LTS: Có những câu chuyện thuộc về lịch sử, có những trận đánh, những chiến công và cả những hy sinh mất mát luôn mang một dáng hình chung, cao lớn đến vĩ đại. Nhưng những câu chuyện về cá nhân vẫn là những câu chuyện mang nhiều sức mạnh nhất.
Vì thế, một người lính từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên có lúc quên mình là thương binh hạng 3/4 nhưng chẳng lúc nào quên người em trai đã mãi mãi không trở về, hoà mình vào biển sâu thăm thẳm.
Một ngày giữa tháng 3/1988, bản tin trên đài phát thanh phát đi danh sách 64 liệt sĩ của tàu HQ – 604 hi sinh trong trận hải chiến bảo vệ chủ quyền (CQ – 88) tại đảo đá Gạc Ma (thuộc cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Bản danh sách dài dằng dặc.
Khi nghe đến tên Liệt sĩ Trần Văn Bảy, sinh năm 1967, quê quán xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam thì ông Trần Xuân Thu – anh trai Liệt sĩ Bảy chết lặng: "Thôi, thế là mất em thật rồi".
Di ảnh Liệt sĩ Trần Văn Bảy
Lá thư cuối cùng liệt sĩ Trần Văn Bảy gửi về cho gia đình
"Ngày mai tàu con rời bến đi đảo…"
Liệt sĩ Trần Văn Bảy trong ký ức của người anh trai là một chàng thanh niên sôi nổi, hay để tóc dài, sành điệu như tài tử điện ảnh.
Trong gia đình, anh Bảy thân thiết với anh trai Thu nhất vì các anh lớn đều đi bộ đội ít có dịp về thăm nhà. Ông Thu hơn anh Bảy có ba tuổi, nên vừa là người anh vừa là người bạn của em. Khi ông Thu nhập ngũ năm 1983, chiến đấu trên mặt trận Vị Xuyên (Hà Tuyên bấy giờ) thì anh Bảy vẫn ở nhà vừa đi học, vừa chăn nuôi làm kinh tế cùng bố mẹ.
Liệt sĩ Trần Văn Bảy bên cầu cảng
Anh Bảy nộp đơn xin nhập ngũ. Phải làm đơn xin vì bố mẹ anh có bảy người con thì hai người đã hi sinh (là Liệt sĩ Trần Văn Uống hi sinh năm 1968 tại Quảng Nam và Liệt sĩ Trần Văn Uộng cũng hi sinh năm 1968 tại Quảng Trị), ông Thu lúc đó bị thương trên biên giới nên anh Bảy không thuộc diện nhập ngũ.
Vả lại lúc đó bố mẹ anh Bảy cũng mong có cậu con trai út ở nhà, người già cần nơi nương tựa. Nhưng như ông Thu nói, làm sao Bảy chịu ở nhà được. Từ nhỏ đến lớn, Bảy sống sảng khoái, xông pha lắm.
Tuy có hơi nghịch và ham đá bóng đến quên cả lùa vịt ngoài đồng về nhưng với người thân, với bạn bè và cả thầy cô bao giờ cũng giúp đỡ hết mực chẳng nề hà gì. Thế là năm 1985, anh Bảy cắt tóc ngắn lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi.
Liệt sĩ Trần Văn Bảy (bên phải) trong ký ức của người anh trai là một chàng thanh niên sôi nổi, hay để tóc dài, sành điệu như tài tử điện ảnh.
Sau thời gian học ở Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân, anh Bảy được bổ sung về Lữ đoàn 125 thuộc Quân chủng Hải quân, trở thành lính Hải quân làm công tác hải đồ cho các chuyến tàu chở hàng ra các đảo xa kiến thiết.
Những chuyến đi đằng đẵng, quê anh lại là vùng chiêm trũng nằm gọn trong lòng đồng bằng Bắc bộ, xa bờ biển quá nên anh chẳng một lần về thăm nhà. Ông Thu nhớ chỉ có một lần duy nhất, anh Bảy đánh điện cho ông nói rằng lần ấy tàu sẽ lấy hàng ở Hải Phòng.
Ông Thu lập tức đi ngay để kịp tối đó gặp em. Anh Bảy sảng khoái, vui tính bao nhiêu thì ông Thu dễ xúc động bấy nhiêu. Gặp thấy em rắn rỏi, rám nắng, đầy mùi gió biển; thấy đồng đội của em đoàn kết, thương yêu nhau ông Thu yên tâm lắm: "Lính Hải quân thì phải như thế chứ".
"Cam Ranh ngày 3/3/88. Bố mẹ xa nhớ, các anh các chị xa thương, em và các cháu yêu quý. Đã lâu lắm rồi con không về thăm gia đình... Ngày mai tàu con rời bến đi đảo. Nói đi Trường Sa có lẽ bố mẹ buồn nhưng không có gì nguy hiểm cả...", đó là lá thư anh Bảy gửi về cho gia đình khi đang ở quân cảng Cam Ranh chuẩn bị cho một chuyến tàu đi Trường Sa. Đó là một chuyến đi quen thuộc. Người lính ấy đã làm công tác hải đồ trên biết bao chuyến tàu như thế.
Nhưng lần đi này, chính anh Bảy cũng nói trong thư là hơi khác một chút. Mọi người ở nhà đều biết, năm đó tình hình biển đảo đã căng thẳng hơn. Vì thế, thư về ai trong nhà đọc cũng có cái gì đó gợn gợn: "Ngày mai tàu con rời bến đi đảo…".
Tìm một hình dung về ngày em hi sinh
Ngày 11/3, tàu HQ – 604 mới rời Cam Ranh đi Trường Sa. Ngày 13/3, tàu neo đậu tại bãi đá ngầm Gạc Ma.
Đến sáng 14/3, khi tàu đang cẩu hàng vào đảo thì bất ngờ 3 tàu của Trung Quốc áp sát, tấn công vào mạn phải tàu, đánh chìm tàu HQ – 604. 64 cán bộ, chiến sĩ trên tàu hi sinh.
Bản tin phát thanh đưa danh sách liệt sĩ khiến cả gia đình anh Bảy choáng váng. Mẹ Hà Thị Vạo của anh lần thứ ba phải nhận giấy báo tử của con mình.
Còn ông Thu, người anh gần gũi nhất, yêu thương nhất của anh Bảy đến bây giờ mỗi lần nhắc lại vẫn rơi nước mắt: "Tôi chẳng thể ngờ là sẽ mất em nó". Anh Bảy mãi mãi ở lại nơi biển xa, ở lại với tuổi 21 xông pha và sảng khoái của anh.
Cũng là một người lính, cũng chiến đấu ở một tuyến lửa khốc liệt – Vị Xuyên nên ông Thu luôn canh cánh trong lòng nghĩ về những giờ phút chiến đấu cuối cùng của em trai mình.
Ông Trần Xuân Thu bên bàn thờ Liệt sĩ Trần Văn Bảy
Ông Thu vẫn không nguôi thương nhớ khi nhắc về người em trai
Gần 2 tháng sau khi nhận được giấy báo tử, ông Thu đã có một hình dung. Một người họ hàng trong Sài Gòn đã tìm gặp đồng đội của anh Bảy sống sót sau trận chiến. Người đó kể lại, sau loạt bắn phá đầu tiên, Bảy trúng đạn, bị thương ở bụng và vai, đồng thời bị bỏng nặng.
Sau khi bị thương, Bảy vào phòng Thuyền phó 1, ngay sau đó một quả đạn pháo 105 ly câu đúng vị trí phòng hất tung hết thảy. Đó là lần cuối cùng người đồng đội ấy nhìn thấy Bảy.
Mặt trời vẫn lên mỗi sớm. Ba mươi năm sau ngày người em trai đã nằm lại biển xa để bảo vệ Tổ quốc, không năm nào ông Thu không tìm cách xin đi Trường Sa. Ông muốn đến tận nơi, nhìn tận mắt vùng biển em ngã xuống và sâu thẳm nhất, ông muốn thắp nén nhang tưởng nhớ em ở chính nơi em và đồng đội yên nghỉ chứ không phải là ở nấm mộ gió lúc nào cũng vương vấn hương khói quê nhà.
Nhưng ba mươi năm, chưa một lần ông được đi biển. Người lính biên giới ấy cứ hễ thấy có cuộc giao lưu, họp mặt gia đình thân nhân những người lính trên tàu HQ – 604 là tham gia rồi nói chuyện về biển đảo tường tận như một người lính biển.
Kỷ vật của anh Bảy gửi lại chỉ vỏn vẹn có lá thư và con ốc biển, ông Thu tặng cho Bảo tàng. Ông muốn sống thật sảng khoái, sôi nổi tiếp nối cho tuổi 21 em trai để lại.
Lá thư vượt Biển Đông
Cuối năm 2018, khi biết đoàn công tác của phóng viên sẽ đến quần đảo Trường Sa vào đầu năm tới, phóng viên Nguyễn Khánh Chi của Báo Hà Nam đã báo tin cho ông Thu. Lần báo tin như chị nói là không hiểu sao, như là anh Bảy biết mà nhắc vậy.
Lá thư ông Trần Xuân Thu gửi người em trai đã hi sinh nơi đảo xa
Ngay lập tức, ông Thu đã viết một lá thư, tha thiết nhờ gửi cho người em trai đã nằm lại nơi biển xa. Ông Thu kể, nghe tin Khánh Chi sắp đi Trường Sa, ông nghĩ ngay đến chuyện phải viết một lá thư gửi cho em trai. Lá thư chất chứa nỗi canh cánh trong lòng ông suốt ba mươi năm trời.
Ngày 4/1/2019, tại quân cảng Cam Ranh, tàu 571 thuộc Hải đội 41 (vùng 4 Hải quân) đưa đoàn công tác ra khơi, tiến về hướng các đảo phía Bắc quần đảo Trường Sa.
Trong hành trang mang theo của chị Khánh Chi có thêm một lá thư đặc biệt. Hơn hai năm trước, chị Chi đã tìm đến gia đình Liệt sĩ Trần Văn Bảy và rất xúc động khi nghe câu chuyện. Chị tâm sự: "Mọi cuộc gặp gỡ dều là nhân duyên. Đối với gia đình Liệt sĩ Trần Văn Bảy đây là mối duyên không thể quên trong cuộc đời cầm bút của mình".
Nhà báo Nguyễn Khánh Chi (Báo Hà Nam) nghẹn ngào đọc lá thư ông Thu gửi Liệt sĩ Bảy
Ngày 6/1, loa thông tin trên tàu phát đi thông báo đoàn công tác đang đi ngang qua đảo đá Gạc Ma, nơi từng diễn ra trận hải chiến Trường Sa ngày 14/3/1988.
Chị Chi lúc bấy giờ đang trải qua những trận say sóng khủng khiếp. Nhưng bằng động lực nào đó, chị bật dậy đi ra mạn tàu hướng về phía đảo Gạc Ma nghẹn ngào đọc lá thư: "Quê nhà ngày 29/12/2018! Bảy em yêu quý của anh. Đã 30 năm em và đồng chí đồng đội của em đã hy sinh, chìm dưới đáy đại dương cùng với con tàu ở ngoài đảo Gạc Ma – Trường Sa.
Không lúc nào anh quên được em. Ngày ngày ở quê nhà anh thắp hương cầu mong cho vong linh hương hồn em được siêu thoát. Vì điều kiện biển đảo sóng gió anh không ra nơi đó để thắp hương cho và các đồng đội của em được... Anh có vài dòng chữ nhắn nhủ và cầu mong cho vong linh hương hồn em và các đồng đội của em... Chúc em yên nghỉ!".
"Cảm thấy thật thiêng liêng khi làm cầu nối chuyển thư và cũng là sợi dây gắn kết tâm linh của gia đình đến người thân sau ba mươi năm chia xa mãi mãi", nhà báo Khánh Chi nói.
Nhiều phóng viên trên tàu đang say sóng lúc đó cũng bật dậy. Việc chị Khánh Chi đọc lá thư trên boong tàu hướng về đảo Gạc Ma là một ngạc nhiên đối với ngay bản thân chị. Chị Chi kể lại, lúc đó, tất cả đều như có một cái gì đó thôi thúc để làm theo.
Chị Chi nói: "Cảm thấy thật thiêng liêng khi làm cầu nối chuyển thư và cũng là sợi dây gắn kết tâm linh của gia đình đến người thân sau ba mươi năm chia xa mãi mãi".
Thế rồi những người trên tàu Trường Sa 571 đều đã khóc khi nghe trọn bức thư và câu chuyện của Liệt sĩ Trần Văn Bảy. Người đưa thư thành kính thả lá thư nương theo gió biển, cánh sóng con tàu trùm lên đưa tấm thư vào lòng đại dương nơi anh Bảy và các đồng đội yên nghỉ.
Hơn ba mươi năm sau ngày anh Bảy hi sinh, ông Thu chưa một lần ra Trường Sa, chưa một lần gửi gắm nỗi nhớ niềm thương cho người em trai một cách đặc biệt như vậy. Lá thư theo hành trình của tàu Trường Sa 571 vượt biển Đông đã làm ấm lòng người nằm xuống.