Sau khi chọc thủng tuyến phòng thủ vòng ngoài của Quân lực Việt Nam cộng hòa (VNCH), 5 giờ sáng ngày 30.4.1975, trận hành tiến tiến công từ Ngã ba Vũng Tàu theo Xa lộ Biên Hòa vào Sài Gòn của "binh đoàn thọc sâu" thuộc QĐ 2 bắt đầu.
Lựa chọn sinh tử
Dẫn đầu đội hình là Thê đội 1 của binh đoàn bao gồm toàn bộ Tiểu đoàn xe tăng 1 của Lữ đoàn 203. Tiểu đoàn XT1 gồm 3 đại đội 1, 3, 4 trang bị xe T54, T59. Trong đó, Đại đội XT3- đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân từ năm 1973 được giao nhiệm vụ đi đầu.
Bộ phận còn lại của Lữ đoàn 203 bao gồm Tiểu đoàn TTG4, Tiểu đoàn TTG5 cùng các lực lượng bộ binh, pháo binh, cao xạ, công binh hình thành Thê đội 2 hỗ trợ phía sau.
Bằng sức mạnh hỏa lực, xung lực thê đội 1 đã chọc thủng các điểm phòng ngự tại cầu Xa Lộ, Trường Võ bị Thủ Đức, cầu Rạch Chiếc... không mấy khó khăn. Tuy nhiên, mũi tiến công như vũ bão buộc phải dừng lại trước cầu Sài Gòn bởi sự chống cự điên cuồng của quân địch.
Trong thế không còn gì để mất, quân lực VNCH đã thiết kế một chốt chặn khá vững chắc tại đầu cầu Sài Gòn. Tại đây, chúng sử dụng thùng phuy, bao cát xếp thành các vật chướng ngại hình zic- zắc để chặn bước tiến xe cơ giới. Phía sau các vật chướng ngại chúng bố trí các xe tăng M48 và các loại hỏa khí khác.
Trong khi đó, đội hình tiến công buộc phải triển khai thành hàng dọc phơi mình trên xa lộ, không hề có vật che đỡ cũng như vật che chắn nên rơi vào thế bất lợi. Bởi vậy, ngay sau loạt chạm súng đầu tiên đã có 2 xe tăng T-54 bị bắn cháy. Nhô người trên tháp pháo chỉ huy, tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ trúng đạn hy sinh. Đội hình tiến công bị ùn lại.
Bộ đội xe tăng thần tốc hành quân về phương Nam cho chiến dịch quyết định.
Lúc này không chỉ có hỏa lực tại chỗ, các tàu chiến đang cơ động trên sông Sài Gòn cũng quay pháo tập trung bắn vào đội hình tiến công. Hai chiếc máy bay A37 xuất hiện trên bầu trời lượn vòng chọn mục tiêu. Thêm 2 xe tăng nữa bị cháy, xe thiết giáp chỉ huy cũng trúng đạn, 4 chiến sĩ thông tin hy sinh.
Trước tình hình đó, chỉ huy các đơn vị lệnh cho các xe chiếm địa hình có lợi tập trung hỏa lực tiêu diệt xe tăng địch sau vật chướng ngại và trên vòm cầu Sài Gòn, một số xe quay pháo xuống sông bắn tàu chiến, các xe thiết giáp dùng súng 12,7 mm bắn máy bay...
Sau khi bắn cháy 2 chiếc M48 bố trí phía sau các vật chướng ngại, lệnh "Xung phong vượt cầu!" từ chỉ huy lữ đoàn được gửi tới tất cả các đơn vị. Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội XT3 Lê Tiến Hùng chỉ huy xe tăng số 866 quyết định sẽ xung phong vượt cầu.
Niềm vui chiến thắng của Bộ đội Giải phóng và người dân Sài Gòn.
Biết rằng hành động này là cực kỳ nguy hiểm, có thể sẽ hy sinh nên Lê Tiến Hùng yêu cầu người đồng đội Phạm Tuấn Hùng- Kỹ thuật viên đại đội vẫn đi cùng xe anh phải xuống xe. Anh nói:
"Cậu là kỹ thuật viên phải xuống xe sau theo dõi, sửa chữa xe của cả đơn vị. Tớ đi xe đầu tiên có thể bị hy sinh, nếu tớ có bị hy sinh cậu nhớ bảo với vợ tớ ở Hạ Hoà (Phú Thọ) biết nhé!".
Sau khi chia tay nhau, Lê Tiến Hùng lệnh cho lái xe Phương xuất kích. Đi cùng xe anh có một chiến sĩ công binh sang phối thuộc. Phía sau xe 866 của anh là các xe của Đại đội XT4 do trung úy Bùi Quang Thận chỉ huy cũng ào lên. Một số tên địch vẫn ngoan cố chống cự nên các xe vừa hành tiến vừa bắn dữ dội vào khu vực đầu cầu.
Bằng xung lực mạnh mẽ, các xe tăng húc đổ các vật chướng ngại bằng thùng phuy đất và bao cát tạo thành một lối đi đủ rộng để xung phong. Quân địch đã mất tinh thần chạy sang phía bên kia mặt cầu cong và dạt xuống bờ sông Sài Gòn. Các tàu chiến dưới sông cái thì bị bắn cháy, cái đã tháo chạy ra phía biển. Máy bay trên trời cũng rút hết.
