Ngày 22/6/1941, phát xít Đức tấn công Liên Xô. Dự đoán với sức tấn công như vũ bão, quân Đức sẽ nhanh chóng ném bom thủ đô Moskva.
Vì vậy, ngay từ trung tuần tháng Bảy, hệ thống phòng không dày đặc bảo vệ thủ đô đã được thiết lập xong, cùng với sự sẵn sàng của các máy bay chiến đấu.
Quân dân thủ đô Moskva cũng khẩn trương đào hầm trú ẩn, chuẩn bị cho tình huống chiến tranh đã cận kề. Nhưng với các mục tiêu chiến lược, các nhà máy, công trình văn hóa kiến trúc, đặc biệt là Lăng Lenin và Điện Kremli, biểu tượng của đất nước Liên Xô thì sao?
Phải làm gì để chúng không bị phá hủy bởi cuộc ném bom phá hoại của phi công Đức?
Đề án phi thường
Ngày 26/6/1941, tức chỉ 4 ngày sau khi chiến tranh nổ ra, tướng N.K. Spiridnov, chỉ huy đơn vị bảo vệ Điện Kremli đã đề xuất với cấp trên 2 phương án "ngụy trang" điện Kremli (còn gọi là điện Kremlin).
Phương án thứ nhất đề xuất cho hạ các cây thánh giá khỏi các đỉnh tháp, sơn màu tối các nóc nhà thờ mạ vàng trong điện Kremli. Các mái nhà, mặt tiền tường bao quanh Kremli phải được sơn vẽ ngụy trang sao cho giống các khu dân cư.
Phương án thứ hai có khác hơn một chút, đó là cho dựng khu phố giả và làm các cây cầu giả bắc qua sông Moskva nhằm làm phi công địch mất phương hướng khi tấn công.
N.K. Spiridnov viết trong bản đề xuất của mình: "Việc ngụy trang sẽ gây khó khăn cho kẻ thù khi tìm kiếm điện Kremli trên nền Moskva và cản trở chúng ném bom làm hư hại công trình này".
Ngày 9/7/1941, Phó chủ tịch Ủy ban quốc phòng Liên Xô V.Molotov ký quyết định đồng ý các phương án ngụy trang thủ đô.
Công việc được giao cho kiến trúc sư nổi tiếng Boris Mikhailovich Iofan và các cộng sự. Chỉ 5 ngày sau, đề án ngụy trang Điện Kremli, lăng Lenin, các công trình trọng điểm ở thủ đô Moskva đã được hoàn tất.
Đề án Boris Iofan sử dụng cả hai phương án ngụy trang mà trước đó tướng N.K. Spiridnov đã đề xuất.
Theo đó, các ngôi sao trên đỉnh tháp Kremli được bọc lại, các cây thánh giá được hạ xuống, các mái vòm nhà thờ mạ vàng được sơn tối màu, các mái nhà màu xanh lá cây đặc trưng được sơn đen.
Trên các bức tường điện Kremli được vẽ thêm các ô cửa sổ, những hình răng cưa trên tường điện được bao phủ bằng gỗ dán, mô phỏng mái nhà.
Tất cả các công việc này đều do những đơn vị đặc biệt thực hiện. Tại các tòa nhà hay tháp chuông cao, các đơn vị này phải trưng dụng vận động viên leo núi.
Các kiến trúc sư luôn có mặt để theo dõi quá trình sơn lại những công trình kiến trúc đặc biệt.
Cũng theo phương án thứ hai của tướng N.K. Spiridnov, người ta đã cho "xây dựng" cấp tốc các tòa nhà, khu phố, quảng trường, công viên giả, thậm chí cả những đường phố mà trước đây chưa hề tồn tại. Tất nhiên là chúng được sơn, vẽ với một thời gian kỷ lục.
Lăng Lenin cũng được các kiến trúc sư nhanh chóng ngụy trang thành 1 ngôi nhà 2 tầng bình thường. Tuy nhiên, để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho thi hài lãnh tụ, Liên Xô ngay sau đó đã chuyển thi hài của Người về Tyumen trên một chuyến tàu đặc biệt.
Đến ngày 28/3/1945, thi hài Người mới được chuyển về lại Lăng trên Quảng trường Đỏ.
Lăng Lenin đã được ngụy trang.
Dòng sông Moskva lấp lánh cũng được các chiến sĩ phủ lấp bằng các xà lan và các bè gỗ, các công trình kết cấu phức tạp. Những cây cầu giả bắc qua sông Moskva cũng đã được dựng lên.
Không những chỉ ngụy trang điện Kremli, lăng Lenin, các công trình nghệ thuật như Nhà hát Lớn, tòa nhà Manezh, sân vận động Dinamo...cũng được ngụy trang cẩn thận.
Ngụy trang Nhà hát lớn.
Ngày 29/7, thiếu tá an ninh Spigov cùng cộng sự đã bay thị sát các công trình được ngụy trang trên máy bay Douglas và đánh giá:
"Việc sơn lại các bức tường điện Kremli và mặt tiền các ngôi nhà có hiệu quả tích cực. Các tòa nhà chưa kịp ngụy trang (như khối nhà 1, Cung đại hội...) nhìn bị tách rời khỏi tổng thể và cần phải ngụy trang ngay".
Các khu phố, tòa nhà giả.
Phi công Đức bị "bịt mắt"
Công tác ngụy trang đang dở dang thì đêm 21/7/1941, đúng 1 tháng sau ngày chiến tranh bắt đầu, khoảng 10 giờ tối, 220 chiếc máy bay Đức bắt đầu xuất hiện từ hướng Smolensk.
Quân Đức ném bom Moskva tháng 7/1941.
Các phi công Đức dày dạn kinh nghiệm từng tung hoành ở bầu trời Tây Âu bị chặn lại bởi lưới lửa phòng không Xô Viết bảo vệ thủ đô Moskva.
Chỉ số ít máy bay Đức lọt qua được lưới lửa, bay vào ném bom Moskva. Suốt 5 tiếng ném bom, chỉ có 37 tòa nhà bị phá hủy.
Từ ngày 22/7, máy bay Đức ném bom Moskva thường xuyên hơn. Không quân Đức chỉ dám đột kích khi hoàng hôn xuống và quần thảo bầu trời thủ đô cho đến 5-6h sáng.
Trong đêm tối, trước một Moskva hoàn toàn "mới mẻ", các giặc lái Đức đã khá lúng túng khi cắt bom tiêu diệt mục tiêu.
Sơ đồ chỉ dẫn ném bom trung tâm Moskva của phi công Đức.
Chiến thuật ném bom của không quân Đức thường diễn ra như sau: đầu tiên là ném bom cháy để soi rõ mục tiêu, sau đó mới cắt bom hủy diệt.
Tuy nhiên trong đa phần trường hợp, phi công Đức vừa phải đối phó với lưới lửa phòng không dày đặc, vừa bị lóa mắt bởi hệ thống đèn pha rọi ngược và địa hình địa vật đã bị thay đổi, nên thường không ném bom trúng được mục tiêu.
Tất nhiên, công đầu bảo vệ thủ đô Moskva khỏi không quân Đức thiện chiến phải nói đến hệ thống phòng không tuyệt vời của Liên Xô. Trong số 8.600 máy bay Đức nhận nhiệm vụ tấn công thủ đô Moskva, đã có 1.392 chiếc đã bị bắn hạ.
Chỉ có 234 chiếc lọt vào được vùng trời thủ đô và ném gần 100 ngàn quả bom cháy và 1610 quả bom tấn công mục tiêu.
Điện Kremli được ngụy trang thành nhà ở.
Việc ngụy trang thủ đô Moskva đã cho thấy hiệu quả rõ ràng: khoảng 1/3 số bom của quân phát xít đã rơi xuống các các mục tiêu giả.
Trong ròng rã 9 tháng tấn công bằng không quân (từ tháng 7/1941-4/1942), quân Đức chỉ phá hủy được 19 xí nghiệp cỡ vừa và 227 tòa nhà (nhà ở, bệnh viện, trường học, nhà hát).
Nếu như không có đề án ngụy trang của kiến trúc sư Iofan, thì Moskva chắc hẳn đã chịu thêm nhiều tổn thất. Trong thời gian chiến tranh, thủ đô Liên Xô đã hứng chịu 141 đợt không kích, trong đó có 8 đợt vào điện Kremli, nhưng không gây được thiệt hại nào đáng kể.