Chuyện của người cựu binh Gạc Ma: Ra Trường Sa ngay sau đêm tân hôn

Thanh Hà - Hà Vy |

Trở về đời thường sau cuộc Hải chiến Trường Sa 1988, người lính không quên được những ký ức những ngày lên đường làm nhiệm vụ và những giây phút bi hùng giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ra Trường Sa sau đêm tân hôn

Trong căn lán trại nhỏ ở giữa rừng ca su ở thôn Rẫy, xã Tây Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), đây là nơi sinh sống của vợ chồng anh Lê Văn Đông (sinh năm 1966), một cựu chiến binh từng tham gia trong trận chiến đấu bảo vệ Gạc Ma năm 1988.

Trong câu chuyện lịch sử 30 năm về trước, chúng tôi được nghe lại những chi tiết của cuộc chiến, từng con người nằm xuống và những con người bị địch bắt làm tù binh.

Với bản thân anh Đông, cái Tết năm 1988 như báo trước một chỉ dấu không lành cho bản thân anh, và cho đơn vị của anh trong biến cố lịch sử dân tộc.

Anh Đông xuất thân trong một gia đình nghèo ở xã Tây Trạch, là người anh cả trong gia đình có 7 người con. Mùa xuân năm 1985, chàng trai trẻ Lê Văn Đông lên đường nhập ngũ, đến 3 năm sau, anh mới có dịp về thăm gia đình.

Đó là dịp tết Nguyên Đán năm 1988 anh được đơn vị cho nghỉ phép 15 ngày về ăn tết và thăm gia đình. Trong lần về quê ăn tết, anh Đông và người yêu- chị Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1968) ở quê nhà đã tổ chức đám cưới.

Vì ngày nghỉ ít, nên 2 bên nhà trai nhà gái lấy ngày 16 tháng giêng tổ chức hôn lễ.

“Chọn ngày cưới là 16 tháng Giêng, nhưng như có linh tính, nên anh lại bàn với gia đình tôi cưới sớm 1 ngày.

Nên chúng tôi tổ chức đám cưới vào đúng ngày rằm tháng Giêng (2/3 dương lịch). Lúc đám cưới diễn ra, mọi người đang đông vui, thì có 2 anh bạn gọi chồng tôi ra nói nhỏ to cái gì đó.

Đám cưới xong, thì chiều tối hôm đó anh nói với tôi “đơn vị anh đang chuyển vào Cam Ranh, nhiệm vụ gấp nên anh phải lên đường đêm nay.

Tôi nghe mà như điếng người, không thể nói được gì nữa. Hai vợ chồng cứ ôm nhau khóc, mọi người trong nhà biết chuyện nên cũng vào động viên anh ấy” chị Nguyễn Thị Thương, vợ anh Đông nhớ lại.

“Tin báo gọi tôi về đơn vị quá bất ngờ, nên người nhà chưa có tâm lý chuẩn bị, cả đêm hôm đó cả nhà không ai ngủ được, sau khi nghe mọi người động viên tôi cũng đấu tranh với bản thân ghê lắm.

Một người lính mà suy nghĩ 2 từ “đào ngũ” cũng thoáng qua trong đầu, nhưng đó là điều tối kỵ nhất.

Cha tôi là một đảng viên, tôi là một người lính, quê hương có bao nhiêu người hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nên tôi không thể trốn nhiệm vụ ở nhà được.

Nhưng đi như thế nào đây, xin đơn vị tới muộn thì không được, vì tình hình trên biển có biến động cả tháng nay, chúng tôi đã nắm được rồi”.

Cảm xúc đang ngổn ngang, bản thân đấu tranh tư tưởng chưa thông thì nghe tiếng vợ tôi nói: “Biển đảo đang gọi thì anh cứ yên tâm đi đi, em sẽ ở nhà chờ anh về”. Anh nhìn vợ dù không khóc, nhưng nước mắt cứ tuôn trào ra.

Sau câu nói đó, người lính như thoải mái hơn, mà nghĩ đến hành trình lên đường về đơn vị cũng đỡ nặng nề.

Sau đêm tân hôn ngắn ngủi, sáng 3/3, anh Đông cùng với các đồng đội vào đơn vị ở Cam Ranh, sau đó ít ngày đơn vị anh lên đường nhận nhiệm vụ đi xây dựng đảo Trường Sa.

Trong chuyến đi làm nhiệm vụ đó, dù bị thương và bị bắt làm tù binh, nhưng may mắn hơn những đồng đội anh đã được trở về quê hương, gặp lại vợ con và con thơ.

Chuyện của người cựu binh Gạc Ma: Ra Trường Sa ngay sau đêm tân hôn - Ảnh 1.

Ngôi nhà nhỏ, nơi gia đình anh Đông-chị Thương sinh sống và làm trang trại.

Ngày về hàng ngàn người đến đón

Đơn vị ra tôi cùng 3 tàu ra xây dựng đảo Trường Sa, trong đó tàu HQ 604 của chúng tôi có nhiệm vụ xây đảo Gạc Ma.

