Hàng nghìn người chết mỗi năm
Ngày 8/2/2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường ký, ban hành Quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Theo đó, căn cứ trên các bằng chứng khoa học khẳng định các hoạt chất này gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường.
Đánh giá về Quyết định này của Bộ NNPTNT, Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Quyền phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là việc có thể cứu sống được cả nghìn người mỗi năm.
Thạc sĩ Nguyên cho biết trước đây, số ca ngộ độc Paraquat chỉ một vài ca nhưng khoảng 10 năm nay thì số bệnh nhân tăng dần lên, cụ thể như năm 2014: 300 ca, năm 2015 có 350 ca, 2016 khoảng 450 đó chỉ là con số của riêng trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai.
Thạc sĩ Nguyên cho biết nếu cộng cả nước vào thì con số này có thể lên tới hơn 1000 người ngộ độc Paraquat/năm.
Paraquat cực kỳ độc
Theo thạc sĩ Nguyên với tỷ lệ tử vong trên 70% thì mỗi năm cũng có khoảng 1000 người chết do hoá chất Paraquat. Đây là hoá chất trừ cỏ cực độc mặc dù trên động vật và nông nghiệp nó là chất độc cấp độ 2 nhưng thực tế trên con người phải độc cấp độ 1.
Paraquat khi vào cơ thể nó gây tổn thương tất cả các cơ quan trong cơ thể đường tiêu hoá, tình trạng tổn thương phổi, phổi bị xơ và xơ tiến triển không hồi phục và khi bệnh nhân đã tổn thương khó thở chắc chắn sẽ tử vong.
Thạc sĩ Nguyên cho biết chỉ cần 1 ngụm nhỏ khoảng 5ml thì bệnh nhân đã có thể ngộ độc. Với tình trạng ngộ độc cấp tính, bệnh nhân tử vong vài ba ngày nhưng có bệnh nhân 1 tuần tới 3 tháng sau mới tử vong.
Không thể sơ cứu
Thạc sĩ Nguyên cho biết, hiện nay các nhà sản xuất thuốc Paraquat đã đưa ra các chỉ danh thuốc này độc như màu xanh hoặc xanh da trời, có kèm thuốc chống nôn và mùi vị rất khó uống nhưng với những người mắc bệnh trầm cảm muốn tự tử thì họ vẫn uống.
Cái khó của chất này trên thế giới bằng mọi cách nghiên cứu, thử nghiệm bằng mọi cách để điều trị cấp cứu cho bệnh nhân nhưng dù cố gắng hết sức, đưa ra nhiều biện pháp triển khai đánh giá trên bệnh nhân tuy nhiên hiệu quả chữa bệnh rất hạn chế.
Thạc sĩ Nguyên cho biết các thành phần của Paraquat lại rất "ái lực" với khí oxy nên khi cấp cứu cho bệnh nhân nếu cho bệnh nhân thở oxy thì tình trạng càng nặng hơn mà không thở oxy thì bệnh nhân cũng chết nên nhiều khi bác sĩ "đánh vật" với người bệnh.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ về ngộ độc Paraquat
Khi uống paraquat triệu chứng của người bệnh là khô rát họng, không thấy khó thở thì lở loét miệng có bệnh nhân vào cấp cứu, chữa lở loét miệng, chữa tiêu hoá chứ không phải là ngộ độc paraquat ở những bệnh nhân tự tử họ không nói mình đã uống thuốc trừ cỏ.
Theo thạc sĩ Nguyên, khi người bệnh uống thuốc này thì không thể sơ cứu vì bản thân thuốc này có chứa thành phần gây nôn, giảm hấp thu ở dạ dày nhưng khi vào cơ thể bằng đường miệng thì phổi lại hấp thu nhiều nhất và bệnh nhân bị xơ phổi không hồi phục.
Nếu bệnh nhân có dấu hiệu xơ phổi thì không thể qua khỏi được. Để nhận biết dấu hiệu xơ phổi phải từ 2 đến 3 tuần thậm chí 3 tháng sau bệnh nhân mới có dấu hiệu khó thở, xơ phổi và tử vong.
Cái khổ nhất của ngộ độc Paraquat là bệnh nhân tỉnh táo tới lúc chết chứ không hôn mê vật vã như các loại ngộ độc khác.
Hiện tai Trung tâm Chống độc cấp cứu cho 3 bệnh nhân ngộ độc Paraquat và ngay trong chiều 14/2, một bệnh nhân sinh năm 1946 ở Đông Anh, Hà Nội có dấu hiệu khó thở và người nhà đã xin cho bệnh nhân về nhà.
Thạc sĩ Nguyên chia sẻ, hầu như ngày nào Trung tâm cũng cấp cứu trường hợp ngộ độc Paraquat nên việc Bộ NNPTNT loại Paraquat ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật thực sự là một điều rất tốt để tránh được cái chết cho hàng nghìn người mỗi năm do Paraquat gây ra.