Loại côn trùng có nọc độc gấp 12-15 lần rắn hổ mang khiến bé gái 8 tuổi nhập viện

Mộc Trà |

Bé gái 8 tuổi về quê chơi, sau khi ngủ dậy thì phát hiện những vệt trợt loét, nề đỏ, chảy dịch vàng.

ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành, Hội Da liễu Việt Nam vừa tiếp nhận bé gái 8 tuổi trong tình trạng vùng nách trợt loét, nề đỏ, chảy dịch vàng do tiếp xúc với kiến ba khoang. Bé đau rát không ăn, không ngủ được và khóc trong suốt quá trình được bác sĩ thăm khám.

Mẹ bé kể lại 5 ngày trước, bé có về quê chơi, sau khi ngủ dậy thấy nách của bé bị vệt đỏ, phù. Con kêu đau rát nhiều và khóc.

"Điều đáng tiếc là bố mẹ lại tưởng con bị bệnh đơn giản nên đã điều trị bằng dân gian, tự ý mua thuốc acyclovir về uống và bôi, tắm bằng lá cây khiến tổn thương nhiễm khuẩn, lan rộng hơn và nguy cơ cao để lại vết thâm, sẹo vĩnh viễn", BS Thành cho hay.

Sau khi thăm khám, BS Thành điều trị cho bệnh nhi theo phác đồ: Dùng các dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ, kết hợp kháng sinh, kháng histamin tổng hợp, thuốc giảm đau... Sau 2 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhi đã cải thiện.

Loại côn trùng có nọc độc gấp 12-15 lần rắn hổ mang khiến bé gái 8 tuổi nhập viện - Ảnh 1.

Kiến ba khoang là loài vật nguy hiểm (Ảnh minh họa)

Theo BS Thành, hàng năm, cứ đến mùa mưa, khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10, số người bị tổn thương do kiến ba khoang lại tăng đột biến. "Từ đầu tháng 6 đến nay, bác sĩ đã tiếp nhận hàng chục bệnh nhân đến khám vì viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, trung bình mỗi ngày 5-7 ca, tăng đột biến gấp nhiều lần so với những tháng trước", BS Thành nói.

BS Thành phân tích, kiến ba khoang là loại côn trùng nguy hiểm. Độc tố trong kiến ba khoang mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang.

Chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da) nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị tác động hoặc bị chà xát hay bị giết, chúng giải phóng dịch lỏng coelomic có chứa paederin - một hóa chất gây phồng rộp da rất mạnh. Ban đầu, bệnh nhân có thể thấy hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da. Sau 6-12 giờ, vùng tổn thương có thể hơi nề, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều 1-5mm, 1-3 ngày sau thành phỏng nước có mủ. Lúc này, bệnh nhân có thể thấy đau, rát càng tăng.

Thậm chí, khi tiếp xúc với chất gây độc của kiến ba khoang nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng.

BS Thành chia sẻ rất nhiều người sai lầm khi coi viêm da tiếp xúc là bệnh zona, điều trị bằng acyclovir là không đúng, khiến tổn thương lan rộng hơn. Một số người còn chủ động bắt kiến ba khoang với hy vọng chữa được bệnh nấm da, hạt cơm…

"Cách làm này rất nguy hiểm, có thể khiến cho độc tố của kiến ba khoang phát tán, gây sốt, nhiễm trùng ở da... Do đó, điều tối kỵ là không được để dịch tiết của kiến ba khoang tiếp xúc với cơ thể. Nếu nhìn thấy kiến khoang trên người thì không nên dùng tay không để đập mà tốt nhất nên có tờ giấy để kiến khoang bò ra giấy sau đó lấy ra khỏi người", BS Thành lưu ý.

Loại côn trùng có nọc độc gấp 12-15 lần rắn hổ mang khiến bé gái 8 tuổi nhập viện - Ảnh 2.

Thăm khám cho bệnh nhân (Ảnh: BSCC)

Khuyến cáo phòng tránh kiến ba khoang

BS Thành khuyến cáo, vào mùa mưa khi trời tối, côn trùng theo ánh đèn bay vào buồng làm việc, buồng ngủ, buồng tắm. Những người bị côn trùng rơi vào cổ mặt, phần hở thân mình vô tình đưa tay quệt, đập làm côn trùng có chứa chất pederin tiết lên da gây viêm da, phỏng nước.

Để tránh kiến ba khoang, người dân nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí (nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng…) khi thắp đèn. Bên cạnh đó, nên thường xuyên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ, giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.

Khi đi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa mưa bão, cần dùng phương tiện bảo hộ lao động và có thể xử lý diệt kiến bằng phun deltamethrin, alpha cyhalothrin, permethrin ở những vị trí mà kiến hay tập trung gần người. Nếu đã tiếp xúc (hoặc nghi ngờ tiếp xúc) với kiến ba khoang, người dân không dùng tay trần để bắt, giết, miết kiến.

Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý, xà phòng, tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác. Sau đó, cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.

BS Thành còn nhấn mạnh viêm da do kiến ba khoang thường khỏi nhanh trong vòng 1 tuần nếu xử trí đúng cách, tuyệt đối không nên đắp lá cây hoặc tự ý bôi thuốc theo quan điểm dân gian để tránh bị nhiễm trùng và sẹo.

Loại côn trùng có nọc độc gấp 12-15 lần rắn hổ mang khiến bé gái 8 tuổi nhập viện - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại