Chị Nguyễn Thanh H. (24 tuổi, Gò Vấp, TP.HCM) bị trầm cảm nặng sau sinh. Chị H. sinh con vào mùa dịch. Ngày chị sinh con, gia đình cũng không gọi được taxi đưa chị vào viện nên đành đi xe máy. Khi sinh xong gần 3 tuần, con hẻm nhà chị bị phong toả rồi các thành viên trong gia đình thành F0. Chồng chị H. cũng là F0. Hai mẹ con chị H. may mắn âm tính.
Cả nhà đi cách ly chỉ còn chị H. ở nhà. Lo lắng bệnh Covid-19, lại vừa sinh con chưa có kinh nghiệm, chị H. thường xuyên mất ngủ.
Cả gia đình đều lo lắng cho mẹ con chị nhưng vì đang mùa dịch, khu nhà chị phong toả nên mọi người chỉ biết hỗ trợ từ xa. Con được hơn 1 tháng, chị H. bị trầm cảm sau sinh. Cả gia đình sợ hãi nên đã liên hệ bác sĩ nhờ tư vấn.
BS Huỳnh Thanh Hiển – Bệnh viện Tầm thần TP.HCM cho biết, khi gọi cho chị H., chị luôn khóc và đòi bế con nhảy lầu. Bác sĩ phải trò chuyện, bắt đầu tìm hiểu về thang điểm ý định tự sát của người bệnh để hỗ trợ điều trị từ xa. Tuy nhiên, nhà bệnh nhân trong khu phong toả, bệnh nhân đang nuôi con nhỏ, việc mua thuốc cũng khó hơn.
Bác sĩ phải kiên trì thuyết phục bệnh nhân tạm thời cai sữa cho con để uống thuốc trầm cảm. Ban đầu, chị H. kiên quyết không cai sữa. BS Hiển cho biết giữa việc lựa chọn điều trị trầm cảm và cai sữa cho con, bác sĩ phải xem xét kỹ lợi ích của việc nào hơn. Người bệnh cần cai sữa tạm thời, có thể cho bú lại sau đó.
Sau thời gian bác sĩ kiên trì khuyên người bệnh, cuối cùng bệnh nhân cũng chịu hợp tác tạm cai sữa cho con để uống thuốc trầm cảm. Bác sĩ Hiển mua thuốc nhờ giao hàng gửi vào. Qua 1 tuần, bệnh nhân tâm trạng tốt hơn,, không còn ý định tự tử. Hơn nữa, người thân cũng lần lượt được ra viện.
Bác sĩ Hiển cho biết ông cũng "thót tim" vì chỉ cần người chồng có vấn đề gì chắc chắn bệnh nhân sẽ không chịu được cú sốc đó. Vừa động viên sản phụ, bác sĩ Hiển cũng phải nắm thông tin người thân để có các bước hỗ trợ bệnh nhân từ xa.
Những ngày giãn cách vì Covid-19, bác sĩ Hiển liên tục nhận các cuộc điện thoại xin tư vấn trầm cảm của người dân, có bệnh nhân cũ và bệnh nhân mới. Khác với tư vấn điều trị thông thường, bác sĩ phải tư vấn rất lâu, hỏi han người bệnh thật kỹ, đặc biệt là những người đang có ý định tự sát.
Dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng tới tâm lý của rất nhiều người, gia tăng trầm cảm. Bác sĩ Hiển cho rằng tốt nhất mọi người nên chuẩn bị tâm lý thoải mái và không sợ hãi, cần có suy nghĩ tích cực và xác định sẽ sống chung với dịch bệnh.
Đối với những người có hiện tượng trầm cảm, mất ngủ, suy nghĩ tiêu cực hay có các hành vi tự làm hại bản thân, gia đình nên chú ý theo dõi và tìm các bác sĩ xin tư vấn hỗ trợ, tránh các trường hợp đáng tiếc.
Dù đang giãn cách không thể gặp trực tiếp, người dân có thể trò chuyện với người thân qua mạng xã hội nhiều hơn để bớt căng thẳng, tích cực đọc sách, xem phim, đặc biệt là những người có người thân mắc Covid-19. Mọi người hãy tìm đọc những tin tích cực, giúp hướng sự chú ý của chúng ta tới sự lạc quan, vui vẻ hơn, bác sĩ Hiển khuyên.