Trước thực trạng số người bị đột quỵ ở nước ta có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, bên cạnh những thông tin nhằm tuyên truyền, cảnh báo cộng đồng thì một số cơ sở y tế lại lợi dụng điều này để gieo rắc nỗi lo sợ và quảng cáo các sản phẩm hoặc dịch vụ tầm soát, lọc mỡ máu để phòng ngừa đột quỵ. Thậm chí có cơ sở còn lách luật, môi giới đưa người ra nước ngoài để lọc mỡ máu với giá lên đến hơn một trăm triệu đồng/người.
Anh Nguyễn Tuấn ở quận Long Biên, Hà Nội cho biết, mới đây khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ tại một bệnh viện tư nhân anh cũng được tư vấn, mời chào thực hiện dịch vụ này. Tuy nhiên, trước một phương pháp mới, chưa rõ thực hư tác dụng ra sao nên anh đã từ chối. Song cũng có không ít người sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để lọc mỡ máu, thải độc tố trong máu mong gạt bỏ được nỗi lo đột quỵ. Gần đây, một người mẫu nổi tiếng còn chưa sẻ trên facebook cá nhân về việc ra nước ngoài lọc máu và ca ngợi phương pháp này giúp cô dọn dẹp toàn bộ chất độc tích tụ trong máu, ngăn ngừa bệnh tim mạch, tai biến, đột quỵ, suy gan...
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc trung tâm Ôxy cao áp Việt Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng cho biết, lọc máu là những phương pháp được thực hiện nhằm loại bỏ ra khỏi cơ thể các chất độc nội sinh hoặc ngoại sinh, dịch, điện giải. Hiện tại các bệnh viện, kỹ thuật này thường được chỉ định cho các trường hợp bệnh nhân bị nhiễm độc nặng, bệnh nhân suy thận nặng, bệnh nhân viêm tụy cấp kèm theo lượng cholesterol trong máu ở mức cao... Bên cạnh đó, những bệnh nhân bị tăng mỡ máu có yếu tố gia đình (tức là có một số bất thường về gen, kể cả ăn uống lành mạnh, nhưng chỉ số mỡ máu thường xuyên ở mức cao) thì buộc phải lọc mỡ trong máu và thậm chí còn phải lọc định kỳ để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Tuy nhiên, hiện chưa có bất kỳ hướng dẫn và chỉ định nào về việc lọc mỡ máu để dự phòng đột quỵ. Do đó, người bệnh nên thận trọng trước những quảng cáo về các dịch vụ tầm soát đột quỵ và lọc máu. Lọc máu một kỹ thuật cao và phải thực hiện tại các bệnh viện có trình độ chuyên sâu để đảm bảo an toàn, tránh các nguy cơ như nhiễm khuẩn sốc phản vệ hoặc rối loạn về đông máu. Tôi thấy các phòng khám đa khoa hoặc các cơ sở y tế không chuyên sâu quảng cáo thực hiện kỹ thuật này thì độ an toàn chưa chắc đã được như mình mong muốn” – BS Nguyễn Huy Hoàng nói.
BS Hoàng cũng cho biết, mỡ máu cao có liên quan đến đột quỵ nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tình trạng này.
“Đột quỵ do rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do mạch máu xơ vữa làm cho sự co giãn của mạch máu kém đi và thành mạch bị thu hẹp lại. Nguyên nhân quan trọng khiến mạch máu hẹp và xơ vữa chính là tình trạng mỡ máu cao. Tuy nhiên, còn có các yếu tố khác khiến mạch máu bị co thắt, ví dụ như căng thẳng thần kinh, sự thay đổi về hoocmon, thay đổi về nhiệt độ - đó nguyên nhân thứ hai. Nhóm nguyên nhân thứ ba dẫn đến đột quỵ, đó là bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì... hoặc mắc bệnh về van tim và dẫn đến sự hình thành cục máu đông gây tắc mạch. Như vậy, rối loạn chuyển hóa mỡ máu chỉ là một trong rất nhiều nguy cơ dẫn đến đột quỵ” - BS Nguyễn Huy Hoàng phân tích.
Sau khi lọc mỡ máu kết quả xét nghiệm máu cho thấy chỉ số cholesterol trong máu giảm hẳn xuống. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, một vài tuần hoặc một vài tháng. Về lâu dài, bệnh nhân bị mỡ máu cần dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn, sinh hoạt khoa học. Nếu sau khi lọc máu, bệnh nhân vẫn ăn uống, sinh hoạt như cũ... thì chỉ sau một thời gian ngắn, mỡ máu sẽ tăng cao trở lại.
Nếu lạm dụng lọc máu để phòng ngừa đột quỵ, rất nhiều rủi ro có thể xảy ra và nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Đó là nguy cơ bị trụy tim mạch đột ngột, nhiễm trùng máu, sốc phản vệ, rối loạn đông máu... nếu không phải cơ sở y tế chuyên sâu thì khó có thể có đủ phương tiện và nhân lực để cấp cứu, cuối cùng người chịu thiệt vẫn là bệnh nhân.
Về các biện pháp phòng ngừa đột quỵ đối với người bị mỡ máu cao, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng hướng dẫn:
- Người bệnh nên tăng cường vận động nhằm đốt cháy năng lượng và tăng cường quá trình chuyển hóa của cơ thể, giúp tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng, stress.
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh. Tăng cường rau quả và trái cây tươi trong thực đơn hàng ngày. Ưu tiên các món ăn được chế biến từ cá, hạn chế ăn thịt, nhất là thịt đỏ, hạn chế chất béo.
- Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, thường xuyên để kiểm soát các chỉ số đường máu, mỡ máu. Nếu mắc các bệnh lý rối loạn chuyển hóa cần tuân thủ việc sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ để kiểm soát bệnh một cách tốt nhất, hạn chế nguy cơ đột quỵ cũng như các biến chứng khác của bệnh.