Chiều ngày 13/3, chúng tôi ra đến vị trí đảo chìm Gạc Ma, lúc này xuất hiện vài chiếc tàu của Trung Quốc đến và khiêu khích.

Đến 3 giờ sáng ngày 14/3, chúng tôi bắt đầu vận chuyển vật liệu lên đảo. Lúc này các anh em trên tàu chưa ai ăn gì cả. Nhiệm vụ của tôi là xếp hàng trên tàu 604 xuống để đưa vào đảo.

Tầm 6 giờ sáng, đưa được 3 chuyến vật liệu lên đảo thì tàu Trung Quốc đến gây hấn, dùng thuyền nhôm đổ quân cùng vũ khí lên đảo và 2 thuyền bo bo chạy quanh đảo.

Chúng cắt dây cáp không cho chúng tôi kết nối tàu với đảo, đồng thời thả mìn để chúng tôi không thể tiếp cận nối dây tiếp tục được.

Tôi lúc đó đang cởi trần xếp vật liệu, lính Trung Quốc nói tiếng họ không tôi hiểu, việc tôi tôi cứ làm. Chúng áp sát dí súng vào sau đầu tôi, tôi leo lên báo cáo thuyền trưởng, thì lúc này nhìn lên đảo thấy 2 bên đang xô đẩy.

Bọn lính Trung Quốc vào cướp cờ của quân ta không được, chúng đã nổ súng nhắm vào những chiến sỹ công binh đang tay không lấm lem bùn và vật liệu xây dựng.

Tàu 604 cũng trúng đạn pháo 100mm, bị chìm. Tôi và các anh em trên tàu cũng bị chìm theo. Tôi bơi ra thùng phi nổi lên thì thấy nhiều anh em cũng bám vào các phao, vật nổi trên tàu dạt ra để ngoi lên.

Lính Trung Quốc tiếp tục xả đạn vào những người đang bơi trên biển. Tôi bị thương rời thùng phi, sau đó vin vào phao dạt lênh đênh trên biển.

Tầm gần 5 giờ chiều, thuyền nhôm Trung Quốc chở lính quay lại, chúng phát hiện tôi đang bơi trên biển, nên tìm cách bắt tôi. Lúc này tôi xác định chết, chứ không để bọn chúng bắt, làm nhục.

Nhưng chúng cứ quần tàu vào cho tôi mệt lả không còn sức để bơi nữa lúc đó mới nhảy xuống bắt đưa tôi lên thuyền. Bị tàu địch bắt, chúng đưa vào đất liền Trung Quốc mất 3 đêm, 2 ngày. Những người bị bắt có tôi và 8 đồng đội cùng tàu HQ 604.

Chuyện của người cựu binh Gạc Ma: Ra Trường Sa ngay sau đêm tân hôn - Ảnh 2.

Lịch sử và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ công lao xương máu của các chiến sỹ trong trận hải chiến Gạc Ma (14/3/1988)


Hơn 18 tháng bị giam, nhờ có Cơ quan Chữ thập đỏ Quốc tế đến thăm và can thiệp nên chúng tôi mới thông tin về nhà là mình còn sống và động viên tinh thần người nhà, chứ cũng không biết có được thả hay không.

Sau 3 năm 5 tháng 15 ngày, chúng tôi được trao trả tại cửa khẩu Hữu nghị quan ở Lạng Sơn.

Ngay tại Hữu nghị quan, chúng tôi được Bộ Quốc phòng đón và cho đi an dưỡng 2 tháng, nhưng nhớ nhà nên anh em xin về thăm nhà rồi quay lại.

Lúc tôi về đến nhà thì mọi người đi làm đồng, quanh cảnh không còn nhận ra là nhà của mình nữa, mọi thứ đìu hiu quạnh quẽ.

Ở nhà nhận giấy báo tử đinh ninh bị mất tích nên bàn thờ đã lập di ảnh thờ phụng. Trong nghĩa trang ở Cam Ranh cũng có mộ gió đặt biển tên tôi rồi, sau này xác nhận lại mới phá được 5 năm nay.

“Đứa con cả trong nhà bị đi chiến tranh bị mất tích, nên trong nhà như xuống tinh thần, ba mẹ, các em thời gian dài trong đợi, mọi thứ như cô quạnh. Đến chiều mọi người đi làm về, ôm nhau khóc, la hét trong vui mừng.

Dân làng khắp nơi đến gặp và xem tôi có khác gì không. Người đến đông gấp nhiều lần ngày tôi cưới vợ 3 năm trước. Có người đến nhưng mấy ngày sau mới nhìn được mặt tôi”.

“Giờ với tôi, người dân thường gọi đùa là người lính được hưởng 2 lương, một chế độ thương binh và một chế độ liệt sĩ. Dù chế độ liệt sỹ đã không còn duy trì khi tôi được trở về”, anh Đông đùa vui.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại