Ngày 26/2, trang tin Bulgarianmilitary.com xuất bản bài viết: "Turkey has to withdraw its troops from Idlib, a Turkish retired general said" (Tạm dịch: Cựu tướng lĩnh Thổ Nhĩ Kỳ bình luận: Thổ Nhĩ Kỳ nên rút quân khỏi Idlib).
Nhằm giúp độc giả có cái nhìn khách quan về quan điểm ngay trong chính Thổ Nhĩ Kỳ về các hoạt động quân sự đang diễn ra của quân đội nước này ở Syria, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Tại sao Syria vẫn tiếp tục tấn công bất chấp nguy cơ chiến tranh?
Vào đầu tháng 3/2020, một cuộc họp bao gồm các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Đức và Pháp nhằm giải quyết căng thẳng ở Idlib sẽ diễn ra. Điện Kremlin và ba nước NATO sẽ cố gắng tìm ra một phương án "thấu tình đạt lý" cho tất cả các bên tham gia cuộc xung đột ở Syria.
Dự kiến ngày diễn ra cuộc họp, ngày 5/3 được coi là điểm "thăng hoa". Đó có thể là việc tự giới hạn các hoạt động quân sự nhằm kết thúc xung đột bằng thỏa thuận hòa bình của các bên hoặc cũng có thể sẽ là một cuộc xung đột trực tiếp giữa lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.
Nếu mọi thứ diễn ra như phương án đầu tiên, thì các vùng đất mà Quân đội Arab Syria (SAA) đã giải phóng sẽ vẫn do Damascus quản lý và một Khu phi quân sự (DMZ) mới sẽ được thiết lập ở tây bắc Syria.
Đây là lý do giải thích tại sao ở hiện tại SAA vẫn tiếp tục duy trì tấn công, cố gắng giải phóng tối đa lãnh thổ đối phương đang kiểm soát ở Idlib.
Các vị trí SAA mới giải phóng ở đông nam Idlib trong ngày 26/2.
"Chuyến du lịch đẫm máu" của binh lính Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria
Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ đang tận hưởng một "chuyến du lịch đẫm máu" ở tỉnh Idlib. Mặc dù họ đã tích tụ một cụm quân khá ấn tượng nhưng họ đang để cho SAA cơ hội chiếm toàn bộ miền nam Idlib.
Trước các đợt giao tranh với SAA, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ (bao gồm cả phiến quân lẫn khủng bố) liên tục thất thủ, và cứ mỗi trận "thua đau", họ lại đáp trả bằng những cuộc pháo kích dữ dội vào những vùng đất mà họ để mất.
Ngược lại, máy bay Nga tích cực hỗ trợ binh lính Syria dưới mặt đất, mang lại cho họ ưu thế trên không trước một quốc gia thành viên NATO.
Lâm vào thế bí, Ankara đã trao tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) cho phiến quân và hi vọng người Mỹ sẽ sớm đưa hệ thống phòng không Patriot tới hỗ trợ.
Cảnh quay tại al-Nayrab hôm 20/2 cho thấy lính đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ cơ động lên mặt trận nhằm tham chiến trực tiếp với SAA tại Idlib.
Cuộc đảo chính quân sự năm 2016, "liều thuốc độc" cho QĐ Thổ?
Trong bối cảnh nguy cơ xảy ra đụng độ trực tiếp giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib là rất cao, vậy giới tướng lĩnh Thổ đánh giá về nó như thế nào?
Vào năm 2016 đã có một nỗ lực đảo chính quân sự nổ ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nó đã không thành công và Tổng thống Erdogan vẫn tiếp tục nắm quyền (nhiều nguồn tin xác nhận rằng ông Erdogan nhận được sự giúp đỡ của Moscow).
Không có gì bất ngờ khi cho rằng lý do của cuộc đảo chính là do nhiều người Thổ cho rằng chính sách nghiêng về Hồi giáo của nhà cầm quyền là không phù hợp.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) được cho là một trong những nền tảng của chủ nghĩa thế tục ở Thổ Nhĩ Kỳ và sau thất bại của cuộc đảo chính, nó đã trải qua một số đợt "thanh trừng".
Ngay cả các nhà ngoại giao phương Tây cũng lưu ý rằng "bầu không khí" trong TAF đã thay đổi đáng kể sau đảo chính. Năm 2019, 5 tướng lĩnh liên quan đến việc can thiệp vào Syria đã đệ đơn từ chức.
Tổng thống Erdogan sau đó đã phải phân công công việc cho 6 vị tướng. Những "người trong cuộc" gọi đây là "cuộc biểu tình trong im lặng". Nhưng các cựu tướng lĩnh thì tỏ ra "khắc nghiệt" hơn nhiều.
Cuộc đảo chính thất bại năm 2006 đã ảnh hưởng lớn đến TAF.
Lính Thổ đang đổ máu vì người Mỹ?
Cựu Đô đốc Turker Ertürk tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn: "Không có ích lợi gì khi chúng ta chống lại chính quyền Syria và mang theo gánh nặng của một cuộc chiến tranh ủy nhiệm đế quốc.
Tất nhiên, trong các chính sách đối ngoại, đôi khi sẽ có những hành động có thể bị coi là vô đạo đức, nhưng nó phải đi cùng với lợi ích".
Cựu Thiếu tướng Erdal Schener thì cho rằng: "Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay không xây dựng chính sách rõ ràng về Syria, và cái gọi là "khu vực an toàn" bên trong lãnh thổ Syria là một công cụ gây ảnh hưởng đến chính sách khu vực nhưng lại do người Mỹ áp đặt".
Cựu đô đốc Ertürk cũng có xu hướng coi Thổ Nhĩ Kỳ là một lực lượng ủy nhiệm của Washington vì đã tiến hành một cuộc chiến tranh gián tiếp chống lại Nga.
"Ông Erdogan đang phung phí mạng sống của những người lính Thổ vì lợi ích của Mỹ và vì mục đích gia tăng sự ủng hộ cho chính mình như là một người yêu nước".
Đồng thời, cựu chỉ huy quân sự kết luận: "Người Mỹ đang phản bội Ankara, vì TAF không thể tin tưởng vào sự hỗ trợ từ NATO nếu bắt đầu một cuộc chiến chống lại một nước Syria có chủ quyền".
Các nhà lãnh đạo quân sự hưu trí cho rằng việc TAF rút quân khỏi Idlib là vì lợi ích của chính Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo các tướng lĩnh, sự bất mãn đang "chín muồi" trong chính người dân Thổ Nhĩ Kỳ, những người không hiểu điều gì mà Ankara muốn đạt được ở Syria mà phải đánh đổi bằng cách đặt lên họ trách nhiệm phải bao che cho những nhóm khủng bố quốc tế.
Nói chung, từ quan điểm của người Thổ, mọi thứ đang diễn ra ở Idlib hoàn toàn không dễ dàng gì.
Quân đội Arab Syria (SAA) trong các hoạt động quân sự giải phóng tỉnh Idlib (Nguồn: Ruptly).