Nửa thập kỉ sau ngày sáp nhập Crimea, Nga vẫn tiếp tục "ngậm trái đắng": Đáng hay không?

Tất Đạt |

Nhiều chỉ số kinh tế cho thấy Nga đã chịu nhiều thiệt hại từ sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Đã tròn 5 năm từ ngày tổng thống Nga Vladimir Putin sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine. Theo Bloomberg, những thiệt hại về mặt kinh tế vẫn ngày càng tăng cao.

Hiệp ước gia nhập với mục đích đưa vùng Biển Đen vào quyền kiểm soát của Moskva vẫn chưa được hầu hết các quốc gia công nhận trong khi Mỹ và Liên minh Châu Âu tiếp tục trừng phạt Nga với nhiều cấm vận.

Tuy nhiên, Nga vẫn tăng cường kết hợp Crimea vào kinh tế nước này, đầu tư hàng tỉ USD để xây dựng nhà máy điện, khánh thành cây cầu khổng lồ nối với bán đảo này vào năm ngoái.

Hầu hết các khoản thiệt hại mà Nga phải gánh chịu đều tới từ trừng phạt của Mỹ và EU - ngày càng nhiều hơn từ ngày sáp nhập Crimea. Những cấm vận mới nhất đều do cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và một số động thái khác.

Không dừng ở đó, kinh tế Nga - vốn chịu ảnh hưởng từ giá dầu giảm - còn bị thiệt hại do lượng cắt giảm đầu tư nước ngoài và thu nhập bị chững lại. Một khảo sát gần đây cho thấy sự quan tâm của công chúng với vấn đề sáp nhập đã giảm đi nhiều.

Dưới đây là 5 biểu đồ cho thấy thiệt hại kinh tế sau khi sáp nhập Crimea.

Nửa thập kỉ sau ngày sáp nhập Crimea, Nga vẫn tiếp tục ngậm trái đắng: Đáng hay không? - Ảnh 1.

Các chuyên gia tại Bloomberg Economics ước tính rằng cấm vận đã tước đi của Nga tới 6% tổng giá trị nền kinh tế trong vòng 5 năm qua. Một nghiên cứu được viết bởi nhà phân tích Scott Johnson năm ngoái đã cho thấy nền kinh tế của Nga - nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới - đã kém hơn dự tính tới 10%, hoặc 150 tỉ USD, so với ước tính vào cuối năm 2013.

Dữ liệu cho thấy, 4% lượng sụt giảm tới từ giá dầu giảm, và cấm vận cùng những yếu tố khác đã ảnh hưởng tới 6%.

Nửa thập kỉ sau ngày sáp nhập Crimea, Nga vẫn tiếp tục ngậm trái đắng: Đáng hay không? - Ảnh 2.

Cấm vận sẽ không kết thúc sớm trong tương lai, và việc Nga bị cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ hồi năm 2016 đồng nghĩa với việc Nga sẽ tiếp tục nhận thêm nhiều cấm vận.

Số lượng công ty và cá nhân Nga bị Mỹ cấm vận đã tăng gấp 4 lần từ năm 2014, và một dự thảo đang được xem xét ở Washington sẽ giáng thêm những đòn trừng phạt mới vào Nga trong năm nay.

Nửa thập kỉ sau ngày sáp nhập Crimea, Nga vẫn tiếp tục ngậm trái đắng: Đáng hay không? - Ảnh 3.

Kinh tế đình trệ đồng nghĩa với việc người dân Nga có thu nhập kém hơn. Thu nhập bình quân chỉ ở ngưỡng 30.000 rúp (459 USD) mỗi tháng từ khi sáp nhập Crimea và giá dầu giảm đã đẩy Nga vào khoảng thời gian khủng hoảng kéo dài gần 2 năm.

Khu vực duy nhất có lượng thu nhập bình quân tăng là Crimea.

Nửa thập kỉ sau ngày sáp nhập Crimea, Nga vẫn tiếp tục ngậm trái đắng: Đáng hay không? - Ảnh 4.

Sau khi tăng nhẹ trong năm 2017 vào giai đoạn tổng thống Mỹ Donald Trump "có vẻ như" chuẩn bị gỡ bỏ cấm vận, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã sụt giảm và thậm chí tăng trưởng âm trong quý 2 năm ngoái.

Nửa thập kỉ sau ngày sáp nhập Crimea, Nga vẫn tiếp tục ngậm trái đắng: Đáng hay không? - Ảnh 5.

Khi áp lực kinh tế tiếp tục ảnh hưởng tới người dân Nga, nhiều người đã không còn giữ quan điểm tích cực như cách đây 5 năm. Một cuộc bỏ phiếu được thực hiện mới đây cho thấy chỉ có 39% người dân Nga tin rằng sáp nhập là chuyện tốt, trong khi con số này là 67% vào năm 2014.

Ông Putin sẽ tới thăm Crimea

Theo TASS, tổng thống Nga Putin sẽ tới Crimea và Sevastopol vào ngày 18/3.

"Tổng thống Putin sẽ tham dự một buổi lễ vận hành nhà máy nhiệt điện Balaklavskya, nhà máy nhiệt điện Tavricheskaya và trạm biến áp cảng ở Taman," điện Kremlin cho hay.

Cùng ngày, ông Putin sẽ tới Simferopol để gặp các thành viên của cộng đồng Crimea và Sevastopol, tham dự các sự kiện lễ hội kỷ niệm 5 năm cuộc trưng cầu dân ý Crimea năm 2014 và sáp nhập với Nga.

Cộng hòa Crimea và Sevastopol - một thành phố có vị trí đặc biệt trên Bán đảo Crimea, hầu hết cư dân là người dân tộc Nga - đã phủ nhận tính hợp pháp của chính quyền lên nắm quyền trong cuộc bạo loạn, đảo chính tháng 2/2014 ở Ukraine.

Crimea và Sevastopol đã tuyên bố độc lập vào ngày 11/3/2014. Hai vùng này đã tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 16/3/2014, trong đó 96,7% người Crimea và 95,6% cử tri Sevastopol đã chọn ly khai khỏi Ukraine và gia nhập Liên bang Nga. Tổng thống Vladimir Putin đã ký hiệp ước thống nhất vào ngày 18/3/2014.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại