Nội dung chính
- Xuất khẩu sầu riêng trong 10 tháng mang về hơn 3 tỷ USD cho Việt Nam.
- Các bài thuốc hay từ sầu riêng.
- Những lưu ý khi dùng sầu riêng.
Mới đây, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả ước đạt 6,4 tỷ USD, vượt mức kỷ lục 5,7 tỷ USD của cả năm 2023. Trong đó, sầu riêng là mặt hàng đóng góp lớn nhất, mang về hơn 3 tỷ USD trong 10 tháng, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, báo VnExpress đưa tin.
Bài thuốc hay từ sầu riêng
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết không phải ngẫu nhiên mà sầu riêng được thế giới yêu thích và mệnh danh là “vua của các loại trái cây”. Đây là loại quả có nhiều vitamin, chất khoáng tốt cho sức khỏe, trong đó phải kể tới: vitamin C, vitamin B6, axit folic, thiamin, riboflavin, vitamin, kali, sắt, canxi, magie, natri, kẽm, phốt pho, protein và chất xơ có lợi…
Không chỉ đơn giản là loại quả ăn tráng miệng, sầu riêng còn là một vị thuốc chữa bệnh, bồi bổ gan, thận.
Theo bác sĩ Vũ, trong Y học cổ truyền, tất cả các bộ phận của cây sầu riêng đều có thể làm thuốc chữa bệnh. Vỏ sầu riêng có tính ấm, vị cay nồng, ngọt, đi vào kinh: Phế, Can, Thận, có tác dụng thanh nhiệt, thanh hỏa, dưỡng âm, dưỡng ẩm cho da khô, bôi ngoài da ngứa. Lõi sầu riêng có tác dụng bổ thận, bổ tỳ. Rễ sầu riêng có thể dùng để chữa bệnh kiết lỵ kịch phát. Nhựa và lá cây có tác dụng giải độc, tiêu đờm, lá có tác dụng chữa bệnh vàng da, cầm máu.
Trong dân gian, sầu riêng còn thường dùng để tăng cường sinh lý cho đàn ông. Bài thuốc bổ thận tráng dương từ sầu riêng như sau: Chuẩn bị 1 quả sầu riêng gần chín khoảng 200g, 1 bộ bầu dục lợn. Sơ chế bầu dục lợn, thái nhỏ, sầu riêng tách múi thái mỏng xào cùng nhau. Ngày dùng 1 lần và dùng trong 5 ngày liên tục có thể giúp chữa chứng lãnh cảm, suy yếu tình dục.
Bác sĩ Vũ cho hay sầu riêng còn được dùng chữa di tinh, liệt dương. Cách dùng như sau: Sầu riêng chín tách múi, thêm 100ml nước, xay sinh tố uống ngày 2 lần, dùng trong 10 ngày.
Vỏ sầu riêng cũng là một vị thuốc bổ thận, tráng dương nhưng thường bị nhiều người vứt bỏ. Vỏ quả sầu riêng có tác dụng như hoàng kỳ, được sử dụng trong các bài thuốc nam giúp trợ dương.
“Dùng 15g vỏ quả sầu riêng, 10g đậu đen sao, 12g tang ký sinh, 15g hà thủ ô, 15g đỗ trọng, 15g cốt toái bổ, 8g vỏ quýt để sắc lấy nước uống. Đây là bài thuốc bổ thận, cứng gân cốt, kích thích tiêu hóa”, bác sĩ Vũ nói.
Với lá và rễ cây sầu riêng, cách dùng để chữa các bệnh về gan như sau: Rễ lá sầu riêng 10-16g, sắc với 600ml nước cho đến khi cạn còn 200ml, chia ra uống 2 lần trong ngày.
Sầu riêng là loại trái cây bổ dưỡng được nhiều người yêu thích và là vị thuốc chữa bệnh trong Đông y. Tuy nhiên, khi muốn dùng sầu riêng làm thuốc chữa bệnh, người dân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Lưu ý khi dùng sầu riêng
Theo bác sĩ Vũ, sầu riêng dù thơm ngon bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe, nhưng cũng không nên ăn quá nhiều. Với người đang có các vấn đề tiêu hóa không nên ăn sầu riêng do loại quả này có chứa một lượng lớn chất xơ, có thể gây tiêu chảy, đau bụng và đầy hơi.
Ngoài ra, một số người có thể bị dị ứng với sầu riêng. Khi ăn quá nhiều, họ có thể bị nổi mề đay, nôn mửa hoặc sổ mũi.
Do sầu riêng có tính nóng nên người đang đau họng ăn nhiều có thể bị khô họng và khan cổ. Những người bị mụn nhọt, nóng trong, âm hư, nội nhiệt cũng không nên ăn quá nhiều sầu riêng.
Bác sĩ Vũ cho biết thêm phụ nữ mang thai ăn sầu riêng có thể bị đầy hơi, khó tiêu.
4 KHÔNG khi ăn sầu riêng
Theo bác sĩ Vũ, khi ăn sầu riêng, mọi người cần chú ý đến 4 điều sau:
- Không ăn sầu riêng khi mới uống rượu xong vì có thể sinh nhiệt, không tốt cho cơ thể.
- Không ăn sầu riêng cùng với một số loại thực phẩm như: thịt bò, thịt cừu, thịt chó và hải sản vì có thể khiến cholesterol trong cơ thể tăng cao đột ngột.
- Không ăn sầu riêng cùng các loại gia vị cay nóng như: tiêu, ớt, gừng, tỏi… do có thể gây ra tình trạng nóng trong, bứt rứt, khó chịu trong người.
- Không ăn sầu riêng khi uống cà phê vì có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa. Nguyên nhân là do trong sầu riêng có chứa sulfur, khi kết hợp với cafein sẽ gây ức chế hoạt động của men aldehyd dehydrogenase.