Bất cứ ai quan hệ tình dục không an toàn đều có nguy cơ mắc bệnh. Nhiễm khuẩn Chlamydia là chứng bệnh dễ gặp trong các viêm nhiễm phụ khoa.
Cách thức lây truyền Chlamydia tracomatis
Tương tự như bệnh lậu, Chla chỉ lây truyền qua giao hợp không bảo vệ. Vi khuẩn Chlamydia có tốc độ tăng trưởng và sinh sản nhân đôi rất nhanh. Con đường lây lan trực tiếp chủ yếu qua đường tình dục không an toàn như đường âm đạo, hậu môn và miệng. Bạn tình càng nhiều, nguy cơ lây nhiễm càng cao.
Bên cạnh đó, Chlamydia cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con qua nhau thai. Chla còn có thể gây bệnh ở trực tràng, kết mạc mắt, gan, mô mềm.
Tương tự như bệnh lậu, Chlamydia tracomatis chỉ lây truyền qua giao hợp không bảo vệ.
Tổn thương ban đầu mà Chlamydia gây ra thường không được chú ý. Có ít nhất 50% trường hợp nhiễm Chla không có biểu hiện gì đặc biệt, dễ bỏ qua, nhưng luôn có khả năng lây nhiễm cho bạn tình. Thời gian ủ bệnh khoảng 5-15 ngày.
Các biểu hiện dễ nhận ra khi nhiễm Chlamydia
Ở phụ nữ:
Buốt khi đi tiểu, hoặc muốn đi tiểu nhiều lần; âm đạo tiết dịch bất thường, ngứa hay rát; đau bụng hoặc đau khi quan hệ tình dục. Đau nhiều khi có kinh. Chảy máu vùng kín khi nhiễm trùng lây lan từ cổ tử cung lên đến ống dẫn trứng, khí hư có màu sắc và mùi bất thường (dịch màu vàng nhạt hoặc trắng).
Ở nam giới:
Dương vật tiết dịch hơi trắng hay vàng; bỏng rát khi tiểu; rát và ngứa quanh bao quy đầu; Đau ở hậu môn hay tinh hòan hoặc lúc xuất tinh.
Chla còn là nguyên nhân gây bệnh u hạch bạch huyết hoa liễu, biểu hiện là phù nề các bộ phận sinh dục ngoài, sưng đau hạch bẹn.
Nhiễm Chlamydia và những biến chứng
Ở phụ nữ, nhiễm Chla được xem là nguyên nhân chính gây viêm cổ tử cung xuất tiết. Từ đây, Chla có thể đi vào niệu đạo gây viêm niệu đạo, đi ngược lên đường sinh dục gây bệnh lý vùng chậu mà hậu quả có thể là thai ngoài tử cung hoặc vô sinh.
Tổn thương ban đầu mà Chlamydia gây ra thường không được chú ý.
Trong thai kỳ, Chla có thể gây vỡ ối non, nhiễm trùng ối, sinh non, nhiễm trùng hậu sản và nhiễm Chla cho trẻ sơ sinh. Về lâu dài, nhiễm đồng thời Chla và HPV – một loại virus, dễ có khả năng đưa đến ung thư cổ tử cung.
Chla có thể điều trị dứt điểm dễ dàng bằng nhiều loại kháng sinh như azithromycin, doxycyclin, erythromycin hay ofloxacin. Thế nhưng một khi nhiễm Chla đã có biến chứng thì việc chữa trị sẽ rất khó khăn và tốn kém, đặc biệt với tổn thương ống dẫn trứng do Chla trong điều trị vô sinh.
Do vậy, phòng bệnh vẫn là biện pháp chủ đạo. Cần giữ vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ, quan hệ tình dục an toàn (một vợ một chồng, dùng bao cao su), nên đi khám phụ khoa 2 lần/năm để tầm soát bệnh. Khi có những dấu hiệu khác lạ ở cơ quan sinh dục cần đi khám chuyên khoa để được điều trị sớm nhất, tránh các biến chứng.