Theo Tiến sĩ - Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam, hạt tiêu là loại gia vị phù hợp với nhiều thực phẩm, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe mà có thể chúng ta chưa biết.
Hạt tiêu từng được coi là một mặt hàng xa xỉ ở châu Âu thời Trung Cổ. Khi đó, chúng còn được sử dụng như tiền tệ.
Theo y học cổ truyền, hạt tiêu có vị cay, tính nóng, có mùi thơm; có tác dụng trừ hàn, làm ấm bụng, giảm đau, tiêu thực, kích thích sự tiết dịch vị kháng khuẩn, diệt trùng,... Hạt tiêu thường dùng làm thuốc kích thích tiêu hoá, giảm đau, trị đau bụng lạnh, tiêu chảy, nôn mửa, sâu răng.
Hạt tiêu (ảnh minh hoạ)
TS Giang cho biết, các món ăn dùng hạt tiêu đen có thể giúp loại bỏ chứng ợ nóng, khó tiêu và đầy hơi do loại hạt này kích thích dạ dày giải phóng axit clohydric (HCl). Chính axit này giúp cải thiện tiêu hóa. Hạt tiêu đen đã được chứng minh là có tác dụng chống oxy hóa và kháng khuẩn, do đó nó có thể tăng cường sức khỏe của đường tiêu hóa.
Ăn hạt tiêu cũng được chứng minh giảm nguy cơ ung thư. Hạt tiêu đen chứa một hợp chất hoạt tính sinh học tương tự capsaicin gọi là piperine. Hợp chất này có thể ngăn chặn các khối u.
Báo cáo gần đây của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ đã nghiên cứu tác dụng của piperine đối với bệnh béo phì và tiểu đường. Các nhà nghiên cứu phát hiện piperine giúp điều chỉnh tốc độ trao đổi chất của cơ bắp khi nghỉ ngơi, từ đó có thể giảm thiểu béo phì và tiểu đường.
TS Giang cho biết thêm, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dược học Ấn Độ đã được tiến hành trên chuột, cho thấy hạt tiêu có tác dụng giảm lipid và giảm cân.
Ngoài ra, hạt tiêu còn được biết tới với tác dụng kiểm soát huyết áp. Nghiên cứu của Đại học Comenus ở Slovakia trên chuột cho thấy rằng uống piperine có trong hạt tiêu, có thể ngăn ngừa tăng huyết áp.
TS Giang lưu ý, piperine trong hạt tiêu hoạt động như một chất gây kích ứng. Do đó, ngửi hạt tiêu có thể gây hắt hơi hoặc để hạt tiêu rơi vào mắt có thể gây bỏng.
Người có dấu hiệu nổi mề đay, ngứa ran hoặc ngứa trong miệng, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa, thở khò khè,... thì không nên sử dụng hạt tiêu vì có thể bị dị ứng. Nếu dị ứng ở mức nặng nên đi khám bác sĩ. Cũng vì đặc tính này, mọi người nên cẩn trọng khi cho trẻ nhỏ dùng hạt tiêu.
Ngọc Minh