Các xe tăng tăng tốc độ vượt cầu. Lên đỉnh cầu, một khung cảnh vô cùng lạ lẫm, mới mẻ của thành phố Sài Gòn hiện ra trước mắt. Đã thuộc lòng câu chỉ dẫn: "Qua cầu Sài Gòn chạy thẳng, sau khi qua cầu Thị Nghè vượt qua 7 ngã tư rẽ trái sẽ đến dinh Độc Lập" nên Hùng lệnh cho lái xe tăng tốc xuống dốc cầu.
Đường phố Sài Gòn lúc này hoàn toàn vắng lặng. Thỉnh thoảng một phát súng từ các ngõ hẻm bắn ra. Để tiện quan sát, Lê Tiến Hùng mở cửa trưởng xe nhô hẳn nửa người ra ngoài. Phía bên kia, chiến sĩ công binh cũng luôn nắm tay cầm điều khiển khẩu 12,7 mm sẵn sàng bắn diệt bất cứ kẻ nào chống cự.
Nhà cửa ngày một dày đặc hơn, đẹp hơn nhưng phố xá vẫn vắng lặng, Hùng có cảm tưởng đã rất gần mục tiêu chủ yếu rồi thì thấy hai xe M113 rằn ri loang lổ nằm ven đường.
Anh nghĩ bụng: Thằng này ăn nhằm gì...! Chắc lính bỏ chạy hết rồi, đại liên trên xe cũng gãi ghẻ mà thôi... Định cho chiếc tăng lướt qua bằng tốc độ thì bỗng Phương quát to: "Anh Hùng, có tăng địch!".
Trong khoảnh khắc cùng với tiếng quát đó, Hùng nhìn thấy giữa hai chiếc xe M 113 lấp ló nòng khẩu pháo của chiếc tăng Mỹ M41 nấp kín. Chưa kịp hạ lệnh cho pháo thủ bắn thì một luồng lửa phụt ra từ cái họng pháo đó.
Phát đạn pháo địch đánh bay ngay khẩu 12 ,7 mm nặng gần 100 kg, đồng thời tiện đứt đôi người đồng chí công binh phối thuộc. Lê Tiến Hùng thấy mắt tối sầm lại, anh sờ tay xuống bụng thấy ướt sũng, tai còn nghe tiếng xích xe tăng nghiến ầm ầm trên đường nhựa của Đại đội XT4 do Bùi Quang Thận dẫn đầu đang ào ào lướt lên...
Đồng chí Lê Tiến Hùng (mặc quân phục) cùng Đại tá Bùi Tùng, nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203.
Ngay sau đó, Phương và Mỹ đưa Trưởng xe ra và đặt trên hè đường. Một số bà con nhân dân quanh đó cũng kéo ra xem dù chiến sự vẫn đang khốc liệt. Nhìn khoang bụng vỡ nát, máu nhuộm đỏ quân phục, ruột lòi ra ngoài ai nấy đều cho là không thể cứu được...
Một người nói: "Đằng nào cũng chết, cứ đưa ông ấy vào viện đi!"... Thế rồi họ xúm vào khiêng Lê Tiến Hùng vào Y Viện Sùng Chính - một Y viện tư nhân của người Hoa tại số 929 Đại lộ Trần Hưng Đạo gần đó.
Nhìn vết thương quá nặng, lại là của một người lính Quân giải phóng bác sỹ trưởng không dám mổ, ông Giám đốc cũng lắc đầu nhưng đồng bào rất cảm phục một người lính dũng cảm đã xúm vô động viên hai ông thực hiện ca cấp cứu trong vô vọng...
Cái kết có hậu
Lê Tiến Hùng hôn mê suốt 5 ngày, khi mở mắt ra người đầu tiên anh thấy là Giám đốc bệnh viện Sùng Chính... Ông ta thực sự khâm phục sức sống mãnh liệt của người lính. Còn anh cũng hết sức cảm ơn người bác sĩ tài giỏi đã cứu mạng mình. Sau đó 2 tháng, đơn vị đón anh về cho đi an dưỡng để ra quân về tiếp tục học đại học.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Lê Tiến Hùng về công tác tại Nhà máy giấy Bãi Bằng và phấn đấu trở thành Giám đốc công ty nguyên liệu của nhà máy. Mặc dù khoang bụng vá chằng vá đụp, phải cắt bỏ một tinh hoàn... song vợ chồng anh vẫn cho ra đời 3 đứa con đẹp như tranh.
Thời gian sau chiến tranh, Lê Tiến Hùng đã trở lại Y viện Sùng Chính để cảm ơn những người đã "cải tử hoàn sinh" ra mình. Tuy nhiên, từ sau năm 1979 thì y viện không còn tồn tại nữa. Anh chỉ còn biết giữ mãi trong lòng lòng biết ơn đối với các bác sĩ tài giỏi và những y tá, hộ lý tận tụy nơi đây.
Sau này, nhiều người bảo: "Nếu thằng xạ thủ M41 bắn chệch một tý thì người cắm cờ trên dinh Độc Lập chắc chắn là Lê Tiến Hùng!". Nghe vậy anh cười: "Lịch sử không có chữ Nếu...!". Lại có người bảo: "Vượt cầu Sài Gòn vào nội đô đầu tiên, anh xứng đáng là anh hùng" thì anh lại càng cười to hơn: "Thì lúc nào tớ chả là anh Hùng!".