Vào tháng 4/2019, tờ National Interest xuất bản bài viết "Bây giờ không phải là lúc loại bỏ A-10 Warthog và thay thế nó bằng F-35" (Now Is Not the Time to Get Rid of the A-10 Warthog and Replace It with the F-35) của tác giả/cựu chiến binh Mỹ Scott Beauchamp.
Nhằm giúp độc giả tiếp cận cái nhìn của một cựu chiến binh Mỹ đối với xu hướng thay thế trang bị vũ khí trong tương lai của nước này, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Tình cảm của người lính bộ binh Hoa Kỳ và "Lợn lòi" A-10
Tôi (Scott Beauchamp) thừa nhận, với tư cách là một cựu lính bộ binh rằng mình là một phần của A-10 Thunderbolt II. Tôi không bận tâm về sự xấu xí của "Warthog/Lợn lòi" (biệt hiệu không chính thức do lính Mỹ đặt cho A-10).
Tôi không quan tâm rằng nó đã được đưa vào trang bị từ những năm 1970, khiến nó là một ông lão nếu so với tuổi của tôi. Tôi cũng không bận tâm rằng A-10 chậm, về cơ bản nó là một khẩu pháo nòng xoay 30 mm trong một chiếc "bồn tắm bay" bằng titan nặng 14 tấn.
Đó là máy bay của chúng tôi (những người lính bộ binh Hoa Kỳ). Nó được sản xuất dành riêng cho chúng tôi. "Lợn lòi" đã, đang và sẽ trong tương lai gần là máy bay cường kích hàng đầu thế giới.
Máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II thường được bộ binh gọi bằng biệt hiệu "Warthog/Lợn lòi".
Và tất cả những điều mà tôi đã đề cập ở trên (sự đơn giản và trọng lượng của nó) là những gì làm cho nó rất hiệu quả.
Lớp giáp titan bao quanh máy bay khiến nó không thể xuyên thủng bởi các loại đạn nổ và đạn xuyên giáp dưới 23 mm. Nó thậm chí có thể chịu được đạn phòng không 57 mm.
Các bộ phận trong buồng lái được phủ một lớp nilon để bảo vệ phi công khỏi sát thương bởi mảnh đạn. Đơn giản hơn, đây là một máy bay cường kích bay thấp và chậm trong tầm bắn của đối phương.
A-10 nổi tiếng là có thể chịu đựng được sát thương của đối phương và tiếp tục bay. Nó đã khẳng định mình là "người lính" dạn dày kinh nghiệm.
Nhưng những gì người lính bộ binh muốn không phải lúc nào cũng phù hợp với nhu cầu của Không quân Mỹ. Kể từ năm 2013, họ đã xem xét khả năng loại bỏ "Lợn lòi".
A-10 rõ ràng đã gánh vác các công việc nguy hiểm và rất hiệu quả ở Iraq, Afghanistan và nhiều chiến trường khác nhau, nhưng Không quân luôn tìm cách cho nó nghỉ hưu, và đây hoàn toàn không phải là một ý tưởng mới.
Với quan điểm của một người lính bộ binh, tôi luôn hoài nghi về việc Không quân luôn có kế hoạch loại bỏ "Lợn lòi".
Một chiếc A-10 bị hỏa lực đối phương bắn thiệt hại nặng ở Iraq.
Nếu không còn "Lợn lòi", vậy lính Mỹ sẽ được yểm trợ bằng máy bay gì?
Đã có nhiều cuộc thảo luận về việc thay thế "Lợn lòi" bằng máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper, máy bay chiến đấu F-16, F-15 hoặc thậm chí là máy bay ném bom B-1.
Bất cứ ai hiểu rõ các máy bay trên đều thấy rằng chúng không bao giờ thay thế được A-10. Cố Thượng nghị sĩ John McCain, cựu chiến binh/tù binh trong Chiến tranh Việt Nam đã chất vấn về việc B-1 là lựa chọn thay thế A-10 đưa ra trong phiên điều trần như sau:
"Điều đó không phù hợp với bất kỳ kinh nghiệm (chiến trường) nào tôi từng có, cũng như bất kỳ ai tôi biết từng có.
Các ông đang đưa máy bay ném bom tầm xa B-1 trở thành máy bay cường kích thay thế cho A-10? Các ông sẽ không thể loại bỏ hệ thống vũ khí yểm trợ mặt đất tốt nhất trên thế giới với phương án này".
Cuối cùng kế hoạch nghỉ hưu của A-10 đã bị hoãn lại cho đến năm 2022 và một sự thay thế phù hợp cho A-10 sẽ phải được tìm thấy. Tôi (Scott Beauchamp) đã vui mừng, ít nhất là cho đến khi có thông báo rằng máy bay thay thế "Lợn lòi" sẽ là máy bay chiến đấu đa nhiệm F-35.
F-35 được trang bị pháo nòng xoay (4 nòng) 25mm GAU-22/A (120 viên đạn) được hứa hẹn sẽ thay thế được A-10 trong nhiệm vụ cường kích.
"Voi trắng" F-35 sẽ không thể thay thế được "Lợn lòi" A-10?
Hãy thử nghĩ F-35 thay thế A-10? Đó sẽ là một "cơn bão" nhưng theo hướng tiêu cực.
F-35 được gọi là "Voi trắng", thứ vũ khí đắt đỏ và không cần thiết nhất trong lịch sử quân sự loài người, thứ "vũ khí tưởng tượng" mà các nhà thầu quân sự vẽ ra để trở thành giải pháp cho tất cả các nhu cầu?
Máy bay nổi tiếng nhất và chưa thực sự hoàn thiện sẽ là sự thay thế cho "chiến binh" dày dạn trận mạc A-10?
Có lẽ tôi hơi khắc nghiệt với F-35. Nhưng về lý thuyết, cuối cùng nó cũng sẽ có thể đóng vai trò yểm trợ trên không nhưng với chi phí khủng khiếp với người nộp thuế Hoa Kỳ.
Có thể đoán được là F-35 quá đắt đỏ để tung với số lượng lớn vào các trận đánh tầm gần giữa bộ binh hai bên.
Một bảng so sánh cho thấy giá thành của F-35 gấp khoảng 11 lần, chi phí hoạt động theo giờ gấp 2 lần nhưng hiệu quả hoàn toàn thua kém nếu so với A-10 trong nhiệm vụ cường kích.
Và tôi hiểu điều đó, đó là vấn đề mấu chốt, Không quân muốn thứ gì đó ít có cơ hội bị bắn hạ bởi MANPADS (Tên lửa phòng không vác vai) và hủy diệt đối phương trước khi bộ binh tấn công.
Nhưng, như một phi công thử nghiệm F-35 đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn, A-10 luôn luôn tốt hơn trong nhiệm vụ CAS (yểm trợ từ trên không) so với F-35. Rõ ràng là như vậy, A-10 được thiết kế cho một mục đích cụ thể, F-35 được thiết kế để làm rất nhiều thứ cùng lúc.
Đối với khách hàng nước ngoài, giá thành của F-35 không phải là một thứ dễ nuốt trôi.
Nhưng đối với Không quân Mỹ, một chương trình nâng cấp F-35 sẽ đỡ tốn kém hơn việc nghiên cứu một chương trình máy bay cường kích khác có tính năng tương tự như A-10.
Nói cách khác, Không quân Mỹ đã chấp nhận sử dụng các hệ thống tấn công đắt tiền có sẵn để hạ gục phòng không đối phương trước khi cần tới một phiên bản mới của "Lợn lòi".
Bất kể Không quân nói gì, tôi vẫn duy trì sự hoài nghi sự phụ thuộc quá mức vào các loại vũ khí phức tạp, nhưng lại chưa được kiểm chứng để giải quyết tất cả các vấn đề của chúng tôi, người lính bộ binh.
Tôi có thể nhắc lại một lần nữa về việc "Lợn lòi" đã dữ dội như thế nào không?
A-10 Thunderbolt II (Thần sấm II) là loại máy bay cường kích nổi tiếng của Mỹ.
Đây là máy bay đầu tiên được Không quân Hoa Kỳ thiết kế riêng cho nhiệm vụ yểm trợ bộ binh từ trên không.
A-10 được thai nghén từ thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, khi các loại máy bay phản lực và trực thăng như UH-1 Gunship, AH-1 Cobra, A-1 Skyraider và F-4 Phantom không thể đảm bảo hỏa lực hỗ trợ bộ binh và dễ bị bắn hạ.
Tuy được thử nghiệm lần đầu từ năm 1972, nhưng A-10 được đưa vào trang bị "muộn màng" vào năm 1977, nó đã bỏ lỡ cả một cuộc chiến khi người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam năm 1974.
"Lợn lòi" A-10 có hỏa lực yểm trợ mặt đất tầm gần với pháo nòng xoay (7 nòng) 30mm GAU-8/A Avenger (1,350 viên đạn).