Tại buổi làm việc, TS.BS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay trên cả nước ghi nhận 2.421 trường hợp nghi mắc sởi trong đó có 2.143 trường hợp chưa tiêm chủng . Qua xét nghiệm xác định 954 trường hợp dương tính với sởi. Ngoài nhóm trẻ mắc sởi phổ biến nhất là từ 1 đến 5 tuổi, thống kê cho thấy có đến 30% trẻ mắc sởi trước 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm chủng).
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, ngành y tế thành phố đã tiến hành khảo sát miễn dịch cộng đồng đối với bệnh sởi. Kết quả cho thấy từ năm 2022 đến năm 2024 mẫu huyết thanh được lấy ở trẻ để kiểm tra kháng thể với bệnh sởi luôn thấp hơn 95%. Cụ thể, các mẫu huyết thanh được lấy ở Bệnh viện Nhi đồng 1, kháng thể bệnh sởi ở trẻ chỉ đạt 71,4%. Tỷ lệ dương tính với kháng thể có xu hướng thấp hơn ở nhóm từ 5 đến 15 tuổi.
“Đây có thể là do sự suy giảm nồng độ kháng thể theo thời gian hoặc chưa được tiêm đủ vắc xin. Điều này giải thích sự gia tăng của số ca bệnh sởi thời gian qua trên địa bàn TPHCM cũng như sự xuất hiện của các ca bệnh lớn tuổi” – PGS Tăng Chí Thượng nói.
Hiện nay, tiêm vắc xin là phương án tối ưu đang được ngành y tế triển khai với mục tiêu sớm đẩy lùi sự lây lan của dịch sởi . Các nghiên cứu cho thấy chỉ sau 3 ngày tiêm vắc xin cơ thể đã có miễn dịch, ngày thứ 7 miễn dịch sẽ đủ bảo vệ, ngày 42 đến ngày 56 sẽ đạt kháng thể cao nhất. Tuy nhiên, việc tiêm quá liều vắc xin (quá 2 mũi) theo khuyến cáo của nhà sản xuất đang là vấn đề nhiều chuyên gia y tế lo ngại về nguy cơ tai biến cho trẻ.
TS.BS Hoàng Minh Đức cho biết, trong công bố dịch của TPHCM có nội dung sẽ tổ chức tiêm đại trà, không cần để ý tiền sử tiêm chủng ở trẻ. Tuy nhiên, các chuyên gia của hội đồng tiêm chủng Bộ Y tế và đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã họp lại và xem xét các vấn đề liên quan đến tiêm vắc xin sởi. Đến nay, từ nhà sản xuất đến các chuyên gia và WHO đều khuyến cáo chỉ tiêm 2 mũi vắc xin. Theo ông Đức, chưa có nghiên cứu nào về việc tiêm mũi 3 hoặc mũi 4. Bộ Y tế cũng có thông tư hướng dẫn vắc xin sởi chỉ tiêm 2 mũi.
Từ thực tế trên, các chuyên gia của Bộ Y tế cho rằng khi tiêm chiến dịch cần cân nhắc rà soát đối tượng, không phải tiêm đại trà cho tất cả các trường hợp. “Trong tình huống khi tiêm đại trà có những trẻ tiêm đến mũi thứ 3 hoặc thứ 4 nếu có vấn đề gì thì quy định của pháp luật không có, nghiên cứu khoa học không thấy, nhà sản xuất cũng không chỉ định, cấp phép cũng không có thì rủi ro thuộc về nhân viên y tế. Các cháu khi đi tiêm bà mẹ hoặc gia đình cần phải rà soát lịch sử tiêm chủng của con em mình. Nhân viên y tế sẽ đề nghị phụ huynh ký vào giấy xác nhận về lịch sử tiêm chủng của trẻ để tránh rủi ro có thể xảy ra” – TS Minh Đức nói.
Theo ý kiến của Thầy thuốc Nhân dân Bạch Văn Cam, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1, các vắc xin tiêm chủng đều có nguy cơ tai biến. Để đạt được miễn dịch cộng đồng cần bao phủ trên 95% đối tượng tiêm chủng. Tiêm vắc xin sởi đại trà cho trẻ là cần thiết, tuy nhiên khuyến cáo y văn chỉ tiêm 2 mũi thì cần phải tuân thủ. Do đó, khi khai thác lịch sử tiêm chủng nếu trẻ đã đủ 2 mũi ngừa sởi thì không cần tiêm thêm. Nếu trẻ mới tiêm 1 mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng thì tiến hành tiêm ngừa.
Liên quan đến chiến dịch tiêm vắc xin ngừa sởi , Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị việc tiêm chủng cần thực hiện đúng quy định. Bệnh nhân chỉ cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa sởi, không cần tiêm thêm. Trước thực tế nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi, Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị liên quan cần phối hợp với nhà sản xuất để nghiên cứu phương án cho ra đời loại vắc xin sởi tiêm cho trẻ dưới 9 tháng.