LHQ tăng gấp đôi số tàu chịu lệnh trừng phạt liên quan đến Triều Tiên

Thu Hoài |

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 28/12 ban bố lệnh cấm tiếp cận các cảng biển quốc tế đối với 4 tàu của Triều Tiên.

Những tàu này bị nghi chuyên chở hoặc chứa những mặt hàng thuộc diện bị áp đặt lệnh trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không thể áp lệnh cấm tương tự với 6 tàu khác do vấp phải sự phản đối của Trung Quốc.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích Trung Quốc ngăn cản quốc tế đạt được một giải pháp "thân thiện" trong vấn đề Triều Tiên.

Đây không phải lần đầu tiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ban bố lệnh đóng cửa các cảng biển quốc tế đối với tàu của Triều Tiên. Trước đó, hồi tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử Liên Hợp Quốc, cơ quan này đã quyết định cấm 4 tàu, mang cờ các nước Comoros, Saint Kitts và Nevis và Triều Tiên cập cảng quốc tế do bị phát hiện vi phạm các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.

Bản danh sách lần này gồm 10 tàu do Mỹ đề xuất. Một quan chức ngoại giao giấu tên cho biết, dù chỉ có 4 tàu được chấp nhận, song tiến trình vẫn còn để ngỏ đối với những tàu khác. Bốn tàu liên quan tới lệnh cấm lần này đều mang cờ Triều Tiên.

Ngoài ra, bản danh sách do Mỹ đề xuất còn bao gồm các tàu được đăng ký ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác gồm Belize, Trung Quốc, Hồng Công, Panama và đảo quốc Palau ở Tây Thái Bình Dương.

Ngay trước quyết định của Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ lên tiếng chỉ trích Trung Quốc, dù thời gian gần đây nhiều lần tỏ ý hoan nghênh các nỗ lực của nước này nhằm gia tăng sức ép với Triều Tiên. Trên trang mạng cá nhân Twitter, ông Donald Trump cho biết lấy làm thất vọng khi thấy Trung Quốc tiếp tay để đưa các chuyến hàng chở dầu vào Triều Tiên.

Theo ông Donald Trump, sẽ không thể có giải pháp "thân thiện" nào cho vấn đề Triều Tiên nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên người đứng đầu nước Mỹ không nêu rõ liệu có phải là đề cập tới những bằng chứng mà nước này khẳng định là "đang có trong tay" cho thấy sự vi phạm của Trung Quốc hay không. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại chính của Triều Tiên.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, khi được hỏi liệu các tàu Trung Quốc có cung cấp dầu bất hợp pháp cho các tàu Triều Tiên hay không, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường tái khẳng định, Trung Quốc đã nghiêm chỉnh thực thi các nghị quyết của Liên Hợp Quốc về Triều Tiên, đồng thời cho rằng những cáo buộc của Mỹ là vô căn cứ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày cũng nhấn mạnh, Trung Quốc chắc chắn sẽ giải quyết phù hợp với các quy định và luật pháp, chứ không bỏ qua bất cứ một trường hợp vi phạm nào.

Trước đó, Chính phủ Trung Quốc cũng nhiều lần kêu gọi các bên tuân thủ đầy đủ nội dung và tinh thần của các nghị quyết Liên Hợp Quốc về Triều Tiên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói: "Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi kêu gọi tất cả các nước phải kiềm chế và chủ động nhằm giải quyết vấn đề. Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tăng cường các biện pháp trừng phạt phù hợp với Triều Tiên.

Cần nhấn mạnh rằng, việc thực thi văn kiện này không nên gây ảnh hưởng tiêu cực đến về mặt nhân đạo đối với người dân Triều Tiên, cũng như trao đổi và hợp tác kinh tế bình thường hay các hoạt động viện trợ lượng thực và nhân đạo".

Trong năm 2017, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí áp đặt, trong đó có sự ủng hộ của Trung Quốc, 3 loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên, với mức độ hà khắc tăng dần: lần lượt vào các thời điểm 5/8 (đối với sắt, than đá, nghề cá...), ngày 11/09 (dệt may, hạn chế xuất khẩu dầu mỏ) và 22/12 (đặc biệt nhằm vào các sản phẩm dầu tinh chế).

Những lệnh trừng phạt này là phản ứng trước việc Triều Tiên tiến hành nhiều vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa và một vụ thử hạt nhân, cũng như nhằm gia tăng sức ép buộc nước này phải quay lại các cuộc đàm phán về chương trình vũ khí.

Cách đây vài tuần, Mỹ đã chỉ trích việc tiếp tục những hoạt động giao dịch với Triều Tiên, bất chấp các lệnh cấm của Liên Hợp Quốc. Việc đóng cửa các cảng biển quốc tế đối với những tàu tình nghi, ngoại trừ các tàu nhân đạo được quyết định trước đó bởi Ủy ban kiểm soát thực thi các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên, được nêu trong nghị quyết thông qua hôm 5/8 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại