Loại củ ngâm rượu 'ông uống bà vui'

Thúy Phương |

Sâm cau được nhiều người săn lùng mua về ngâm rượu vì nó được quảng cáo là một trong những bài thuốc tăng cường sinh lý nam giới.

Anh Đức K. (Hà Đông, Hà Nội) bán củ sâm cau trên mạng cho biết, củ sâm cau anh nhập từ Tây Bắc về bán với giá 175 nghìn đồng/kg (sâm cau tươi, màu đỏ), giá sâm cau đen đắt hơn. Sâm cau rừng còn đắt đỏ hơn nữa, giá có thể lên tới tiền triệu/kg.

Từ 7 năm trước, một lần, anh được người quen gửi tặng củ sâm cau, bản thân anh cũng ngại vì không biết tác dụng của nó như thế nào, chỉ được mách tốt cho cánh mày râu.

Anh K. dùng và thấy tác dụng cho chuyện chăn gối. Đây là một lựa chọn sáng suốt giúp nam giới lấy lại sự “mạnh mẽ” của mình. Trước mỗi bữa ăn sử dụng một ly nhỏ rượu sâm cau sẽ giúp cho bạn tự tin trong quan hệ vợ chồng.

Anh K. khẳng định các quý ông sử dụng củ sâm rừng ngâm rượu sẽ mang lại hiệu quả 'ông uống bà khen hay', một người dùng hai người vui. Một kg sâm cau tươi có thể ngâm với 3 lít rượu trắng có độ cồn khoảng 40 độ và chỉ sau 10 ngày là có thể uống được.

Tuy nhiên, anh Bùi Văn Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) lại cho rằng đó là chiêu quảng cáo. Anh Minh cũng nghe người ta mách sâm cau tốt cho 'chuyện ấy'. Anh mua 2 kg sâm cau rừng tươi về ngâm với 5 lít rượu và bản thân anh cho rằng uống cho vui còn tác dụng tăng bản lĩnh phái mạnh thì chưa thấy.

Theo bác sĩ Hoàng Sầm – Chủ tịch Viện Y học bản địa Việt Nam, sâm cau đỏ có tên khoa học là Curculigo Orchioides Gaertn, thuộc Bộ Măng Tây (Asparagales), họ Tỏi Voi Lùn (Hypoxidaceae). Loại thảo dược này được tìm thấy ở Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Philippiness và các nước Đông Dương.

Ở Việt Nam cây mọc hoang trên các đồi cỏ, ven rừng, sườn núi đại ngàn Tây Bắc. Thảo dược này cũng được tìm thấy trên vùng đồi núi Lang Biang, vùng đồi núi cao ở Lâm Đồng.

Loại củ ngâm rượu ông uống bà vui - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.


Sâm cau chứa các nhóm hợp chất Phenols and phenolic glycosides, lignans and lignan glycosides, triterpenes and triterpenoid, Flavones, Alksloids, Polysaccharides, Aliphatic…

Theo quan niệm của đông y về tính vị của sâm cau: Sâm cau vị cay, tính ấm, hơi độc. Công dụng ôn thận tráng dương, khử hàn trừ thấp, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như phong thấp, tâm căn suy nhược, liệt dương, ho, trĩ, hoàng đản hay bệnh vàng da, tiết tả, ghẻ, viêm da (dùng ngoài giã nát)...

Theo nghiên cứu của dược lý học hiện đại, sâm cau có tác dụng tăng cường công năng miễn dịch, nâng cao năng lực hoạt động của tuyến sinh dục, chống lão hóa, tăng cường khả năng chịu đựng của cơ thể trong điều kiện thiếu dưỡng khí, trấn tĩnh, chống co giật, kháng viêm, chống huyết tắc, chống nấm, kháng ung thư và nâng cao khả năng chịu nóng của cơ thể. Ngoài ra, sâm cau còn có tác dụng cường tim và làm giãn mạch vành.

Dịch chiết sâm cau có tác dụng ức chế phosphodiesterase 5 (PDE5) mạnh và đặc hiệu, dịch chiết còn có thể gây giãn cơ trơn thể hang theo cơ chế độc lập với con đường No/CGMP – đây là con đường sinh lý chính điều hoà chức năng cương dương ở nam giới.

Người ta nghiên cứu sâm cau trong vấn đề chữa yếu sinh lý như sau:

Liều 100 mg/kg/ngày của dịch tiết ethanol sâm cau làm tăng hành vi cương cứng dương vật trên chuột.

Liều dùng 100 mg/kg/ngày của dịch tiết ethanol sâm cau làm tăng số lượng tế bào sinh tinh trùng và kích thước ống dẫn tinh trên chuột bạch.

Đáp ứng cương dương được đánh giá bằng cách ghi liên tục áp lực cơ nang dương vật và áp lực mạch hệ thống. Tiêm tĩnh mạch dịch chất sâm cau gây ức chế PDE 5 đã tạo ra điều kiện thuận lợi cho sự cương cứng do kích thích thần kinh vùng chậu tăng, tăng áp lực cơ nang dương vật và áp lực động mạch.

'Đến thời điểm hiện tại, các nghiên cứu về sinh lý, dược lý của sâm cau với tác dụng chữa yếu sinh lý vẫn cần đánh giá thêm trên lâm sàng' – BS Sầm nói.

Hiện sâm cau được dùng chủ yếu thuốc bổ, chữa ho, trĩ, vàng da, tiêu chảy, đau bụng, lậu. Ngoài ra, giã nát đắp lên nơi bị ghẻ, lở loét cũng có tác dụng.

Với người dùng chữa phong tê thấp, lưng lạnh đau, thần kinh suy nhược, liệt dương có thể dùng dạng bột phơi khô hoặc ngâm rượu sâm cau để uống.

Tuy nhiên, khi dùng sâm cau, bác sĩ Sầm lưu ý người có thể trạng hỏa vượng; da khô, gầy yếu, lòng bàn chân bàn tay ấm, hay sốt nhẹ vào buổi chiều, dễ ra mồ hôi trộm, tiểu tiện vàng đỏ, đại tiện táo, nóng bứt rứt trong người… thì không nên dùng sâm cau trị bệnh. Người thể trạng kém, quá hư yếu cũng không nên dùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại