Mô hình chuyển giao quyền lực ở Kazakhstan: Bài học đắt giá cho ông Putin và tương lai nước Nga?

Tất Đạt |

Theo Bloomberg, sự chuyển giao quyền lực mới đây ở Kazakhstan có thể là một hình mẫu để tổng thống Nga Vladimir Putin cân nhắc.

Dù từ bỏ chức vụ quan trọng nhất, nhưng nhà lãnh đạo kì cựu có thể tiếp tục giữ trọng trách quan trọng trong chính phủ trong khi người kế nhiệm dần dần học hỏi và đảm nhiệm vị trí mới.

Tuy nhiên, không như người đồng cấp Nursultan Nazarbayev, không ai dám chắc ông Putin có thể giao trọng trách cho một nhân vật mới mà không gây ra những sự bất ổn trong bối cảnh các đối thủ chính trị của ông Putin luôn theo sát diễn biến trên chính trường Nga. Những rủi ro chính trị và cá nhân đối với ông Putin đều rất cao.

Andrei Kolyadin - một cựu quan chức trong chính phủ Nga, hiện đang làm cố vấn chính trị tại điện Kremlin - cho biết: "Trường hợp của ông Nazarbayev có thể sẽ phù hợp với những nhân vật chính trị cấp cao. Họ vẫn có thể can thiệp vào việc điều hành đất nước trong khi người kế nhiệm lên nắm quyền."

Vừa qua, ông Nazarbayev, 78 tuổi, đã tuyên bố từ chức tổng thống Kazakhstan nhưng vẫn giữ vai trò chủ tịch Hội đồng An ninh Kazakhstan và lãnh đạo đảng Nur Otan cầm quyền. Ông Putin, hiện 66 tuổi, đã chiến thắng vang dội cho nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 4 (và có thể là lần cuối cùng) với tỉ lệ phiếu bầu cao kỉ lục 77%.

Ông Putin đã dễ dàng hạ gục các đối thủ chính trị và nắm nhiều quyền lực quan trọng ở Nga kể từ năm 2000. Sự ảnh hưởng của ông Putin đã trở nên quá rõ nét và nhiều người Nga cảm thấy khó có thể chọn ra người kế nhiệm sau khi nhiệm kì của ông Putin kết thúc.

Mô hình chuyển giao quyền lực ở Kazakhstan: Bài học đắt giá cho ông Putin và tương lai nước Nga? - Ảnh 1.

Ảnh: AFP

Tới nay, ông Putin vẫn chưa nêu tên người kế nhiệm, và ông khẳng định sẽ không thay đổi hiến pháp để tiếp tục nắm quyền. Tuy nhiên, Vyacheslav Volodin, người phát ngôn của Hạ viện Nga, vẫn cho rằng hiến pháp Nga có khả năng sẽ được cải cách vào tháng 12 tới.

Quốc gia mới?

Bloomberg dẫn lời ba quan chức đề nghị giấu tên tại điện Kremlin cho biết, nhiều nhân vật cấp cao trong chính phủ Nga đang gia tăng áp lực và thúc giục ông Putin tiếp tục nắm quyền. Một trong những lựa chọn hiện tại là kêu gọi nước giềng Belarus sáp nhập với Nga để tạo thành một quốc gia mới, và sau đó ông Putin có thể không bị hạn chế bởi giới hạn nhiệm kì. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giả thuyết và chưa được bên nào đồng thuận.

Olga Kryshtanovskaya - một nhà xã hội học ở Đại học quốc gia Moskva, chuyên nghiên cứu về những nhân vật chính trị cấp cao Nga - nói: "Ông Putin cũng là người bình thường, và ông ấy không thể lãnh đạo mãi mãi được. Nếu ông Putin không chuẩn bị kĩ càng cho người kế nhiệm, thì tình hình sẽ rất bất ổn. Không ai sẽ chịu nhường nhịn đối thủ."

Hiến pháp Nga không cho phép việc một người giữ chức tổng thống hơn 2 nhiệm kì liên tiếp. Do đó, ông Putin đã từng rời vị trí này và chuyển giao cho ông Dmitry Medvedev trong giai đoạn năm 2008-2012 trước khi quay trở lại nắm quyền tổng thống từ năm 2012 cho tới nay.

Chuyển giao quyền lực

Theo một số chuyên gia chính trị tại Moskva, ông Putin có thể chuyển giao một số quyền của tổng thống sang Hội đồng Nhà nước Liên bang Nga và nhờ đó, có thể ảnh hưởng nhất định tới quyết định của điện Kremlin kể cả khi ông Putin thôi giữ chức tổng thống.

Tuy nhiên, ông Sergei Markov - cố vấn chính trị cho điện Kremlin - cho biết vẫn có những vấn đề nan giải sau khi ông Putin trao quyền cho một người mới.

Trong khi Kazakhstan có thể đưa ông Nazarbayev trở thành người cố vấn giống như mô hình Bộ trưởng Cố vấn của ông Lý Quang Diệu tại Singapore, "thì trong trường hợp của ông Putin, một khi rời ghế tổng thống, ông Putin sẽ đối diện với muôn vàn thách thức".

Ông Arkady Dubnov, một chuyên gia chính trị tại Moskva chuyên nghiên cứu về Trung Á, nhận định việc áp dụng chiến lược của ông Nazarbaye đối với Nga là bất khả thi bởi hệ thống chính trị Nga phức tạp hơn Kazakhstan rất nhiều.

Bảo vệ di sản

Một số chuyên gia khác cho rằng rất khó có khả năng để ông Putin trao quyền cho những người con của mình. Trước đây, trong một số bài phỏng vấn, ông Putin nói ông muốn các con gái của mình được "sống như người bình thường", tránh xa môi trường chính trị.

Phe đối lập tại Belarus đã tỏ ý phản đối quyết liệt với ý tưởng sáp nhập với nước Nga, và do đó lựa chọn thành lập quốc gia mới cũng không khả thi.

Thời gian của nhiệm kì thứ 4 đang dần trôi đi trong khi ông Putin đối diện với áp lực tìm kiếm người kế nhiệm. Ông Putin sẽ vừa phải tuân thủ hiến pháp và vừa phải bảo toàn hệ thống chính trị mà ông đã xây dựng trong hơn 2 thập kỉ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại