Lời kể của nam thanh niên mắc COVID-19 bị tổn thương phổi nghiêm trọng: Cảm giác khó thở cực kỳ sợ hãi!

Ngọc Anh |

Mỗi lần nhìn tấm phim chụp phổi trắng xoá, Trường sợ hãi nhưng cậu vẫn bình tĩnh cố tập thở, giành giật từng chút oxy.


Chỉ mong được thở khí trời

Hà Ngọc Trường – 29 tuổi, trú ở Quận 1, TP HCM từng là F0. Trải qua sinh tử, Trường mới thấy quý trọng sự sống, hiểu được nỗi khổ của một F0.

Giữa tháng 6, cả gia đình Trường dương tính với SARS-CoV-2. Mỗi người được chuyển tới 1 bệnh viện cách ly khác nhau. Trường đến BV điều trị Covid-19 Củ Chi. Mấy ngày đầu, Trường cũng trải qua các triệu chứng sốt, đau họng, mất khứu giác, vị giác. Đặc biệt là sốt, Trường kể cậu bị sốt liên tục, không hạ sốt được. Đến ngày thứ 8 thì các triệu chứng sốt đã giảm, Trường chuyển sang khó thở. 

Cảm giác khó thở cực kỳ sợ hãi. Lúc đó, Trường hoang mang cực độ. Cậu sợ cảm giác thiếu oxy, chỉ vận động nhẹ cũng khó thở. 

Trường nghĩ rằng cậu sẽ khó qua khỏi. Ngày bệnh chuyển nặng, phổi tổn thương nghiêm trọng, Trường được đưa xuống phòng ICU cấp cứu. Mặt nạ oxy chụp vào, mắt Trường nhòa đi trong mờ ảo rồi trôi vào miên man. Ký ức chớp nhoáng trong phút giây ấy vẫn kịp lưu lại những lời thúc giục: "Trường ơi đừng gục ngã, đừng buông xuôi, rồi em sẽ được ra viện, được thở khí trời".

Những lời động viên ấy như ánh đèn lóe sáng giữa mịt mùng, bừng lên khát vọng chỉ mong được thở khí trời. 

Nghị lực mong muốn hít thở khí trời như thôi thúc Trường cố gắng. Cùng lúc đó, mẹ Trường cũng bị nặng, phải vào ICU. Vì mẹ, Trường phải cố gắng, cậu tập thở, tập hít từng ngụm oxy.

Bác sĩ cho Trường biết phim Xquang của Trường trắng xoá, phổi đã bị "virus ăn sạch". Trường tin rằng chỉ cần mình nỗ lực, cuối cùng cũng tới ngày bỏ oxy tự thở. Điều đó đã thành sự thật. Mỗi ngày Trường đều cố gắng nằm sấp, tập thở, nằm mọi thư thế tốt nhất cho người bệnh.

Lời kể của nam thanh niên mắc COVID-19 bị tổn thương phổi nghiêm trọng: Cảm giác khó thở cực kỳ sợ hãi! - Ảnh 1.

Trường bình phục là tranh thủ làm những công việc như một điều dưỡng thực thụ.

Sau 1 tháng, đến ngày 16/7, Trường được bác sĩ cho ra viện. Tuy nhiên, việc đầu tiên Trường làm đó là xin ở lại để tiếp sức cho các F0 khác. Thời điểm ấy, F0 ở lại tình nguyện không có ai ngoài Trường. 

Cảm thấy biết ơn vì được thở

Trường cho biết trong thời gian ở viện điều trị, cậu chứng kiến bác sĩ, điều dưỡng làm việc không biết mệt mỏi để giành lại sự sống cho người bệnh. Vì vậy, khi được thở, Trường cảm thấy biết ơn vô cùng. Cậu ở lại bệnh viện làm tất cả mọi việc như một điều dưỡng thực thụ.

Không ai sai việc, nhìn thấy việc là Trường làm, từ chăm sóc cho F0, cho ăn, thay bỉm, vệ sinh cá nhân, lấy bình oxy, thay bình oxy, lau dọn sàn nhà, đánh rửa nhà vệ sinh. Trường cũng thích đi gội đầu, lau người giúp người khác. Cậu đã từng 6, 7 ngày không được tắm gội nên hiểu cảm giác được gội đầu sảng khoái như thế nào.

Mẹ Trường trở nặng và không qua khỏi, cậu nén nỗi đau vì tin rằng mẹ đang nhìn những hành động của mình. Cậu muốn mẹ biết rằng Trường đã trưởng thành, có thể làm tất cả để cùng góp sức mong dịch qua nhanh.

Vì từng trải qua giấy phút ngộp do thiếu oxy nên Trường hiểu oxy giá trị như thế nào. Có bệnh nhân cao tuổi, họ đòi bỏ oxy ra, Trường lại phải ngồi cạnh giữ chặt oxy và nhẹ nhàng khuyên bệnh nhân bình tĩnh và tập thở.

Suốt hơn 2 tháng qua, chứng kiến niềm vui lẫn nỗi buồn của dịch bệnh, Trường cho biết cậu cảm thấy biết ơn vì mình vẫn còn được thở. Cậu cũng mong rằng cộng đồng hãy trân trọng những giây phút mình được thở. Bởi vì khi bước vào Bệnh viện Covid-19 thì tự thở được là một điều vô cùng may mắn.

Mỗi ngày, cả nhà Trường lại lo lắng gọi điện dặn Trường cẩn thận, cậu chỉ cười "con vẫn tốt, được chăm sóc sức khoẻ hàng tuần, phổi đang hồi phục tốt".

Sau khi bị Covid-19 tấn công phổi, Trường tự tập các bài tập phục hồi chức năng cho phổi cũng như uống nước nhiều hơn để oxy máu được lưu thông tốt hơn. Cậu khoe nhờ kiên trì nên phổi của Trường đã bình phục rất tốt. Cậu vẫn hăng say với công việc tình nguyện ở Bệnh viện Covid-19 Củ Chi.  

Mời độc giả gửi câu hỏi Toạ đàm trực "HÀ NỘI CẦN LÀM GÌ ĐỂ KIỂM SOÁT DỊCH BỆNH"

Toạ đàm trực tuyến "Hà Nội cần làm gì để kiểm soát dịch bệnh?" với sự tham gia của chuyên gia khách mời là BS CKII Khổng Minh Tuấn, PGĐ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hà Nội (CDC Hà Nội) diễn ra vào lúc 14h30 ngày 08/09/2021.

Quý độc giả quan tâm đến tình hình dịch bệnh của Hà Nội và có các câu hỏi gửi chuyên gia khách mời của chương trình xin để lại câu hỏi TẠI ĐÂY và theo dõi chương trình để nhận câu trả lời.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại