Chè đắng, hay khổ đinh trà, khấu thụ phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Cạn, Hòa Bình. Loại cây này mọc rải rác trong rừng cây lá rộng, vùng núi đá vôi, bên sườn núi sau này được trồng, chế biến dưới nhiều dạng. Ngoài Việt Nam, cây chè đắng còn xuất hiện ở một số quốc gia như Trung Quốc, Argentina, Brazil,…Ở Trung Quốc ghi nhận chè đắng đã được sử dụng từ nhiều thế kỷ trước.
Lá bánh tẻ của cây chè đắng được thu hái, đem về tãi mỏng, phơi nắng nhẹ hoặc sấy nhỏ lửa cho khô, có thể cuộn thành cọng sau đó được sử dụng làm thuốc Đông y hoặc pha trà. Theo Đông y, chè đắng có tính hàn, lợi vào 3 kinh can, phế và vị có tác dụng tán phong nhiệt (giải nhiệt), thanh đầu mục (tỉnh táo đầu óc), dùng chữa đau đầu, đau răng, đau mắt đỏ, ù tai, nặng tai, kiết lỵ...
Chè đắng có vị đắng, uống vào có cảm giác ngọt ở họng, hương thơm mát, có thể pha uống hàng ngày để bồi bổ, giảm căng thẳng trí óc, giải nhiệt cơ thể trong thời tiết nắng nóng. Ngày chỉ nên dùng 1-2g lá chè đắng, có thể kết hợp với lá bạch quả, hãm với nước sôi trong bình kín.
Theo y học hiện đại, chè đắng có tác dụng tăng sức đề kháng, hạ huyết áp và mỡ máu, kích thích tiêu hóa, tiêu viêm, làm mát và bảo vệ gan, lợi mật, lợi tiểu,…Một số công dụng đã được chứng minh của loại lá này:
Hạ đường huyết
Lá chè đắng chứa nhiều chất chống oxy hóa như carotenoid, flavonoid có thể tăng độ nhạy insulin, làm giảm tình trạng kháng insulin và giảm viêm trong cơ thể, hỗ trợ kiểm soát đường huyết và điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2. Hoạt chất quercetin trong lá chè đắng có khả năng bảo vệ tuyến tụy - tuyến sản xuất hormone insulin khỏi những tổn thương.
Hạ huyết áp và mỡ máu
Một số nghiên cứu trong nước cho thấy lá chè đắng có công dụng hạ huyết áp, giảm cholesterol trong máu. Hợp chất saponin trong cây chè đắng có tác dụng ức chế sự hấp thụ cholesterol, giảm chất béo trung tính trong cơ thể, chống xơ vữa động mạch, bảo vệ tim mạch, ngăn ngừa nhiều bệnh mãn tính.
Tốt cho tiêu hóa
Trong lá chè đắng tươi có chứa 16 loại axit amin có tác dụng tăng cường quá trình trao đổi chất của cơ thể, kích thích hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, hỗ trợ kiểm soát cân nặng, giảm nguy cơ thừa cân, béo phì.
Lưu ý khi uống lá chè đắng
Lá chè đắng tốt cho sức khỏe nhưng không uống khi đói, quá đặc hoặc chè để lâu dẫn đến tình trạng say, gây hại cho cơ thể. Những đối tượng không nên dùng chè đắng vì có thể gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn: người có thể chất hư hàn, chân tay lạnh dùng chè đắng; người bị bệnh dạ dày; người đang bị cảm lạnh; phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt, sau sinh; người cao tuổi thể trạng yếu…
2 loại lá khác giúp hạ đường huyết
Lá nguyệt quế
Một nghiên cứu được đăng trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ cũng chỉ ra rằng lá nguyệt quế có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, ngăn ngừa bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch nhờ chất chống oxy hóa polyphenol.
Uống trà lá nguyệt quế có thể cải thiện độ nhạy insulin và giảm lượng đường trong máu tăng đột biến sau bữa ăn. Loại lá này cũng chứa các enzyme hỗ trợ tiêu hóa, giảm mức độ căng thẳng, điều trị các bệnh về đường hô hấp.
Lá sa kê
Trong các bài thuốc Đông Y trị tiểu đường, lá sa kê thường kết hợp với trái đậu bắp và lá ổi non, đem sắc nước uống hàng ngày. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng lá sa kê chứa hoạt chất kiểm soát đường huyết, kích thích tuyến tụy sản sinh insulin, góp phần ổn định đường huyết một cách hiệu quả.
Lá sa kê còn có đặc tính kháng viêm, lợi tiểu, mát gan, từ đó lưu thông máu tốt về thận nên rất hiệu quả trong việc giảm viêm ở các khớp xương, đào thải axit uric, ngừa bệnh gút.