150 tỉ USD trôi qua kẽ tay, Nga dự định đòi Ukraine đền bù tổn thất cho Crimea "ở mức cao nhất"

Hồng Anh |

"Cộng đồng quốc tế cần hiểu rằng Crimea thực sự đã mất rất nhiều trong vòng 23 năm thuộc kiểm soát của Ukraine", Chủ tịch Ủy ban các Vấn đề Quốc tế của Duma Quốc gia Nga phát biểu.

Nga có thể sẽ yêu cầu Ukraine đền bù "ở mức cao nhất" cho những thiệt hại kinh tế mà họ đã gây ra đối với Crimea khi bán đảo này thuộc quyền kiểm soát của Kiev, Chủ tịch Ủy ban các Vấn đề Quốc tế của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky trả lời các phóng viên hôm Chủ nhật (17/3) vừa qua.

"Tôi tin là Nga đã thể hiện rất rõ lập trường của mình tại tất cả các nền tảng, hội nghị, diễn đàn quốc tế và liên nghị viện trên thế giới ở cấp cao nhất. Cộng đồng quốc tế cần hiểu rằng Crimea thực sự đã mất rất nhiều trong vòng 23 năm thuộc kiểm soát của Ukraine", hãng thông tấn quốc gia Nga TASS dẫn lời ông Slutsky.

Trong một buổi họp của Hội đồng Duma Quốc gia và hội đồng quan chức Crimea hôm 15/3 tại Simferopol, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin đã đề nghị sử dụng các thể chế của nghị viện châu Âu để bắt Kiev đền bù cho những tổn thất mà Crimea đã phải gánh chịu khi là một phần của Ukraine.

Cùng ngày, người đứng đầu Crimea Sergey Aksyonov hôm thứ 7 (16/3) vừa qua cho biết một nhóm quan chức Hạ viện Nga và quan chức địa phương tại Crimea sẽ bắt đầu kiểm tra và đánh giá mức độ thiệt hại trong tháng 4 tới, sau khi các bên đã thống nhất về cơ chế để tính toán điều này.

150 tỉ USD trôi qua kẽ tay, Nga dự định đòi Ukraine đền bù tổn thất cho Crimea ở mức cao nhất - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban các Vấn đề Quốc tế của Duma Quốc gia Nga Leonid Slutsky. Ảnh: TASS.

Trong một diễn biến liên quan, mới đây chuyên trang Bloomberg vừa công bố một báo cáo về tình hình kinh tế của Nga từ sau sự kiện sáp nhập Crimea năm 2014. Trong đó, các số liệu cho thấy tổng giá trị nền kinh tế Nga đã thiệt hại tới 150 tỉ USD trong vòng 5 năm qua do các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây.

Các lệnh trừng phạt này đã ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực kinh tế của Nga, trong đó bao gồm lĩnh vực xuất khẩu năng lượng, và đồng thời cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập của người dân Nga.

Thiệt hại tại Crimea được đánh giá dựa trên những tiêu chí nào?

Theo ông Slutsky, "việc đánh giá thiệt hại về mặt lý thuyết là điều hoàn toàn khả thi". Theo đó, các quan chức sẽ tiến hành so sánh mức độ phát triển của Crimea trên lý thuyết - nếu bán đảo này sáp nhập vào Nga ngay lập tức từ năm 1991, và trong thực tế - tức là khi bán đảo Crimea thuộc sự kiểm soát của Ukraine trong hơn 2 thập kỷ.

"Chúng tôi sẽ chỉ đạo các ủy ban nòng cốt phối hợp cùng các quan chức Crimea điều tra làm rõ nền kinh tế của Crimea đã thiệt hại bao nhiêu do các chính sách 'hủy diệt' của Ukraine, và cả những thiệt hại về người và những quyền lợi bị vi phạm.

150 tỉ USD trôi qua kẽ tay, Nga dự định đòi Ukraine đền bù tổn thất cho Crimea ở mức cao nhất - Ảnh 2.

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin. Ảnh: TASS.

Điều này không chỉ liên quan đến vấn đề vật chất, mà nó còn liên quan tới quyền lợi của người dân Crimea, đó là quyền được học, được nói [tiếng Nga]", ông Volodin phát biểu.

Theo vị này, kinh tế của Crimea đã đạt được bước nhảy vọt đáng kể từ sau khi bán đảo sáp nhập vào Nga năm 2014, cụ thể là trong năm 2018, Crimea đã vượt lên vị trí thứ 40 tại Nga về mức GDP bình quân đầu người, trong khi đó bán đảo này từng ở vị trí áp chót khi vừa mới sáp nhập vào Nga năm 2014.

Theo ông Volodin, "chương trình hiện đại hóa đang được áp dụng tại Crimea ngày nay là điều chưa từng có tại bán đảo này trong vòng 50 năm qua".

"Thông qua những cơ chế của nghị viên châu Âu, chúng ta sẽ buộc Ukraine đền bù cho những tổn thất mà Crimea phải chịu trong suốt 23 năm trời", Chủ tịch Duma Quốc gia Volodin kết thúc bài phát biểu trong tiếng vỗ tay của các đại biểu tham gia cuộc họp ngày 15/3.

Ông Putin sắp tới thăm Crimea

Tổng thống Nga Vladimir Putin sắp tới thăm Crimea và Sevastopol vào ngày 18/3, nhân kỷ niệm 5 năm sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga.

Cộng hòa Crimea và Sevastopol - một thành phố có vị trí đặc biệt trên Bán đảo Crimea, hầu hết cư dân là người dân tộc Nga - đã phủ nhận tính hợp pháp của chính quyền lên nắm quyền trong cuộc bạo loạn, đảo chính tháng 2/2014 ở Ukraine.

Crimea và Sevastopol đã tuyên bố độc lập vào ngày 11/3/2014. Hai vùng này đã tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 16/3/2014, trong đó 96,7% người Crimea và 95,6% cử tri Sevastopol đã chọn ly khai khỏi Ukraine và gia nhập Liên bang Nga. Tổng thống Vladimir Putin đã ký hiệp ước thống nhất vào ngày 18/3/2014.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại