Đó là lời kể của anh N.C (22 tuổi), một trong 13 nạn nhân của vụ cháy nhà 4 tầng vừa xảy ra tại đường Xuân Hồng, quận Tân Bình, TP HCM khi anh vừa thoát qua tai nạn "thập tử nhất sinh".
Nhớ lại thời điểm xảy ra vụ cháy, anh C. chưa hết bàng hoàng. Anh kể, sáng sớm cùng ngày khi đang ngủ, anh nghe tiếng kêu cứu từ những người ở phòng dưới. Tuy nhiên, vì sợ khói sẽ ùa vào, anh không dám mở cửa. Sau đó, anh vội chạy vào nhà vệ sinh, lấy quần áo, nhúng nước rồi dùng chúng để che mặt nhằm tránh khói độc.
"Khi nghe tiếng kêu cứu, tôi nhìn ra và thấy khói lọt qua các khe cửa. Tôi chỉ kịp chạy vào nhà vệ sinh, nhúng quần áo vô nước rồi che miệng. Sau đó, tôi mở cửa chạy lên trên và nhảy qua lan can nhà hàng xóm" - anh C. nhớ lại.
Anh C. cho biết thêm, căn nhà nơi anh thuê có 4 tầng, mỗi tầng có khoảng 4-5 phòng, diện tích phòng anh khoảng 20 m2 với giá 2,9 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, căn nhà không lối thoát hiểm, chỉ có một cầu thang để đi lên và xuống. "Phía dưới tầng trệt dùng để xe máy nhưng lối đi hơi nhỏ" - anh C. nói.
Là một trong những đơn vị tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân ban đầu, BS Nguyễn Thụy Trang, Trưởng Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Thống Nhất, cho biết khoảng 7 giờ đến 8 giờ cùng ngày, trong thời gian ngắn, bệnh viện đã tiếp nhận tổng cộng 13 nạn nhân, trong đó có một số tình trạng rất nặng. Các bệnh nhân chủ yếu bị ngạt khí CO (carbon monoxide) và bỏng đường hô hấp.
"Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp cấp cứu, bao gồm hỗ trợ hô hấp bằng máy thở và thuốc cấp cứu theo phác đồ. Sử dụng oxy và đặt ống thở để bảo vệ đường thở, đồng thời điều trị chống phù nề cho các bệnh nhân" - BS Trang nói.
Thông tin về tình hình các bệnh nhân hiện tại, bác sĩ Nguyễn Duy Cường, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Thống Nhất, cho biết hiện trong số các bệnh nhân tiếp nhận, có 3 trường hợp đang trong tình trạng nặng, mức độ từ trung bình đến nguy kịch. Các bệnh nhân này đang được theo dõi và điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.
Ngoài ra, có 5 bệnh nhân gặp vấn đề về hô hấp, tình trạng ngạt khí cũng khá nghiêm trọng nhưng mức độ nhẹ hơn. Những bệnh nhân này đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Nội Hô hấp. Các bệnh nhân còn lại được điều trị tại các chuyên khoa khác, chủ yếu là các ca chấn thương ngoài da và bỏng nhẹ.
"Về tình hình chung, các bệnh nhân hiện nay ổn định, hầu hết đều được duy trì thở oxy với lưu lượng thấp từ 3 đến 5 lít. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi sát sao tình trạng ngạt khí và đánh giá mức độ bỏng đường hô hấp do nhiệt và khí độc. Trong 3 bệnh nhân nặng nhất có 2 bệnh nhân trong tình trạng rất nguy kịch đang được hỗ trợ hô hấp xâm lấn và đặt nội khí quản" - BS Cường thông tin.
"Sáng nay, chúng tôi đã tiến hành nội soi phế quản để đánh giá mức độ ngạt khí và bỏng đường hô hấp. Mặc dù chúng tôi chưa thể đánh giá chính xác mức độ bỏng nhưng khi nội soi, ghi nhận đường thở của bệnh nhân bị tắc nghẽn bởi các chất nhầy và bụi, gây ngạt khí nghiêm trọng. Sau khi tiến hành bơm rửa, tình trạng của bệnh nhân đã cải thiện phần nào nhưng vẫn còn rất nặng. Các bệnh nhân này vẫn cần tiếp tục hỗ trợ hô hấp qua máy thở và điều trị tích cực để chống nhiễm khuẩn và xử lý bỏng trong các giai đoạn tiếp theo" - BS Cường nói.
Với bệnh nhân còn lại, tuy cũng trong tình trạng nặng nhưng hiện tại bệnh nhân đã ổn định hơn và chỉ cần hỗ trợ hô hấp bằng thở oxy dòng cao. Bệnh nhân tỉnh táo và các chức năng hô hấp, huyết áp đều ổn định. Bệnh viện tiếp tục theo dõi tình trạng ngộ độc CO và sẽ đánh giá lại mức độ phục hồi trong những ngày tới.
Các bác sĩ khuyến cáo khi xảy ra cháy, điều đầu tiên cần làm là sơ tán tất cả các nạn nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm, vì đây là vùng có nhiều khí CO. Cần phải trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cho đội ngũ cứu hộ để đảm bảo an toàn. Sau khi sơ tán, cần đưa nạn nhân đến các khu vực thoáng mát và gọi cấp cứu ngay lập tức để nhận sự hỗ trợ y tế.
Ngoài ra, cần xác định những trường hợp nặng và có biện pháp cấp cứu kịp thời, nhất là khi nạn nhân ngừng tim, ngừng thở, cần phải thực hiện các biện pháp hồi sức ngay lập tức.