong 6 thập kỷ ở Iraq", ông Biden cho hay.
"Ông Biden đã tập trung vào điểm mạnh của ông Austin về hậu cần nhằm đối phó với đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, kinh nghiệm trong việc đối phó với những kẻ nổi dậy ở Trung Đông không phải là những điều chúng ta cần để đối phó với những mối đe dọa ở Ấn Độ - Thái Bình Dương", Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Quyền lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế nhận định.
Ông Biden hầu như tiết lộ rất ít về chính sách với Trung Quốc, mặc dù ông khẳng định rằng chiến lược của ông nhằm xây dựng các liên minh của Mỹ sẽ kiềm chế được các hành động hung hăng của Trung Quốc mà ít phụ thuộc hơn vào quân đội.
Chính quyền Tổng thống Trump đã thực hiện một lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong những năm qua, đẩy quan hệ 2 nước xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ về một loạt vấn đề từ thương mại, công nghệ cho tới Biển Đông và đại dịch Covid-19.
Trong một động thái mới nhất, Nhà Trắng đã trừng phạt 14 Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc, tức Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc với cáo buộc thúc đẩy đạo luật an ninh mới tại Hong Kong và có liên quan tới việc hủy tư cách của các nghị sĩ đối lập ở Hong Kong.
Mặc dù đánh giá chính quyền ông Trump không có kế hoạch rõ ràng trong chính sách với Trung Quốc song các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và những người có lập trường cứng rắn tại Washington đều lo ngại ông Biden có thể sẽ quay lại lập trường hòa giải hơn như dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Dù vậy, ông Biden và đội ngũ của ông đã khẳng định rằng dù có muốn hay không, việc quay ngược thời gian và nỗ lực nối lại những chính sách như thời ông Obama là điều bất khả thi.
"Những thách thức mà chúng ta đối mặt ngày nay không giống với những đe dọa chúng ta đối mặt cách đây 10 hoặc 5 năm trước. Chúng ta phải chuẩn bị để đối phó với những thách thức của tương lai chứ không phải tiếp tục những cuộc chiến trong quá khứ.
Chúng ta phải xây dựng một chính sách đối ngoại dẫn đến con đường ngoại giao và hồi sinh các liên minh của chúng ta, phải đưa sự lãnh đạo của nước Mỹ quay trở lại trên các bàn đàm phán và tập hợp thế giới đối phó trước những đe dọa toàn cầu với an ninh của chúng ta", ông Biden khẳng định.
Điểm cốt lõi trong chiến lược với Trung Quốc
Việc ông Biden lựa chọn Tướng Lloyd Austin cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là dấu hiệu rõ ràng cho thấy chính quyền kế nhiệm của ông sẽ nhấn mạnh đến việc xây dựng các liên minh chiến lược nhằm đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông cũng như những điểm nóng khác ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Lựa chọn này không chỉ phản ánh sự tương đồng mạnh mẽ về lập trường cá nhân mà còn cho thấy sự tương đồng về tầm nhìn chiến lược của họ.
Ông Austin từng công khai nhấn mạnh tầm quan trọng của cái gọi là "sự kiên nhẫn chiến lược", vốn ưu tiên các giải pháp đối thoại và trao đổi hòa bình trong quan hệ chính trị thay vì sử dụng quân sự.
Mối quan hệ giữa ông Biden và ông Austin về công việc được thể hiện rõ vào đầu những năm 2010 khi mà chính quyền Tổng thống Obama và Lầu Năm Góc cân nhắc đến các lựa chọn chiến lược ở Trung Đông, trong đó có việc rút quân khỏi Iraq năm 2011.
Qua việc chọn một ứng viên có thái độ chừng mực và thận trọng thay vì các ứng viên khác, ông Biden không chỉ thể hiện lập trường về châu Á mà còn thể hiện quan điểm về các hoạt động quân sự trên toàn cầu, đặc biệt đối với những kẻ thù lớn của Mỹ như Trung Quốc.
Từng là chỉ huy Bộ Chỉ huy Trung tâm, ông Austin đã giám sát vô số chiến dịch và động thái quân sự của Mỹ tại những khu vực tiềm ẩn nhiều biến động như Trung Đông, cũng như là "kiến trúc sư trưởng" cho một chiến lược đa phương thành công rộng khắp trong quá trình đánh bại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Ông Austin tin rằng khả năng của các liên minh nhằm "đối phó, phản ứng nhanh và hiệu quả với các mối đe dọa" do các nhóm khủng bố xuyên quốc gia như IS gây ra là nhờ "40 năm đầu tư liên tục vào việc xây dựng năng lực của các đối tác và các chương trình hỗ trợ nước ngoài".
Ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng liên minh và quan hệ với các đối tác, Bộ trưởng Lầu Năm Góc kế nhiệm này có cùng quan điểm với ông Biden về cam kết xây dựng sự lãnh đạo của nước Mỹ trong trật tự thế giới tự do.
"Trong thế giới chứa đựng đầy những mối đe dọa về an ninh và các cuộc xung đột vùng xám như hiện nay, các liên minh sẽ chiếm vị trí trung tâm", ông Austin nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn năm 2018, ngay sau khi chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố theo đuổi chính sách đơn phương.
Ông Austin cũng cho rằng: "Việc điều hành các liên minh phải là cốt lõi trong các cuộc chiến tương lai".
Điểm cốt lõi trong tư tưởng về quân sự của ông Austin là sự đánh giá nghiêm túc tính phức tạp của những đe dọa và thách thức mà Mỹ phải đương đầu trong thế kỷ 21, một sự tương phản sâu sắc với lập trường của những người có quan điểm tự do cứng rắn cũng như các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump.
Mặc dù nguy cơ về những cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ với các kẻ thù như Trung Quốc đã giảm bớt song vẫn có các dấu hiệu cho thấy chính quyền ông Biden đang hướng tới tập hợp một liên minh mạnh mẽ hơn để đối phó với Bắc Kinh.
"Các kiểu chiến tranh hỗn hợp mà chúng ta đối mặt ngày nay đòi hỏi sự kiên nhẫn chiến lược tuyệt đối", ông Austin đánh giá, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng về sự hiện diện quân sự toàn cầu của Lầu Năm Góc bởi "sự hiện diện sẽ đem đến tầm ảnh hưởng".
Thông báo bổ nhiệm ông Austin là Bộ trưởng Quốc phòng đưa ra cùng thời điểm với chuyến thăm cấp cao của các quan chức Mỹ tới châu Á những tuần gần đây đã cho thấy tầm quan trọng ngày càng gia tăng của khu vực chiến lược này trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung.
Bộ trưởng Lầu Năm Góc đương nhiệm, đồng thời là một đồng minh trung thành với Tổng thống Trump Christopher Miller đã vừa khép lại chuyến thăm tuần này tới Philippines và Indonesia để bàn về các vấn đề khu vực.
Rõ ràng, đây vẫn chưa phải nỗ lực cuối cùng của chính quyền Tổng thống Trump nhằm định hình những diễn biến trong chính sách với châu Á của người kế nhiệm.
Tuy nhiên, quyết định của ông Biden khi lựa chọn ông Austin đã cho thấy ông quyết tâm thúc đẩy một hướng chiến lược mới, theo đó tập hợp các liên minh và đối tác khu vực đối phó với Trung Quốc theo một cách ít xung đột và kiên nhẫn hơn.