Cá quả hay còn được gọi là cá lóc, cá chuối, cá sộp... là loại cá được nhiều người yêu thích bởi thịt cá vị ngọt, mềm, ít mỡ, chứa nhiều khoáng chất và các vitamin bổ sung năng lượng cho cơ thể.
Không chỉ là nguyên liệu chế biến nhiều món ngon khó cưỡng như cá quả hấp, cá quả nướng, canh chua cá quả, cháo cá quả, loài này còn là vị thuốc chữa bệnh hiệu quả. Vì thế mà loại cá này được mệnh danh là nhân sâm của người nghèo.
Dưới đây là những tác dụng tuyệt vời của cá quả đối với sức khoẻ.
Thành phần dinh dưỡng của cá quả
Bài viết của BS Phương Thảo trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết, cá quả rất giàu protein, acid amine, chất béo, Ca, P, Fe và các sinh tố. Cá quả nhiều thịt nạc mềm, ít mỡ, vị ngon. Thường được nấu dạng kho khô, kho nhỡ, cá nấu, cá hấp.
Theo Đông y, cá quả vị ngọt, tính bình; vào tỳ, vị, thận. Nó có tác dụng kiện tỳ, lợi thủy, khứ ứ sinh tân, khu phong thanh nhiệt.
Cá quả dùng tốt cho người đau khớp, phong thấp, phù nề, lở ngứa, trẻ em ăn kém chậm tiêu, trĩ. Ngày dùng 100 - 200g, có thể kho, nấu, hầm, chiên nướng, làm ruốc, hấp.
Tác dụng của cá quả
Báo Phụ nữ Việt Nam dẫn lời BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3 cho biết, theo y học hiện đại, thịt cá quả chứa nhiều protid, lipid, các muối canxi, sắt và cung cấp vitamin B2, vitamin PP.
Cá quả là thực phẩm hoàn hảo để bồi bổ cho người mới ốm dậy, thể trạng suy yếu. Không chỉ bổ dưỡng, cá quả còn là thực phẩm dễ tiêu hoá.
Theo bác sĩ Vũ, cá quả được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là lệ ngư. Thịt cá được dùng bồi bổ và chữa bệnh.
Theo Đông y, cá quả vị ngọt, tính bình, không độc đi vào tỳ, vị và thận. Cá quả được dùng trong các bài thuốc kiện tỳ, lợi thuỷ, khứ ứ sinh tân, tiêu viêm, khu phong thanh nhiệt. Cá quả dùng cho các trường hợp đau khớp, phong thấp, phù nề, lở ngứa, trẻ em ăn kém, chậm tiêu, trĩ.
Trong dân gian, cá quả thường được dùng để bồi bổ cho các trường hợp trẻ con gầy yếu, hay ra mồ hôi trộm. Dùng 100g cá quả rửa sạch nhớt bằng nước sôi, lọc lấy thịt, thái nhỏ, rán cho vàng thơm, nấu với 300ml nước, thêm muối cho vừa ăn. Cho trẻ ăn cả cái lẫn nước trong một ngày. Dùng liên tục trong 3 ngày.
Ngoài ra, cá quả còn được chế biến thành ruốc. Ruốc cá quả rất thích hợp dùng cho người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em suy nhược, gầy yếu chán ăn; ăn kèm trong các bữa ăn, mỗi đợt 5-7 ngày.
Một số món ăn bài thuốc chữa bệnh từ cá quả
BS Phương Thảo hướng dẫn một số món ăn, bài thuốc từ cá quả như sau:
Ruốc cá quả: Cá quả 1 con khoảng 1kg làm sạch vảy, bỏ ruột, đầu đuôi, cắt khúc, cho mắm muối, bột tiêu, gừng đập giập, không cho hành và mì chính, cho ít nước sôi kho chín, gỡ bỏ xương, giã thành ruốc, thêm muối tiêu và chút bột gừng đảo khô lại trên chảo, để nguội cho vào lọ sạch đậy nắp kín, ăn kèm trong các bữa ăn. Ăn từng đợt 5 - 7 ngày. Thích hợp cho người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em suy nhược, gầy yếu chán ăn.
Cá lóc nấu đậu đỏ: Cá lóc 1 con 300g, đậu đỏ 100g. Cá làm sạch vảy, bỏ ruột, đầu đuôi, cắt khúc; thêm mắm, muối, bột tiêu, gia vị, nước nấu nhừ. Ăn 1 lần trong ngày, đợt 5 - 7 ngày. Chữa thận hư nhiễm mỡ.
Canh cá lóc đậu đỏ bí đao: Cá lóc 1 con 300g, đậu đỏ 50g, bí đao 200g. Cá làm sạch vảy, bỏ ruột, đầu đuôi, cắt khúc; bí đao gọt vỏ thái lát. Cá và đậu đỏ ninh cho nhừ, cho bí đao vào, đun thêm 30 phút, thêm ít đường phèn (30 - 50g). Ăn trong ngày. Tác dụng thanh nhiệt, tiêu thũng.
Canh cá lóc hoàng kỳ, hồng sâm: Cá lóc 1 con 300g, đông quỳ tử 24g, sinh hoàng kỳ 30g, hồng sâm 10g, hoài sơn 30g. Cá làm sạch vảy, bỏ ruột, đầu đuôi, cắt khúc; đông quỳ tử và hoàng kỳ cho vào túi vải; hồng sâm thái phiến. Tất cả cho vào nồi, thêm nước vừa đủ đun nhỏ lửa trong 2 giờ. Ăn một lần.
Tác dụng: Bổ nguyên khí, thông tiểu. Dùng tốt cho người sau phẫu thuật tuyến tiền liệt, suy yếu, mệt mỏi, đoản hơi, sắc mặt nhợt nhạt.
Cá lóc nướng: Cá lóc 1 con, trát đất xung quanh, vùi vào đống lửa đến khi đất khô nứt nẻ là cá chín. Bóc bỏ lớp đất, bỏ ruột, chấm mắm nêm, ăn với bánh tráng, lá dấp cá và các rau thơm khác. Tác dụng: bổ nguyên khí, mát máu, thông tiểu.
Trên đây là những tác dụng của cá quả với sức khoẻ. Với những tác dụng trên chắc hẳn bạn đã hiểu vì sao cá quả lại được mệnh danh là nhân sâm của người nghèo rồi chứ.
(Tổng hợp)