Dư vẫn còn sống!
Má kể, ngày lên đường, gói hành trang của Phan Tấn Dư chỉ là cái ba lô cóc, trên người bận chiếc quần cũ và cái áo sơ mi màu cháo lòng. “Con đi nấu cơm cho người ta nghen má.
Má ở nhà nghen”- anh cười nói trước khi từ biệt mẹ. Còn chị Thãi “nhỏ” sinh năm 1980, em gái út của anh Dư kể tôi nghe về anh trai mỗi lần đi đâu về nhà, hay vác cái gàu ra giếng xối ào ào.
“Có gì nó ăn nấy. Nhà khổ quá. Cơm chan mắm mà sao anh ấy ăn ngon lành”, chị Thãi kể.
Anh Dư sinh năm 1966, khi vào Hải quân làm lính hậu cần được vài tháng thì nhận nhiệm vụ ở đơn vị thông tin. Ở đây, anh thân với anh Nguyễn Văn Dũng (quê ở Khánh Hòa).
Đầu tháng 3/1988, Trung Quốc lộ rõ ý đồ muốn chiếm đoạt Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc Trường Sa của chúng ta. Anh Dũng nằm trong đơn vị điều ra điểm nóng nhưng bất ngờ bị ốm.
Thế là cái tên Phan Tấn Dư được thay thế trên con tàu HQ - 604. Nhiệm vụ chốt giữ lá cờ Tổ quốc hoàn thành trước hàng trăm lính Trung hung hãn nã súng không thương tiếc.
Phan Tấn Dư cùng đồng đội vĩnh viễn bỏ lại tuổi 20 dưới sóng Gạc Ma. Ba năm quân ngũ, chỉ còn vài tháng nữa đoàn tụ với gia đình. Tổ quốc gọi, anh vẫn đi.
Ngày anh hy sinh, ruột gan mẹ Niệm nóng như lửa đốt. Giấy báo tử về đến tay, má gục trên tay chị Thãi “lớn”. Ngày giỗ đầu anh Dư, má cắt tóc ngắn trụi lủi bên di ảnh con. Mâm thờ con gà, dăm quả táo, nải chuối, bát hương.
Tất cả đơn sơ lắm, nhưng đủ cả. Chỉ thiếu con. Đồng đội đã về rồi, xương cốt con nằm đâu?!. Má đem quần áo của con để lại ra đốt. “Đốt đi chớ, giữ làm chi. Đốt nó có cái nó mặc chớ lấy gì mặc”. Má chẳng giữ lại gì ngoài tấm hình loang lổ anh Dư trong bộ quân phục Hải quân.
Dành đời cho các con
Má Niệm túm cái lược bí chải mấy sợi tóc ngắn tủn. Cái thời con gái, tóc dài chấm lưng, qua lâu lắm rồi. “Hồi ấy tóc dài qua, lúc nào cũng quấn trên đầu”. Mùa nắng Tây Hòa, má chẳng còn giữ bộ tóc ấy nữa.
Nó lùi xùi che mặt má, cắt lúa vướng víu. Má cắt phăng đi. Vài tháng một lần, má xắn quần, mò lên tận mấy vùng núi đất đỏ kiếm đỗ mèo. Gom về hầm nhừ, khỏa cùng nước cơm cho lên mốc. Váng mốc ngâm 1 tháng sau, nổi trắng rồi chuyển vàng.
Má hay sai anh Thừa múc lên tấm nia phơi khô rồi giã chung với dầu. Nồi tương của má lặng lẽ nuôi sống các con. Chồng má Niệm là cán bộ xã lo việc thiên hạ, anh Dư làm lính nghĩa vụ, mấy ai ở nhà để xắn tay cuốc giúp má vài thửa ruộng.
“Cắn răng làm cho chồng con yên tâm công tác. Làm khổ mấy cũng quen rồi”. Má cười móm mém, gỡ miếng gỗ lở trên tấm phản long chân. Tấm phản má mua cũng lâu lắm. Thấy các con nằm đất, má thương sao lạ kì.
Tiền được mùa, má kêu người về đóng tấm phản, kê cái lưng cho 13 đứa con, má mắc võng ngoài cây cau. Tấm phản già, nứt toác, chỉ một lay động nhẹ là kêu kẽo kẹt.
Má Niệm chẳng giữ lại gì cho mình. Năm má chồng mất, má được trao lại đôi khuyên tai bằng đá mã não.
Vậy mà cũng chẳng giữ được lâu, nó trôi tuột xuống sông một lần má đi giặt đồ. Má thiếu nhưng các con phải đủ. Vài hôm sau, má khuân về cái bàn gỗ tròn. “Cho con nó có chỗ ngồi nước non”.
Khu đất bây giờ, ngày má cưới ba, chỉ là một cái chòi lá, xiêu vẹo. Má lọc cọc đi bộ xuống huyện, mua vài đồng dầu. Cái đèn dầu lõng bõng trong cái can to đoành, ngọn bấc nghẹo đầu nằm giữa.
“Cẩn thận lắm mới dùng được. Đổ một phát là phỏng phồng đầu”.
Rồi thằng Cả, thằng Hai đến thằng Mười ra đời. Người thứ mười chính là Phan Tấn Dư. Rồi đến thằng Thừa, con Thãi lớn, Thãi nhỏ. Chiến tranh đột ngột trút bom đạn xuống cái chòi lá.
Nhà má Niệm núp sau mé đường lớn nối xuống huyện Sông Hinh, trước nhà có cái am nhỏ đã vỡ ngói. Má nói vẫn nhớ như in cô người yêu anh Dư chở xuống nhà cùng vài người bạn.
Hồi ấy mới mua cái bàn gỗ, có khách tới, má xếp ra tinh tươm.
Chiều Tây Hòa vàng úa, chạy giữa đường bê tông, gió thốc mạnh qua hai cánh tay. Nhà má ôm trọn ruộng rau muống. Mấy vạt rau hoa trắng nở, trôi lật lừ.
Chị Thãi lớn, tên thật là Phan Thị Nhung (sinh năm 1970) gieo trước nhà vài khóm hoa chuối. Cái đất cằn cỗi, xám ngắt màu bụi, lại nở ra cả một vùng hồng rực.
Bậc thềm má Niệm ngồi, gối cao gần mắt, lặng thênh, má chẳng nói lời nào. Những đứa con từ Khánh Hòa, Đà Nẵng vẫn về thăm má. Má chẳng quên mặt ai. Siết tay từng đứa, cặp mắt đục ngầu thoáng long lanh.
Gặp nhau là khóc nức nở
Anh Nguyễn Văn Dũng nay ở phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) suốt 30 năm, cảm giác day dứt vẫn giày vò anh trên từng vết sẹo dài dọc đầu gối. Ngày ấy lẽ ra anh phải đi, chứ không phải anh Dư.
Nhưng nhiệm vụ làm thông tin liên lạc mà bị ốm thì không thể làm được. Anh được cấp trên cho ở lại trên bờ. “Dư đi như là để thế mạng cho tôi. Lẽ ra số tôi là số chết rồi”, anh kể.
Anh vẫn nhớ lắm, chiều trước ngày lên đường, anh và Dư, cùng vài đồng đội lót cái chiếu ra trước thềm đá rỉ rả trò chuyện đến sáng. Đâu biết chính là phút cuối chia lìa. Phải mất nhiều năm sau, anh Dũng mới tìm được địa chỉ của Dư.
Anh liền nhảy xe từ Nha Trang vượt hơn trăm cây số về, ôm lấy má Niệm, gọi má là má. Anh vẫn ứa nước mắt nhớ rõ đôi tay run run của má Niệm siết trên vai anh lần đầu anh về thăm. “Con gọi má là má nghen má.
Giờ có con ở đây rồi!”. Rồi từ đó, cứ vài tháng một lần, anh Dũng rẽ xe về nhà thăm má. Không lần nào, hai má con không ôm chầm lấy nhau, khóc nức nở. Anh đau chung nỗi đau của má Niệm suốt 30 năm chẳng quên lấy một giờ…