Quan chức Ukraine "lo sốt vó" vì sợ Nga cắt trung chuyển khí đốt: Lỗ đến 5 tỉ USD/năm, lấy tiền đâu ra để bù?

Hồng Anh |

Đại biểu Quốc hội Ukraine Vadim Rabinovich ước tính nước này sẽ thiệt hại từ 3-5 tỉ USD mỗi năm nếu Nga quyết định "cắt" đường ống trung chuyển khí đốt sau khi hết hạn thỏa thuận.

Ukraine thiệt hại ra sao nếu Nga "cắt" đường ống trung chuyển khí đốt?

Ukraine sẽ thiệt hại từ 3-5 tỉ USD mỗi năm nếu như Nga "cắt" đường ống trung chuyển khí đốt thông qua nước này, đại biểu Quốc hội Ukraine - lãnh đạo đảng "Vì Cuộc sống" Vadim Rabinovich cảnh báo trong cuộc phỏng vấn được phát sóng trên kênh truyền hình 112 (Ukraine).

"Nếu [hoạt động trung chuyển dừng lại] từ ngày 1/1/2020, những đường ống đó sẽ bị bỏ không, và nước ta sẽ thiệt hại ít nhất từ 3-5 tỉ USD mỗi năm.

Hơn nữa, những đường ống bị bỏ hoang đó sẽ còn tốn cả diện tích đất [nếu không sinh lời]... Khi ấy chúng ta sẽ còn lại gì? Chúng ta phải làm gì để kiếm ra tiền đây? Chúng ta sẽ sang Ba Lan thuê đất trồng dưa chuột ư?", ông Rabinovich nói.

Theo ông này, các quan chức Ukraine cần phải nhanh chóng đàm phán với Moskva về vấn đề này.

Tuyên bố trên được ông Rabinovich đưa ra sau khi các chính trị gia đại diện của Ukraine, ông Viktor Medvedchuk và Yuri Boyko, tham dự cuộc gặp gỡ và thảo luận về vấn đề khí đốt với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Chủ tịch tập đoàn Gazprom Alexei Miller hôm 22/3 vừa qua.

Trong cuộc thảo luận trên, ông Boyko - đại diện của phía Ukraine - đã bày tỏ thiện chí và cho biết đã sẵn sàng cân nhắc những lựa chọn có lợi cho cả đôi bên khi gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt sắp hết hạn vào ngày 31/12 tới.

Về phía Nga, ông Miller - lãnh đạo tập đoàn Gazprom - cũng khẳng định rằng công ty này đã sẵn sàng thương lượng với Ukraine về hợp đồng trung chuyển và cung cấp khí đốt cho nước này. Đây là điều được cho là có thể giảm đáng kể giá thành khí đốt cho người sử dụng.

Tuy nhiên, chuyến thăm Moskva của hai ông Medvedchuk và Boyko, cũng như những phát biểu của hai ông này đã bị các quan chức Kiev chỉ trích vô cùng nặng lời. Đặc biệt, Tổng thống Petro Poroshenko đã cáo buộc các chính trị gia này đã "khiến Ukraine không thể thoát khỏi cái bóng phụ thuộc vào khí đốt của Nga".

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Rabinovich lại có lời khen ngợi dành cho các ông Medvedchuk và Boyko vì đã "dũng cảm" nói và làm điều người dân mong muốn. Theo ông này, hiện nay có đến 51% người dân Ukraine muốn thiết lập mối quan hệ bình thường với người láng giềng Nga.

Thỏa thuận về việc trung chuyển khí đốt từ Nga sang các nước châu Âu thông qua Ukraine sắp hết hạn vào cuối năm nay, tuy nhiên Moskva và Kiev chưa hề thảo luận về việc gia hạn hợp đồng.

Moskva dự định sẽ đưa 2 đường ống dẫn khí đốt sang châu Âu vào vận hành trong 2 năm 2019 và 2020 là đường ống khí đốt "Dòng chảy Phương Bắc-2" (Nord Stream-2) và "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ", trong đó tuyến "Dòng chảy Phương Bắc-2" sẽ chạy qua Ukraine.

Tuy nhiên, do những căng thẳng trong quan hệ của hai nước, những dự án trên, cũng như việc đặt đường ống trung chuyển chạy qua Ukraine, đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của chính quyền Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko. Thậm chí cả Washington cũng nhiều lần phản đối và kêu gọi EU tẩy chay dự án "Dòng chảy Phương Bắc-2".

Quan chức Ukraine lo sốt vó vì sợ Nga cắt trung chuyển khí đốt: Lỗ đến 5 tỉ USD/năm, lấy tiền đâu ra để bù? - Ảnh 2.

Các chính trị gia đại diện của Ukraine, ông Viktor Medvedchuk và Yuri Boyko, tham dự cuộc gặp gỡ và thảo luận về vấn đề khí đốt với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Chủ tịch tập đoàn Gazprom Alexei Miller hôm 22/3 vừa qua. Ảnh: Chính phủ Nga.

Nga khẳng định vẫn muốn duy trì đường ống trung chuyển qua Ukraine

Trước đó, Chủ tịch tập đoàn khí đốt nhà nước Ukraine Naftogaz Andrey Kobolev từng tuyên bố rằng "ông lớn" năng lượng Nga Gazprom đã bắt đầu thông báo với các đối tác về kế hoạch "cắt" đường ống trung chuyển qua Ukraine vào năm 2020, theo RT.

Trả lời báo giới về thông tin này, Thứ trưởng Năng lượng Nga Anatoly Yanovsky khẳng định Moskva vẫn mong muốn duy trì thỏa thuận với Kiev, đồng thời bày tỏ lòng tin rằng hai nước cuối cùng cũng sẽ đi đến thỏa thuận bằng cách này hay cách khác:

"Chúng tôi hy vọng có thể đạt được thỏa thuận về trung chuyển khí đốt với Ukraine bằng cách nào đó... Nếu không thể đạt được điều đó vào tháng 5, thì chúng tôi hy vọng có thể đạt thỏa thuận và tháng 10".

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã nhiều lần khẳng định rằng Moskva vẫn muốn tiếp tục sử dụng đường ống trung chuyển này và gia hạn thỏa thuận với Kiev.

Vòng đàm phán song phương về vấn đề đường ống dẫn khí đốt đã được ấn định tổ chức vào tháng 5 tới, và sau đó là vòng đàm phán ba bên giữa Nga, Ukraine và liên minh châu Âu (EU) dự kiến diễn ra tại Brussels (Bỉ) vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay, theo ông Yanovsky.

Những lo ngại rằng phía Moskva sẽ ngừng vận chuyển khí đốt qua đường ống trung chuyển Ukraine đã tạo ra làn sóng chỉ trích chống lại một dự án năng lượng khác của Nga là đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Phương Bắc-2" dưới biển Baltic.

Tuy nhiên, theo người phát ngôn của dự án Jens Mueller, đường ống ngầm dưới biển này không thể thay thế hoàn toàn cho hệ thống đường ống chạy qua Ukraine, mà chỉ là một hệ thống bổ sung.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại