Ba Lan "bênh" Ukraine, "tẩy chay" ông Putin
Hãng thông tấn AP ngày 21/3 đưa tin, vừa qua giới chức Ba Lan đã tuyên bố quyết định từ chối mời phái đoàn Nga tới dự lễ kỷ niệm 80 năm ngày Thế chiến II nổ ra.
Ông Krzysztof Szczerski, một quan chức thân tín của Tổng thống Ba Lan, đã đưa ra thông báo này trong bài viết được hãng thông tấn Ba Lan - PAP - đăng tải. Lí do được vị quan chức này đưa ra là bởi Nga đã "có những động thái gây hấn tại Ukraine".
Moskva đã phải chịu nhiều đòn trừng phạt từ quốc tế sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014, và do nước này tiếp tục tiến hành những động thái bị cáo buộc là hậu thuẫn phe ly khai ở khu vực Đông Ukraine.
Được biết, sự kiện kỷ niệm 80 năm ngày Thế chiến II nổ ra sẽ được tổ chức vào tháng 9 tới. Theo lời ông Szczerski, lễ kỉ niệm sẽ được tổ chức "cùng với các nước có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Ba Lan, vì một nền hòa bình được xây dựng dựa trên sự tôn trọng đối với luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ".
Tổng thống Vladimir Putin đã từng tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày nổ ra Thế chiến II tại Ba Lan vào năm 2009 trên cương vị Thủ tướng Nga. Ông đã có bài phát biểu tại bán đảo Westerplatte thuộc thành phố Gdansk của nước này, nơi cuộc chiến đã nổ ra với cuộc xâm lược của phát xít Đức vào ngày 1/9/1939.
Chuyến thăm năm 2009 của ông Putin vẫn được tiến hành dù mối quan hệ giữa chính phủ hai nước Nga - Ba Lan khá căng thẳng. Với nỗ lực cải thiện điều này, ông Putin và Thủ tướng Ba Lan khi đó là ông Donald Tusk đã tham dự cuộc đối thoại song phương.
"Tình hình hiện nay đã khác xa so với thời điểm đó. Kể từ [năm 2009], chúng ta đã liên tiếp chứng kiến các sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc chiến tại Donbass. Tại những nơi ấy, Nga đã phá vỡ toàn bộ các phép tắc thông thường, và tự cô lập chính mình", ông Michal Baranowski, trưởng văn phòng đại diện của quỹ German Marshall (GMF) của Mỹ tại Warsaw, cho biết.
"Việc ông Putin được mời tham dự lễ kỷ niệm như một nguyên thủ quốc gia bình thường mới chính là điều gây sốc, bởi tình hình hiện nay không hề bình thường", ông Baranowski kết luận.
10 năm trước, ông Putin từng tới Ba Lan tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thế chiến II nổ ra trên cương vị Thủ tướng Nga. Ảnh: ALEXEI DRUZHININ / RIA-NOVOSTI / VIA AP
Moskva "choáng" trước hành động của Warsaw
Trong một thông cáo được đưa ra vào cuối ngày thứ 4 (20/3), Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã "hết sức kinh ngạc" khi Ba Lan có quyết định coi thường như vậy, đồng thời chỉ trích chính phủ Ba Lan vì đã có "suy nghĩ lệch lạc" và hành động viết lại lịch sử để phục vụ cho tham vọng chính trị của họ.
"Chúng tôi đã hết sức kinh ngạc khi thấy giới chức Ba Lan có ý định biến dịp lễ kỷ niệm thành cuộc hội ngộ của các đồng minh và đối tác trong các khối liên minh EU và NATO.
Mặc dù Nga có đóng góp vô cùng to lớn và quan trọng trong việc đánh bại lực lượng phát xít Đức và giải phóng Ba Lan khỏi tay những kẻ xâm lược của Đức Quốc Xã, nhưng chúng tôi lại không có chỗ [tại lễ kỷ niệm ở Ba Lan]", Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.
Bên cạnh đó, thông cáo của Nga còn lên án rằng quyết định "gạch tên" ông Putin của Warsaw lại là "minh chứng cho thấy chính phủ hiện tại của Ba Lan đang suy nghĩ quá lệch lạc, và cuối cùng dẫn tới việc xuyên tạc, bóp méo lịch sử Thế chiến II và giai đoạn hậu chiến".
Một số chính trị gia đối lập của Ba Lan cũng đã lên tiếng phản đối cách hành xử của chính phủ cánh hữu đối với Nga.
Cựu Thủ tướng Ba Lan Leszek Miller, một cựu Đảng viên Cộng sản hiện nay đang tham gia tranh cử cho vị trí trong Nghị viện Châu Âu, đã khẳng định trên đài Polsat TV rằng: "Thật khó để nói về Thế Chiến II mà không nhắc tới việc Liên Xô tham chiến".
Trước đó, ông Blazej Spychalski, phát ngôn viên của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã đưa ra lời giải thích rằng Warsaw không đưa ra quyết định về danh sách các nguyên thủ được mời dựa trên lịch sử, mà dựa trên tình hình thực tế trong hiện tại.
Đây là động thái mới nhất trong loạt động thái chống Nga của Ba Lan trong những năm gần đây. Là láng giềng của Nga và Ukraine nhưng Ba Lan lại có lập trường thân phương Tây, phản đối Nga.
Quốc gia Đông Âu này cũng đã nhiều lần kêu gọi NATO tăng cường hiện diện quân sự và mở lời mời Mỹ lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình để có được sự bảo vệ trước sức mạnh Nga.
Mặc dù quyết định trên của Ba Lan vẫn có thể thay đổi vào phút chót, nhưng hiện nay nó đã khiến mối quan hệ giữa Moskva-Warsaw vốn đã căng thẳng vì những hoài nghi và rắc rối trong lịch sử - lại càng thêm căng thẳng.