Thành phần dinh dưỡng của cá diếc
Cá diếc là cá nước ngọt có thể sinh sản tự nhiên hoặc được nuôi trong ao đầm. So với các loại cá khác, cá diếc lành, người già, trẻ nhỏ, người mới ốm dậy đều ăn được, giá rất rẻ.
Cá diếc có thịt dày, vị thơm, lành tính. Theo Đông y, cá có tác dụng ổn trung, bổ hư, lợi tiểu, kiện tỳ (tốt cho cơ quan tiêu hóa), hóa thấp. Thấp trong Đông y là âm tà gây tổn hại dương khí. Người bị thấp cảm thấy mệt mỏi, nhạt mồm miệng, ăn uống không ngon, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Vì vậy, người có triệu chứng trên chọn ăn cá diếc sẽ cải thiện rất tốt.
Cá diếc giàu protein, các axit amin chất lượng cao, liên kết chất đạm lỏng lẻo nên dễ hấp thu trong đường tiêu hóa hơn các loại thịt. Protein từ cá giúp tái tạo cơ tốt, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Với người mới ốm dậy, đặc biệt bệnh nhân ung thư điều trị hóa chất, xạ trị, đây là món ăn bồi bổ giá rẻ cho họ.
Ngoài ra, thành phần của cá diếc còn chứa các chất béo tốt như omega-3, axit eicosapentaenoic, vitamin A, vitamin D, B1, B2, vitamin E, niacin có tác dụng ngăn ngừa oxy hóa, điều trị xơ vữa động mạch, phòng chống ung thư. Trong 100g thịt cá diếc chứa lipid 1,8mg, canxi 70mg, phốt pho 152mg, sắt 0,8mg.
Các món ăn từ cá diếc
Canh cá diếc trị suy nhược cơ thể: Bạn có thể nấu canh cá diếc với ngải cứu. Nguyên liệu gồm 250g lá ngải, cá diếc và gia vị.
Bạn chọn con cá vừa phải, đánh vảy, làm sạch, hấp cách thủy hoặc hầm nhừ lửa nhỏ để thịt cá không vỡ và ăn cả xương. Một tuần, bạn ăn từ 2-3 bữa. Canh cá giúp ôn bổ khí huyết, kích thích tiêu hóa phù hợp với người suy nhược, mới ốm dậy.
Các diếc nấu canh lá vông trị mất ngủ: Cá diếc 300g, lá vông không quá già, hoa thiên lý 50g và các gia vị. Hấp cá lọc lấy thịt. Xương cá giã nhỏ lọc lấy nước. Xào phần thịt cá với hành cho thơm và đổ phần nước xương đun sôi rồi cho lá vông và hoa thiên lý cùng với phần cá nạc. Ăn canh khi nóng ấm giúp chữa chứng khó ngủ, an thần.
Ai không nên ăn cá diếc
Cá diếc là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, tuy nhiên không phải ai cũng nên ăn. Dưới đây là những đối tượng không nên hoặc hạn chế ăn cá diếc:
Người có cơ địa dị ứng với cá: Những người có tiền sử dị ứng với các loại cá nói chung hoặc hải sản nên tránh ăn cá diếc để phòng ngừa các phản ứng dị ứng nguy hiểm.
Người mắc bệnh gút: Cá diếc chứa hàm lượng purine cao, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành axit uric, làm tăng nguy cơ gây ra các cơn đau do gút.
Người mắc bệnh về gan, thận: Người bị suy giảm chức năng gan, thận cần hạn chế ăn cá diếc vì lượng đạm cao trong cá có thể làm tăng gánh nặng cho các cơ quan này.
Người bị rối loạn chảy máu: Cá diếc có chứa chất có khả năng ức chế kết tập tiểu cầu, làm giảm khả năng đông máu. Vì vậy, những người có vấn đề về đông máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu nên tránh ăn cá diếc.
Ngoài ra, những người đang mang thai hoặc cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn cá diếc.