Dù Đan Mạch đặt mua 27 tiêm kích F-35 , song ít nhất 5 chiếc F-35 của Đan Mạch sẽ hoạt động thường trực trên đất Mỹ.
“Một số máy bay của Đan Mạch sẽ ở lại trên đất Mỹ bởi các phi công Đan Mạch sẽ tham gia khóa huấn luyện tại Arizona, còn 22 chiếc F-35 sẽ tới Đan Mạch”, đại sứ Mỹ tại Đan Mạch Carla Sands chia sẻ với tờ Jyllands-Posten.
“Đây là số lượng máy bay không nhiều so với 38 – 40 chiếc F-16 mà các ngài đang sở hữu. Thực tế là số máy bay này cũng đang giảm, do đó Đan mạch nên cân nhắc thêm”, bà Sands nói.
Còn theo Bộ Quốc phòng Đan Mạch, chỉ 30 tiêm kích F-16 đang được quân đội nước này sử dụng.
Ngoài ra, bà Sands cũng nhấn mạnh tới việc năng lực trinh sát và sức mạnh không quân của NATO hiện không đủ để hoạt động ở khu vực Bắc Cực. Do đó, Washington hối thúc Copenhagen hoàn thành lời hứa trong vòng 3 năm nhằm tăng cường năng lực phòng thủ và trinh sát.
Lời bình luận của đại sứ Sands liên quan tới bản báo cáo năm 2016 từ Bộ Quốc phòng Mỹ về những nhiệm vụ triển khai tại Bắc Cực, khu vực mà Washington quan ngại về sự hiện diện của quân đội Nga .
Chi tiêu quân sự hiện là vấn đề nhạy cảm ảnh hưởng tới quan hệ giữa Mỹ và Đan Mạch. Theo đó, Washington đã yêu cầu các quốc gia thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên ít nhất là 2% GDP.
Dù Đan Mạch đã đồng thuận thông qua một khoản chi tiêu trị giá gần 5,2 tỷ USD để tăng ngân sách quốc phòng từ 1,35% lên thành 1,5% GDP vào năm 2023, nhưng con số này vẫn chưa đạt được mục tiêu mà Mỹ đề ra là 2% GDP.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Trine Bramsen lại nhấn mạnh rằng hiện quốc gia này không có kế hoạch mua thêm các chiến đấu cơ.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn từ năm 2023 – 2027, Đan Mạch sẽ tiếp nhận tổng cộng 27 chiếc F-35 do Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. Trước đó, thương vụ mua tiêm kích F-35 của Mỹ đã gây ra làn sóng tranh cãi chính trị dài ngày tại Đan Mạch liên quan tới vấn đề tiếng ồn của động cơ máy bay.